Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2022

GIỚI THIỆU TIỂU THUYẾT HỒI TƯỞNG Của Tác Giả Từ Dung - Vi Khiêm

                Tác giả Vi Khiêm.
Thưa quý vị, 
Hôm nay tôi hân hạnh giới thiệu với quý vị tác phẩm “Hồi Tưởng” của nhà văn Từ Dung. Ngay trang đầu tác giả đề tựa cho tác phẩm Hồi Tưởng là tiểu thuyết. Nhưng tôi và nhiều độc giả khác cảm nhận nó được viết dưới dạng hồi ký và không theo thứ tự thời gian. Nếu gọi nó là truyện thì cái ranh giới giữa truyện và ký này rất nhạt nhòa do sự khéo léo của tác giả đã biến ký thành truyện. Hồi Tưởng là một bức tranh miêu tả những đường nét và mầu sắc lung linh đậm nhạt của cuộc đời tác giả Từ Dung. 
<!>
Nếu đem so sánh với hội họa thì Hồi Tưởng diễn tả bộc bạch chi tiết, trong sáng, chân thực trong những giai đoạn đời người như tranh của trường phái Hiện Thực Realism của danh họa Gustave Courvet ở giữa thế kỷ 19, có hạnh phúc dâng tràn lẫn gian nan khổ ải mà cuộc đời tác giả đã trải qua. Và suốt dọc dài của tác phẩm vẫn là chuyện tình yêu.
Tình yêu là chuyện muôn thuở của con người. Người ta nói rằng tình yêu cũ như trái đất, nhưng vẫn mới như mỗi mùa xuân.

Tác giả là người đa cảm và đặc biệt biết yêu rất sớm, mói sáu tuổi đã si tình cậu bé trai hàng xóm và biết làm thơ yêu đương. Khó có thể mường tượng được một cô bé mới cắp sách đến trường mà đã làm được những vần thơ này:

“Nhưng cũng không ai biết mối tình
Lặng thầm giữa đôi lứa thư sinh
Vì họ cũng không hề hé miệng
Tỏ cho nhau biết nỗi lòng mình.”

Đúng là dòng dõi văn chương, nhưng với một trái tim rất lạ, khao khát yêu thương từ thời thơ trẻ như Từ Dung đã tự nhận. Sự lãng mạn ấy đã đưa dẫn tác giả đến những cuộc tình nóng bỏng hạnh phúc nhưng lại mong manh dẽ vỡ. Nhưng chị là một phụ nữ có tinh thần mạnh mẽ. Sau mỗi lần cuộc tình đến đoạn cuối, tác giả lại đứng lên cho một khởi đầu mới. Và dù định mệnh có đưa đẩy đời mình đến những bến bờ xa lạ, thì chính tác giả vẫn là người chủ động.

Một nét đẹp trong những cơn sóng gió của cuộc đời Từ Dung là chẳng hề oán trách khi hai người rẽ sang hai hướng khác nhau. Những câu chuyện kể nói lên tâm hồn rộng lượng của tác giả trước những sự việc xảy ra trong đời sống hàng ngày. Như có một lần trong giai đoạn chật vật với kế sinh nhai, người giữ cháu Hải Âu, con chị, bỏ bê chẳng chăm sóc cháu như chị kể rằng “Dung vừa về đến đầu ngõ thì thấy một con bé bẩn thỉu đang bò ngoài ngõ, đến gần mới biết là con mình…” Thế mà chẳng thấy chị trách móc người giữ trẻ. Tác giả là người có lòng nhân ái bao dung, đúng với cái tên mà thân phụ của chị, nhà văn Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, đặt cho: Nguyễn Từ Dung.

Trong Hồi Tưởng, người đọc được biết thêm về nhà văn Hoàng Đạo, một cột trụ của Tự Lực Văn Đoàn, một nhà cách mạng tha thiết với tiền đồ dân tộc. Rất tiếc ông bị mất lúc bôn ba hải ngoại khi tuổi còn rất trẻ trên con đường đi tìm sinh lộ cho dân tộc.
Rồi đến người cậu Như Phong Lê Văn Tiến, nhà văn, nhà báo và là nhà hoạt động chính trị. Ông là người mực thước, thẳng thắn, cương trực, đầy nhiệt huyết với ý chí mạnh mẽ theo đuổi lý tưởng phục vụ quê hương dân tộc, đã trở thành một con người lý tưởng trong con người tác giả.

Hai nhân vật đã in đậm nét trong cuộc đời Từ Dung là thân phụ Hoàng Đạo và cậu Như Phong Lê Văn Tiến, đến nỗi những chàng trai đến với chị, chị đều so sánh với bố và cậu. Nhưng đời sống này thật là khó khi tìm kiếm những mẫu người lý tưởng như nhà văn Hoàng Đạo và Như Phong Lê Văn Tiến.
Rồi bà Hoàng Đạo, thân mẫu tác giả, một hình ảnh mẫu mực của một bà mẹ Việt Nam sống trọn vẹn với tam tòng: “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, và có đầy đủ tứ đức “công, dung, ngôn, hạnh”. Bà Hoàng Đạo xứng đáng để người con gái bà, Từ Dung, viết những lời ca ngợi mẹ trong cuộc đời bà.

Lối viết tự nhiên, chân thực về song thân, ông bà Hoàng Đạo và người cậu Như Phong Lê Văn Tiến không làm cho người đọc cảm thấy tác giả như khoe khoang về thân thế gia đình mình. Nhưng được biết thêm và ngưỡng mộ môt gia đình đã góp phần quan trọng cho nền văn học Việt Nam ở những thập niên tiền bán thế kỷ 20.
Tác phẩm Hồi Tưởng này, Từ Dung đã trải rộng lòng mình đến với độc giả, ghi lại những biến cố xảy ra trong đời, đặc biệt là mặt tình cảm với cách trình bày dung dị, tự nhiên, chân thực chất chứa tấm lòng bao dung rộng mở đã làm tôi say sưa đọc và đọc nhiều lần.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Vi Khiêm.


Nhà văn Từ Dung, MC Thuỵ Lan, Tác giả Vi Khiêm.

Không có nhận xét nào: