Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2022

Xuân hạnh ngộ kỳ... thú - Bửu Truyền

 Vũ đoàn đang múa. Ca sĩ đang hát. Pháo đang nổ. Rộn ràng trên... tivi. "Xuân đã về! Xuân đã về! Ngàn hoa thắm...           Bà xã... xệ tay liền tay, miệng liền miệng, vừa lau chùi, dọn dẹp bếp núc, vừa kêu đứa này, hối đứa kia. - Đâu có gián nhện đâu má.. Thằng con trai đứng trên chiếc thang ghế vừa quơ cây chổi lông gà vừa trả lời má mình.            - Hổng có gián nhện thì quét bụi bặm. Cả năm rồi, con có quét đâu! Lẹ lên! Xong rồi, con giúp má lau dọn trang Ông Táo. Quét cho sạch, để Má cúng đưa Ông Táo nhen!            Má nó, "Bà xã xệ" ngọt giọng với con hơn mọi ngày!        Thình lình có tiếng chó sủa vang rân cả bày. "Gấu! Gấu!..." Tiếng chuông cửa "Reng reng... " liên hồi. Ai ai cũng giật mình!

<!>

            "Lý Toét", bạn bè, hàng xóm thường gọi hắn như vậy, ngưng tay đốt gốc những cành mai vừa mới chặt ngoài vườn vào, đứng lên, đi vội đến mở cửa. Ngạc nhiên, há hốc miệng, quay vào trong kêu lớn:

            - Bà xã ơi! Các con ơi! Ai như Lý Toét và Xã Xệ đến!?

            Cả nhà cùng 'há miệng chữ A, trố mắt chữ O" - "từ" của thời thượng" - nhìn về hướng cửa ra vào.

            - Nhà nuôi chó nhiều quá vậy? Làm sao dám vào!

            Cả hai người khách đứng bên ngoài cửa cùng hỏi và dường như hơi... run sợ chó.

            - Mời! Mời hai vị bước vô nhà. Trời lạnh lắm! Không có chó! "Chó nhốt vào,,, hộp hết rồi! Đừng sợ!

            "Lý Toét" ngạc nhiên, không biết là ai. Chỉ thấy quen quen! Ngờ ngợ! Thầy hai ông này ở đâu rồi? Không nhớ! Nhưng tay vừa mở cửa, vừa đón cây dù từ vai người ốm, và chiếc áo nặng trĩu từ người mập, miệng vừa mời:

            - Mời hai vị ngồi! Xin lỗi! Hai ngài là ai đây?

            Người mập, mặt tròn nung núc, đầu trọc lông lốc, chỉ có mỗi một sợi tóc xoăn trên chóp, nhanh nhảu  hỏi thay vì trả lời:

            - Ông bà nhìn hình hài "đặc sản" này không biết chúng tôi là ai à? Thảo nào đã "mạo danh" chúng tôi! Nên xử phạt "thụt dầu' mấy chục cái như lúc chú còn trong Quân trường!

            Mặc cho gia chủ há hốc ngạc nhiên muốn nói, muốn thưa thốt, ông Mập - mập hơn "bà xã xệ" nhà ta nhiều - "xả đại liên" hàng loạt, liên tu bất tận vào tai mọi người:

            - Đây! Các người nhìn kỹ! Đây là tờ báo Phong Hóa, xuất bản năm 1934, do Nguyễn Tường Tam đậu Cử nhân Khoa học ở Pháp về, chủ trương. Đến số 48 này, Phong Hóa  đã đăng hình Lý Toét ra tỉnh" đây.

            Ông moi trong "cặp táp" ra chiếc laptop. vừa mở vừa  "thuyết minh" tiếp, không cần biết có ai nghe hay không, bằng giọng Nam Kỳ Lục Tỉnh pha chút chút tiếng Tây "Phú-lang-sa":

            - Đây là hình chụp tờ Phong Hóa nè! Hình Lý Toét là do Đông Sơn họa. Và hình Xã Xệ là do Bút Sơn họa. Đúng hôn? Còn nữa! Đây là tờ Ngày Nay! Các ông bà xem đi! Có phải hình chúng tôi không? Lý Toét-Xã Xệ kèm theo những câu chuyện vui nhộn, hài hước, cốt làm cho người xem cười! Coi đi!

            Hắn, chủ nhà, "Lý Toét" muốn nói, liền bị Lý Toét khách, khoác tay chận lại:

            - Khoan! Muốn hỏi gì để "moi" (moa) nói đã! Không phải như chú em - chỉ vào ông chủ nhà - Chú là "người Mỹ gốc Mít"! Xin lỗi! "Người Mỹ gốc Việt". Chú có ăn học, đỗ đạt từ Sài Gòn, kể cả khi sang đây, chú cũng đã tốt nghiệp kỹ sư như ai. Còn tớ!?

            Ngừng một chút, vểnh bộ râu tua tủa rễ tre, sửa lại chiếc khăn đóng màu đen trên đầu cho dính vào búi tóc, vắt ngược tà áo "rài" ra phía sau, tém bớt đôi môi "mái hiên nhà", kéo chân phải lên ghế, để lộ cái giò gần như da bọc xương, mà lông lá lởm chởm. Sửa bộ đã xong, "trịnh trọng" nói:

            - Tớ ý à?  Ừ mà khoan! Đôi dép da Gia Định và cái ô đen của tớ đâu rồi? Để trong tủ áo bên cửa vào hở? Thế là tốt! Tớ cứ ngại như ở cái "TP.HCM" hở một tí là biến! Tớ tiếp nhá! 

              Tớ do Ông Đông Sơn và bà Phụ Nữ Thời Đàm "đẻ ra". Tớ là một ông già nhà quê, làm đến chức Lý Trưởng. Bây giờ Việt Nam, các chú gọi là Trưởng Ấp, trưởng Thôn, hay Chủ tịch Ủy Ban Nhân Nhân gì gì đấy! Tớ bị bệnh đau mắt hột từ bé. Thành ra mắt toét. Mắt bét gọi theo kiểu miền Nam đấy. Ông Lý có mắt toét, thì gọi là... là Lý Toét! Giản đơn thôi! Xin lỗi đơn giản thôi. Từ sau "bảy nhăm -75, quen thói cố tình đảo ngược chữ,  cố "xử ný" "cải tạo" cho đời sống của "nhân rân" "miền Lam" bị dốc ngược. Lấy đầu làm đuôi. Xóa hết văn hóa! Tẩy hết thuần phong mỹ tục! Đúng quá chứ gì nữa!?

            Người khách thứ hai, Xã Xệ chen vào:

            - Cha đẻ của "moi" (moa) là Bút Sơn, người Saigon. "Moi " hoàn toàn khác với Lý Toét từ đầu tới chưn, Nhưng hai chúng tôi cùng một phong cách "đặc tính dân tộc" hài hước, dí dỏm, thâm thầm, mộc mạc.

            Lý Toét tỏ vẻ khó chịu, nhìn chủ nhà:

            - Tớ hỏi chú nhà nhá! Hỏi "Lý Toét" giả đấy! Tại sao, hai bác bốc khoét, tự nhận mình là Lý Toét - Xã Xệ, hở? Các bác mạo danh người khác không sợ bị kiện à? Tớ nói thật nhé! Nghĩ tình hai bác là người "đồng... đồng...

            Xã xệ che mồm nhắc nhỏ: - "đồng hương"

            - Ừ, rằng thì là cùng đồng... hương, cùng chung bàn...

            Xã Xệ lại sợ Lý Toét lẩn thẩn xổ toẹt ra là, là cùng.... cùng bàn thờ, nên ghé mồm nối lời:

            - Cùng chung bàn nhậu!

            Lý Toét ừ à:

            - Cùng chung bàn nhậu mí tớ! Mí nhau. Và... và.. và gì nhỉ?

            Xã xệ hai tay chà chà, vuốt vuốt cái bụng phệ, cười hì hì, tỏ vẻ thân thiết:

            - Cùng họ hàng! "Gia tộc chi huyết thống -huynh đệ chi nghĩa tình".

            - Ừ! Cùng là Lý Toét - Xã Xệ! Dù sinh sau đẻ muộn hơn nửa thế... giới! À không! Sau nửa nửa thế kỷ. Ở xa nhau nửa... bên kia thế giới!

            Lý Toét giải thích.

            Xã Xệ lại phải đính chánh:

            - Lý Toét muốn nói anh em mình kẻ ở Việt Nam, người  ra nước ngoài; cách nhau nửa vòng... tròn... trái đất như cái đầu của tui đây! Đúng không ông bà chủ? Đúng không mấy cháu cưng?

           

            Các cháu từ nãy giờ đang dọn dẹp, lau chùi lư đồng cũng đã nghe và hiểu gần hết câu chuyện của hai ông khách... quái lạ, kỳ bí này. Các cháu xầm xì. Anh trai cả nói khe khẽ:

            - Anh chưa từng thấy, chưa từng một lần gặp gỡ hai cái ông này, một ốm nhách, cao lênh khênh, hàm râu chắc chưa bao giờ cắt cạo. Thấy ghê! 

             Bé gái cúi mặt xuống, lấy tay che miệng nói nho nhỏ vào ta hai anh đang chụm đầu vào nhau:

            - Hao hao giống Ba của mình. Nhưng, Ba mình đẹp hơn nhiều! Cao, ốm thì giống. Râu ria, mồm miệng thì không.

            Nhìn sang ông khách kia, bé nhà ta tỏ ra ta đây là một phóng viên "chiến chường", lấy tin tức ngay trận địa... pháo, một  nhà "bình loạn" lão luyện (sit - nhóc tỳ thì có!):

            - Hai anh nhìn kìa! Ông xưng là Xã Xệ đó! Người gì mà mập ú, ủn ỉn lùn xịch, giống, giống...

            - Giông giống Má mình! - Anh trai kế chận lại, châm chọc!

            - Làm gì giống! Má mình mập mà sang! Cao ráo "sạch sẽ"! Đầu đâu có trọc lóc! Tóc má mình dài khỏi đầu gối luôn mà! Mắt má mình to, đen lay láy! Mơ huyền! Đâu có mắt hít, mở hổng lên như ổng đâu!

            - Em luôn ca ngợi Má! Mà má đẹp thiệt, nên Ba mới mê đó! Thôi! Làm việc đi! Coi chừng bị má la ! - Thằng anh lớn nói.

 

            Coi bộ khách không mời mà đến, đã quá "nhiều chuyện" làm mất thì giờ "ngày hết Tết đến", làm ngưng trệ công việc chuẩn bị đón Tết mừng Xuân. Chủ nhà cố hết sức để "có ý kiến". Tay trịnh trọng rót trà (chè) đầy vào hai tách đã cạn, nói:

            - Mời hai vị dùng trà. Cho phép tôi mạo muội được thưa với hai vị.

            Khách, Lý Toét - Xã Xệ cùng "song ca":

            - Vâng, mời chú em! Tự nhiên!

            Chủ nhà:

            - Thưa hai vị! Trước hết, tôi, đúng hơn phải xưng là cháu, kêu hai vị là Ông, Bác, Chú mới đúng!

So tuổi đời, các cháu là "hậu sanh"! Nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là "bố đẻ" của ông Lý Toét. Ba cháu phải học, phải làm bài "bình giảng kim văn" về các tác phẩm của các  thành viên Tự Lực Văn đoàn khi học lớp đệ Ngũ, đệ Tứ. - Tức là lớp 8, lớp 9 của chế độ bây giờ - Đoạn Tuyệt, Hồn Bướm Mơ Tiên, Nửa chừng xuân, Thừa tự, Con đường sáng...

            Chủ nhà đè nén xúc động, thưa tiếp:

            - Dạ thưa hai Ông. Chúng cháu mang tên là Lý Toét, vì có lẽ tại cháu ốm nhách, cao như "cò ma". Và vợ cháu được xóm láng giềng đặt cho cái tên là, là... "Bà xã xệ", vì thấy đây là một bà vợ  mập, phốt pháp. Và có lẽ cũng tại các vị ấy đã "thâm nhập" hình ảnh hai Ông từ lâu. Chứ hoàn toàn hai cháu đâu có giống chút nào so với hai Ông, Bác đây đâu! Từ hình dáng đến tính cách, nhứt là cái tài châm biếm thâm thúy, óc khôi hài chọc cười bàng dân thiên hạ siêu đẳng của hai vị!

             Nhìn thẳng vào mắt hai vị khách "bất đắc dĩ" thầm nghĩ, may mà còn trước Tết; nếu sau ngày Tết mình bị "bắt bẻ" kiểu này, chắc là không vui. Chủ nhà tiếp:

            - Hơn nữa, các cháu không có duyên ăn nói. Chẳng có tài châm biếm, "vạch áo thói đời", "thọt lét thiên hạ". Hai ông là một huyền thoại, là do đầu óc tinh khôi, xuất chúng của Đông Sơn và Bút Sơn khai sanh "đẻ ra" và một số họa sĩ khác "đỡ đẻ" ra nhiều phiên bản cho đời trong suốt mười (10) năm của thập niên 1930.

            Hai cháu là người thật, việc thật! Do cha sanh, mẹ đẻ tại Bệnh viện. Hai cháu không phải được tạo tại Tòa Bào như hai Ông, hai Bác đây. Hai ông bác có Cha là đàn ông Đông Sơn Nhất Linh. Mẹ cũng là đàn ông Bút Sơn Lê Minh Đức. Kỳ lạ! Thú vị! Là ở chỗ đó! Phải không, thưa nhị vị?

            Lúc này, "Bà xã... xệ" nhìn chồng ra dấu xin phép được nói:

            - Thưa hai Ông, hai ông sanh ra qua ngòi bút tài tình, tài hoa, lãng mạn giàu óc tưởng tượng, khôi hài của các nhà họa sĩ trứ danh. Hổng biết "đẻ ra" hai ông bằng bút mực? Bút tre? Hay bằng  "bút... bi" đây nữa!?

            Ông Xã Xệ đây, Ông sanh ra để đối chọi, để "đấu láo, cãi chày cãi cối" với Ông Lý Toét này. "Chửi đổng đời", "Châm biếm đời" dưới thời nô lệ giặc Pháp, bằng sự ngớ ngẩn, ngu ngơ rất có duyên của mình. Hình ảnh hai ông, lời "biếm dị" của hai ông đã góp phần thay đổi cái nhìn, cách sống, phong cách của một số người chạy theo "bả vinh hoa phú qúy", bơ sữa, quan chức, cúi đầu, khom lưng, qùy gối trước quan thầy thực dân, phong kiến. Hai Ông đã đi vào lòng quần chúng từ Bắc chí Nam. Đi vào lịch sử dân tộc. Bất hủ!

            Bà đứng lên, đi lại vịn vai chồng, dịu dàng, hướng về hai ông khách cung kính thưa tiếp:

            - Hai ông là một dấu ấn thành công to lớn nữa của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, của tuần báo Phong Hóa, tuần báo Ngày Nay. Hai Ông là nguồn hứng khởi cho  quảng cáo, báo chí, cho các hoạ sĩ, văn sĩ...           Chúng con có chăng, giống hai ông, đúng hơn giống mục đích đề ra của các nhà văn, nhà thơ nhóm Tự Lực Văn đoàn, mà các con hơi cường điệu một chút, gọi là "văn hào, thi văn hào" ở chỗ cùng tâm tưởng, cùng lòng thích muốn làm cái gì đó cho xóm láng giềng, cho cộng đồng địa phương; và nếu có thể, hướng về quê hương đóng góp bằng tấm lòng, tinh thần, bằng vật chất nhỏ nhoi khiêm tốn của mình.

            - Nói tóm lại, hai con cháu ở đây, không phải là Lý Toét - Xã Xệ  

            Ông chủ nhà đứng lên tiếp lời vợ. Và cả vợ cùng chồng gập mình, cúi đầu, buông hai tay thẳng, với lời cung kính:

             - Chúng con vô cùng biết ơn hai ông đã là "Rồng đến nhà Tôm" đúng vào ngày 23 tháng Chạp. Ngẫu nhiên hay cố ý! Vô cùng thiêng liêng, quý báu và hân hạnh cho gia đình chúng con.

            Lý Toét và Xã Xệ nhìn nhau hiểu ý. Đứng lên. Đưa tay ôm chầm lấy vai hai người. Lý Toét rưng rưng:

            - Đúng ra hai ta đến đây là để cảm ơn hai cháu. Hai cháu đã nhắc nhở cho gia đình, bà con, xóm láng giềng và đồng huơng, dân tộc của mình nhớ về Lý Toét - Xã Xệ qua hình ảnh vừa xấu, vừa thô, vừa quê mùa, ngu ngơ, chẳng giống ai; nhưng mang tâm tư tình cảm của một dân tộc hiền hòa, bất khuất. Cười cái rởm đời! Châm biếm cái...

            Lý Toét chưa dứt lời, Xã Xệ đã vỗ bụng, cười hề hề:

            - Hai qua châm biếm cái thói hư tật xấu trong xã hội. Đề cao tinh thần quốc gia dân tộc, bất khuất quật cường.

            Bất ngờ, đứa cháu gái chạy lại giữa mọi người, đưa cái laptop cho mọi người xem:

            - Nè Ba, đây là hình hai "siêu sao" Lý Toét - Xã Xệ đây! Hinh ông Lý Toét cao lêu nghêu, ốm o gầy mòn, râu ria lởm chởm, miệng rộng quá khổ... Giống Ba chưa?

            Thằng con trai lớn chen vô, đứng bên bà má:

            - Anh thích Ông Xã Xệ nhứt! Cái bụng bự như Trư Bát Giới và cái đầu tròn bóng lưỡng.

            Ông bà chủ nhà cùng ra dấu cản hai con:

            - Chiều tối rồi! Để hai cụ ông về! Nhà mình còn phải cúng đưa Ông Táo nữa!

             Lý Toét, hàm râu co giựt xúc động, móc túi lấy mấy bao đỏ:

            - Được! Không sao! Trước khi ra về, Lý Toét xin chúc ông bà chủ sang năm mới dồi dào sức khỏe, mọi điều như ý. "Lì xì" cho ông bà chủ đây!

            Ông bà chủ ôm Lý Toét, nghẹn lời:

            - Cảm ơn Ông! Chúc Ông sống mãi trong lòng dân tộc, làm tấm gương sáng cho con cháu nối tiếp con đường hai Ông đã đi.

            Bên kia, Xã Xệ ôm các cháu vào lòng, má rung rinh, mắt rưng rưng:

            - Ông chúc các cháu học giỏi, hiếu thảo, ngoan hiền , phụ giúp cha mẹ như Ông đã nhìn thấy hôm nay. Hai ông 'lì xì" cho các cháu nè!

            Ba đứa nhỏ cùng vòng tay, cúi đầu:

            - Các con chúc hai Ông dồi dào sức khỏe, có nhiều lời hay ý đẹp mới để cho các con cháu học hỏi, Ông nhen! Các con thương nhớ hai Ông nhiều lắm!

            Chủ nhà bịn rịn, lưu luyến tiễn khách. Lý Toét cặp dù vào nách, tay xách đôi dép ngại dính tuyết, đi chân không dù biết ngoài kia thời tiết đang ở âm độ F. Xã Xệ khoác chiếc áo "vết" (weston) vào "tấm thân nhỏ bé... bự", đầu vẫn tròn bóng như trái bưởi thanh Biên Hòa. Hai người cùng bước ra.

            Cuộc vui nào cũng tàn. Cuộc gặp gỡ nào rồi cũng đến lúc phải chia tay. Sinh, trụ, dị, diệt, Thành, trụ, hoại, không. Pháp luân thường chuyển!

            Bầy chó sủa vang rân. Sủa inh ỏi chưa từng nghe thấy từ chiếc chuông trước cửa! Nhanh như chớp! Bóng hai người mất hút! Tan biến?  Không nhìn thấy đâu cả!

            Ông bà chủ quay vào nhà, nhìn lại mình. Người cao lêu nghêu, ôm chầm người bên cạnh, âu yếm gọi "Bà xã... xệ"! Người mập ú xúc động, ngọt ngào: "Lý Toét"!

 

            Ba tiếng chuông, cúng đưa Ông Táo về trời vang lên từ trang thờ dưới Bếp. Hăm Ba tháng Chạp.

 

Bửu Truyền

Không có nhận xét nào: