Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2022

DỰNG MỘT NGỌN CỜ - Phan Nhật Nam

Số báo trước vì tình hình chiến trận đang tiếp diễn, không thể viết rõ ràng các chi tiết về diễn tiến của cuộc hành quân. Hôm nay 27-7, Lữ đoàn 2 Dù đã bàn giao khu vực trách nhiệm lại cho quân bạn. Chiến dịch tái chiếm Quảng Trị coi như chấm dứt. Chấm dứt riêng đối với Lữ đoàn 2 Dù, đơn vị Chỉ huy tổng quát cuộc hành quân. Chiếm Quảng Trị cũng không hẳn là kết quả của một đại đội, một Tiểu đoàn, cũng không hẳn riêng của Lữ đoàn 2. Chiến dịch đã được phối hợp giữa Nhảy Dù ở phía Tây quốc lộ và TQLC ở phía Đông kéo dài ra đến biển. Lữ đoàn 2 cũng cần phải có một đơn vị hậu tập giữ đường về, lập một hàng cản trở ở cực Nam con đường chiến thuật 556B, từ thôn Đà đứng men theo vùng cận sơn qua vùng Động Ông Đô, Anne, Barbara qua đồi 142 để đổ ra Phong Điền. Lữ đoàn 3 Dù giữ phần nầy…
<!>
Chiến dịch bắt đầu từ lúc 07 giờ tối ngày 28-6 lúc những người lính Tiểu đoàn 7 Dù bắt đầu vượt sông Mỹ Chánh để bôn tập trong đêm đánh vào những mục tiêu Nam sông Ô Khê để làm đầu cầu cho cuộc trực thăng vận ngày mai của Tiểu đoàn 9, 11 Dù và chấm dứt lúc 12g45 phút ngày 25-7-72 khi Tố Quyên, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 5 Dù châm cái píp nhìn Nguyền Tấn Sĩ , Đại Đội trưởng 51 tìm một chỗ để cắm ngọn cờ vàng trong Tiểu Khu Quảng Trị… Trong thời gian đằng đẵng mịt mùng lửa đạn đó, Lữ đoàn 2 Dù đã dùng các Tiểu đoàn 3, 5, 6, 7, 9, 11 Dù thay phiên nhau “nhồi” cho hết 32 mục tiêu mà mục tiêu chót là Cổ Thành hay Tiểu khu Quảng Trị.. Chiến trường quá rộng và chi tiết lại tràn ngập chỉ có thể một ủy ban quân sử mới có thể viết lại đầy đủ diễn tiến của 27 ngày chiến trận, công việc cũng đòi hỏi một thời gian dài để chuẩn bị.. Người viết chỉ với cố gắng cá nhân, ghi lại nét chính yếu trong một thời gian cấp thời để làm thành một cái khung tổng quát trên đó các Tiểu đoàn Dù đã chiến đấu với hào hùng bốc lửa, những tiểu đoàn thân yêu, những đơn vị cũ, thực thể kỳ diệu mà người viết đã sống chung qua một đoạn đời dài, rất dài….

Chiến dịch bắt đầu
Đáng lẽ ngày N là 28 tháng 6, nhưng vì các Tiểu đoàn 7, 9, 11 vừa rút ở vùng cận sơn bên phải Phong Điền ra đều đụng trận như Tiểu đoàn 7 Dù của Khôi Nguyên vừa chuẩn bị khăn gói đế “zulu” thì đụng, bốn bề, ba mặt của núi Cánh Dơi cộng quân đổ ra vây kín.

– Nó không muốn cho mình ra Sông Lô. – Khôi Nguyên nói cùng Lô (Tiểu đoàn phó).

– Không can chi, tôi dứt tụi nó được.

Lô nói là Lô làm, vùng núi chập chùng cao độ không làm Lô nao núng. Suốt đêm 26 rạng 27, Lô nói máy không ngừng, lính đánh lựu đạn hết cỡ gần nhất. Ngày đến, không biết bao nhiêu xác nhưng 36 súng AK bỏ trên trận địa thì số tổn thất phải hơn 100 xác giặc… Lô vất cái nón sắt : “Để tao ra thì chết, ai mượn tụi mày níu tao…” Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 9 của Sư đoàn 308 biến khỏi trận địa sau cú kéo tay của Lô không nở chia ly.

Đụng lớn nên Tiểu đoàn 7 được nghỉ một ngày: nghỉ nghĩa là kéo được ra đường, căng chiếc võng ngủ trong những ngôi nhà tan nát của quận Phong Điền, được rờ tay lên mặt nhựa con đường số 1 nhìn về hướng Bắc đỏ lửa, Quảng Trị ở cuối tầm nhìn luôn ầm vang tiếng động.

– Mốt mình đánh Quảng Trị.

– Đánh thì đánh sợ gì. Kontum, Chupao mình còn phá chốt được huống gì ở đây.

Lô và Khôi Nguyên chia nhau hộp bia đầu tiên khi rời những vùng đất nắng cháy – Tiểu đoàn đã ở trong đó hai tháng.

7 giờ tối ngày 28-8, Tiểu đoàn 7 xếp một hàng dọc bò từng người một qua cầu sắt vượt sông Mỹ Chánh, chiến địch tái chiếm Quảng Trị khai diễn. Phải qua hết sông trong 4 giờ, chiếm liền vùng Lương Điền, Tân Trường, Trường Vinh lần đến Nam sông Ô Khê, bám được cái cầu Ngắn thì trời sáng. Một đêm dài đã qua, Tiểu đoàn 7 Dù đến đúng mục tiêu, giữ mặt Nam cho bãi đáp ngày mai của Tiểu đoàn 11 và 9 Nhẩy Dù.

6g30 sáng ngày 29 tháng 7, Tiểu đoàn 9 xuống bãi trước. Tàu thả lộn bộ Chỉ huy Tiểu đoàn cùng Trung đội súng cối xuống vùng cát trắng còn mờ trong màn sương. Thối quá! Hơi người chết ào theo cơn gió xông vào lỗ mũi người lính Tiểu đoàn 9. Trời chưa tỏ hẳn nhưng lác đác trên đồng trống những sọ người trắng rõ, lính vấp phải càu nhàu thứ đá tang thương. Trung sĩ Hùng mang máy cho ông Phú – Cửu Long –Tiểu đoàn trưởng TĐ9, nhặt chiến lợi phẩm đầu tiên: Một đôi giày Map Mỹ…tốt thật, xuất quân thì nhà cháy, còn được mỗi bộ áo quần và 60 đồng bạc, ra Quảng Trị vớ được đôi giày là được an ủi lớn.

8 giờ 30 Tiểu đoàn 11 xuống bãi tiếp. 7 Dù tiến lên bên trái 11 ; 3 Tiểu đoàn hướng vào một hướng tiến chính, hướng Bắc – Quảng Trị, thành phố mờ nhạt ở xa trong hơi nắng có mùi người chết.

Ngày 4 tháng 7, coi như hoàn tất giai đoạn 1, Tiểu đoàn 3 Dù chiếm xong quận Hải Lăng để đặt Bộ chỉ Huy Lữ đoàn, 7 đến An Thái cách ngã ba Long Hưng 600 thước, 9 vào sát sông Thạch Hãn vùng Phước Môn, Tân Lê và 11, Tiểu đoàn đàn em. Tiểu đoàn sinh sau đẻ muộn vừa hồi sinh sau trận Charlie, rửa mặt lại bằng trận đồi Trần văn Lý ngày 22 tháng 6 với 22 Tăng bị đốt cháy trong đó có một T 50; chỉ huy viên Thượng úy Nguyễn Viết Thương bị xử tử hình sau khi nướng cháy 24 chiến xa mà không giết được Ngụy Dù nào (lời của viên Trung Tá Thiết đoàn trưởng thiết đoàn 81 khi kết tội Thương). Làm sao Thương thắng trận được, y đã gặp Mê-linh Mễ và Thành “râu” cặp uyên ương kiếm của Tiểu đoàn 9 Dù trước khi Mễ còn là đại đội trưởng 91 và Thành 92.. Thương hay bất kỳ một anh Thượng úy ngày nào của Bắc quân cũng không đánh được Mê Linh, Thành Thái, chưa kể thêm con “cua đinh” Nguyễn văn Thức với Chi đoàn I/11 Chiến xa, con cua đinh húc văng mạng vì “xe của tôi không có số de” .

Giai đoạn 1 chấm dứt với thành phần cao nhất là Tiểu đoàn 7, điều nầy không lạ vì Sông Lô là người ở đây, người của vùng nghèo không có một chữ lót để đặt tên, Nguyễn Lô, Trần Toán, Khan Niên, Khan Thởn. Dân Quảng Trị cực đến nỗi không có một chữ “văn” nghe cho êm tai… Đất cơ khổ.

Trông giòng Thạch Hãn

Ngày 6 tháng 7 mở đầu cho giai đoạn 2, giai đoạn “rờ” Quảng Trị. Tiểu đoàn 7 dùng 2 đại đội 71,74 nhất quyết “vồ” Quảng Trị. Lô theo 74. Khôi 71. Tiểu đoàn trưởng và Tiểu đoàn phó đều ở “tuyến đầu khói lửa”, hết rồi giai đoạn vàng son của thời “Tiểu đoàn trưởng Nhẩy Dù tắm nước nóng, uống rượu vang, chỉ huy điều động chỉ cần nói qua ban 3 hay Tiểu đoàn phó” . Bây giờ ông phó, ông Trưởng đến ở sau lưng khinh binh tối đa là 3 người, tối thiểu là ngang hàng. Một đại đội trong chiến tranh quy ước không là cái gì hết; chiến trường biến đổi tính chất mau lẹ, không ngừng nghỉ. Đánh vào An Thái thì dùng vận động chiến, lên ở đây thì chỉ còn tác chiến trong thành phố với cá nhân chiến đấu khai triển tối đa… Vì thế nên mới xẩy ra những chuyện khôi hài của đêm 6 rạng 7 khi Tiểu đoàn chiếm xong Đại Nại và đại đội 74 vượt quá ngã ba Long Hưng 600 thước ; đóng quân vì trời tối, thường vụ Đại đội kêu thương binh Bắc Việt dậy đi gác – Ta và địch trộn lẫn với nhau như gạo và đỗ. Ai ở đâu ngủ đó và gắng thức để giữ mạng sống. Đêm 6 rạng 7, Tiểu đoàn 7 chập chờn trong giấc ngủ nôn nóng…Mai là ngày 7 tháng 6, Tiểu đoàn mình số 7…Sao toàn 7 không à, 7 là số tốt, mình là người đầu tiên vào “thành phố” Quảng Trị. Mai dậy xem “nó” như thế nào?

– Thành phố gì đâu? Toàn là nhà đổ và đường bị cày nát, thành phố hơn được nhà quê là đường nhựa và đèn điện, đây chẳng còn gì hết cả…

Chẳng còn gì cả thật. An Lộc cũng đổ nát nhưng An Lộc chỉ là một thị trấn miền rừng, thị trấn nhỏ gồm một dãy phố chìm khuất giữa lòng rừng xanh. Trái lại, Quảng Trị là một thành phố đúng nghĩa, dù nhỏ bé tàn tạ, nhưng thành phố nầy có sức sống, lịch sử và vóc dáng riêng. Thành phố Quảng Trị đã bị xoá tan chỉ còn đống gạch ngói hoang tàn. Thừa thắng “xông ngang”, vì “lên” không được. Ngang lại có lợi hơn, che được phía Bắc cho “thằng” 11. Đại đội 74 từ Long Hưng quẹo ra trái đánh dần ra bờ Thạch Hãn. Trung úy Phi của Đại đội 74 dẫn quân đánh dần vào từng nhà một. Long Hưng – bờ sông chỉ khoảng 400 thước nhưng cũng phải tốn mất 3 ngày…3 ngày đi được 400 thước dày đặc “chốt” là quá giỏi, trái phải, trước sau không được che, di chuyển giữa một “thung lũng” cao ốc tối thiểu cũng do một khẩu đại liên kèm theo hai B40 hoặc một 57ly không giật…Nhưng 9 giờ sáng ngày 6, Phi cũng thấy được giòng sông cạn đáy chảy lờ đờ về hướng Bắc… Bờ sông dốc quá không xuống rửa tay được. Bên kia sông và đầu đường Gia Long những loạt đạn đan kín trời bay đến, Phi lẩm bẩm câu nói trước khi rút lui. Rửa được cái tay ở giòng sông này mà chết thì ngu quá.

Tung quân hoạt động chung quanh Long Hưng, Tiểu đoàn 7 Dù còn mở một con đường cho thằng 2 Trinh Sát của Út Bạch Lan vào Thành nội… Làm được như thế là khá rồi, Khôi Nguyên an ủi Lô sau khi đã thử băng đồng Mai Lĩnh đánh vào Trí Bưu nhưng không được. Cánh đồng mênh mông không hành lang che dấu, bên trái là Mai Lĩnh cứ điểm cứng, Lô có bằng thép cũng không qua khỏi cánh đồng… Nóng thì thua, Khôi Nguyên hạ hỏa cho Lô khi thằng cha nầy buồn vì không băng đồng được.

Khi Hùng móm về nhà

Phía trái của 7 là 11, sau khi đã dọn sạch vùng La Vang, Mễ thấy trước mắt 3 “khách sạn” khốn nạn, Maxim, Majestic, Moderne… Làm sao đánh ? Nhờ mấy đứa con của Hổ Xám đánh thử lên bằng đặc công, hai đêm 7, 8 đại đội xung kích cũng chỉ “ kéo giường kéo chiếu” được chút thì phải de. Tụi khốn nạn nằm chặt phòng ngủ, không đường thối lui, nên tử thủ. Anh Trung úy Đại Đội trưởng xung kích rề rề phê bình. Sáng ngày 9, Mễ dùng “thằng Quảng Trị” đánh ga xe lửa, mục tiêu chót của Tìểu đoàn.

Mầy đến ga, tiễn em đi được thì tao sau nầy mở sâm banh. Mễ dặn Hùng “móm” một lần chót trước khi “thằng Quảng Trị” kéo quân đi. Móm và Trinh ĐĐT 112 lên ga tiễn em. Em thứ dữ, em răng đen mã tấu, em đeo corset bằng đạn AK, em xách ví lựu đạn… “em” là đứa cháu cuối cùng của Bác : Sư đoàn 325 Tổng trừ bị Quân đội Nhân dân !

Hùng gan dạ nhưng cũng rất cẩn thận, đợi đêm men theo đường rầy xe lửa để đến ga tiễn “em” . Nhưng chẳng em nào muốn đi, em đòi ở lại, em bám đầy đường như hàu bám vào ghè đá. Hùng và Trinh cứ thay phiên nhau “tiếp”. Đoạn đường xe lửa dài không quá 500 trăm thước cặp Hùng–Trinh phải “ bò” mất 5 ngày, đúng ra là 5 đêm Hùng dẫn đầu vừa đánh vừa chỉ chỏ… Cái ngã ba xa xa đó là đường Trần Hưng Đạo, đường đó đi vô chợ Quảng Trị, chỗ đó có cái nhà thương… chắc giờ nầy thành nhà ghét rồi, tụi nó thế nào cũng tử thủ chỗ đó… Mẹ cha hắn, có đau lậu đâu mà nằm nhà thương kỹ rứa!!

Hùng chưởi một câu thật buồn cười sau khi suốt ngày 11 cứ tìm cách vào “lấy thuốc đỏ”, nhưng không được… Từ hăng hái vui vẻ của những ngày đầu trên đường về nhà, bỗng nhiên Hùng đổi tánh, la mắng lính như tát nước vào mặt… “Muốn chết phải khôog? Tại sao mi không đào hầm. Tao đánh cho mi chết, hơn để Việt Cộng bắn vỡ sọ mi…!!”

Hùng nói những câu không bao giờ nói, Hùng đổi tánh một cách đáng ngại và thất thường…Điềm đi khuất. Chiến tranh thường có những sự kiện lạ như thế, người biết mình sắp chết và đổi tánh, biết mình sắp chết nên trối trăn. Hùng gọi máy nói chuyện với Liệu (y sĩ Tiểu đoàn) :

– Lấy được khẩu K 54 nào thì tôi cho ông.. Liệu ơi, sao moa nhớ mẹ moa quá, hôm ở Charlie về có được mấy ngày phép lại không đi thăm bà… Hết cuộc hành quân nầy moa xin Mê Linh vài ngày để đi Đà Nẵng… Còn 300 thước nữa là moa thấy cái nhà ở lúc nhỏ… Vì thế cứ nhớ bà già !!.

Thảm thương chưa, con chim kêu tiếng bi ai trước khi chết, con người linh thiêng hơn biết tìm chốn quê hương để đi về… Ngày 14-7 Hùng chết, chết cách sân ga 100 thước nơi thuở xưa Hùng đã nhiều lần đứng nhìn con tàu nám đen từ miền Nam đến mơ ước chuyến đi xa. Hùng đã đi xa, đi quá xa đến cuối trời miền Nam, Hùng đã đến hang sâu, núi thẳm của miền Trung và bây giờ Hùng đã trở về. Người tuổi trẻ đi hết đoạn đường khổ nạn của quê hương yêu quí, trở về chết tại nhà xưa.

Hùng chết Trinh nỗi điên dẫn đại đội đánh ngay vào nhà ga…7 giờ sáng ngày 15 Trinh đứng giữa sân ga vắng lạnh… Chẳng có gì cả. Mục tiêu ác liệt của 5 chiến trận là đây, giá mạng sống bằng hữu binh lính là đây, cái sân ga đổ nát bốc bụi mù dưới gió Lào hừng hực thổi.

– Xong rồi, tôi đến ga tiễn em rồi… Em đi rồi. – Trinh báo cáo với Tiểu đoàn đã chiếm xong mục tiêu.

Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù cũng vừa hết nhiệm vụ chỉ còn cái “củ khoai” ngã ba Lê Huấn và Quốc lộ 1. Thủng thẳng cũng được, Mễ nói với Thành bằng giọng nói ướt nhẹp. Mất Hùng “móm”, Mễ đau như mất một cánh tay– Một cánh tay nghĩa đen.. Rồi tiếp theo cái chết của Hébert, “Người bạn của lính Nhảy Dù” danh xưng của “ông già làm báo”, lính TĐ 11 đặt cho Hébert, 48 tuổi, 20 năm trong nghề theo Nhảy Dù từ KonTum vô An Lộc đến Quảng Trị. Không phải chỉ là lương tâm của một phóng viên, Hébert ở với lính Nhảy Dù như một người muốn chia chung khổ nạn.. Au diable le reste! Câu viết chưa ráo mực trên chiếc nón sắt của anh Trung sĩ Olesh đối diện với câu thơ “ngẫu cảm” của lính Dù “Quảng Trị buồn xơ xác bóng người đi” Mảnh đạn 130 ly chém đứt phần sọ, người phóng viên già ngã xuống mồm chưa dứt câu nói “Ce n’est rien mon docteur…” Ổng “đốc” là Liệu vừa chui kịp vào hầm

Trong vùng Cận Sơn

Trên nguyên tắc Tiểu đoàn 9 coi như trở lại với ông già – Lữ đoàn I Nhảy Dù – nhưng vùng trách nhiệm vẫn không xê xích một mảnh kể từ ngày đầu tiên nhận vùng. Nhiệm vụ cửa chàng là ở trong núi. Sư Tử ở núi là đúng. Ông Phú “Râu” hay Phú Cửu Long rất bằng lòng với những đứa con của mình. Moa phải rửa mặt cho Tiểu Đoàn mới được… Có gì cũng là Tiểu đoàn Nhảy Dù, bết hay không là do mình… “Cửu Long” Phú nói với tôi như vậy.

– Đây nầy một đêm nó hạ 15 xe tăng thì còn muốn gì nữa? Moa biết Đại đội Trưởng yếu, Thiếu úy con nít mới có hai năm quân vụ thì kinh nghiệm chiến trường ở đâu… Nhưng mình cứ theo dõi om nó từng điểm một, đặt nó ở cái thế đánh được thì nó đánh phải thắng.

Chiều xuống Cửu Long đi một đường Oral với các đại đội trưởng, bắt đầu từ anh yếu nhất…

– Gài lựu đạn, phục kích tự động chưa ?

– Dạ rồi.

– Đã xin yếu tố tiên liệu pháo binh cho cái thông thủy ở phía tây chưa ?

– Dạ rồi.

– Nếu tối nay có đánh giữa tôi và anh thì anh xử trí làm sao ?

– Dạ tôi cố tử thủ, nếu không được thì tôi men về phía Tây nơi ông Đường Tam Tạng (Sĩ quan ban ba, đại úy độc nhất của Tiểu đoàn thay Tiểu đoàn phó Nhỏ và coi Đại Đội tác chiến).

Nghe thấy thì buồn cười. Có Tiểu đoàn trưởng nào lại đi quay“vấn đáp” với Đại đội trưởng như vậy nhưng kẹt một điều: đại đội trưởng thực thụ rách áo hết chỉ còn trần xì dầu Thiếu úy. Thiếu úy cỡ Thiếu úy Thắng chưa biết “ấy” như thế nào!! Nhưng dù với giàn đại đội trưởng mỏng manh như thế, Tiểu đoàn vẫn gồng hết cỡ để giữ vững vùng trách nhiệm. Giữ thật chắc đến nỗi mỗi lần muốn đánh, lính cụ Hồ phải huy động tối thiểu chín vị trí súng cối 82 ly. Chỉ một giờ từ 17 đến 18 giờ chiều 9/7 Bắc quân đã rưới vô Tiểu đoàn 2000 quả đạn trước khi xua tăng leo đồi đánh “Cửu Long”, Đ…m hôm nay cho Cửu Long của tụi mầy về Nam! Lính ông Hồ đã nhất quyết vậy…

Nhưng dù bị pháo gần hai mươi vị trí, Cửu Long vẫn tìm cách chỉ định mục tiêu để phi cơ tiêu hủy.

– Bây giờ tôi bắn đạn lửa lên để anh biết vị trí tôi, xong tôi cho khoảng cách và hướng súng của tụi nó để anh dọn giùm.

– OK ! bạn ở đâu mà có phương pháp chỉ định mục tiêu hay quá vậy. – Dân tàu bay khen nức nở…

– Dân Hạ Lào mà bạn, không hay không sống được…

Tiểu đoàn 9 dùng hết mánh lới nhà nghề, áp dụng cả chục nguyên tắc tác chiến, những nguyên tắc của sách vở cùng nguyên tắc do “vợ con” dạy. Không học không sống được để về cùng. Ví dụ như châm ngôn đánh Tăng : “Không chắc không bắn. Chưa trúng chưa bắt, bắn trúng bắn bồi” . Phải áp dụng từng điểm một, trật một điểm là đi… đoong. Ví như đêm 6 tháng 7, 15 chiếc lên 5 phía, cứ 3 chiếc một xếp hàng ngang ùa vào… luống cuống chậm chạp một giây là tăng nó cán như con mực.

Khóa hết pháo vùng Tân Lê, Phước Môn thôn Đá Đứng, giữ cạnh sườn cho 11 và 7 Dù một lớp áo giáp “dầy cui” che hết vùng Nam Quảng Trị. Tiểu đoàn 9 Dù lấy lai phong độ sau một thời gian khật khưởng… Đất này hạp với 9 Dù, dân Quảng Trị hồi Mậu Thân đã giọt ngắn giọt dài khi đưa “en” vô Huế. Ba yếu tố, thiên, địa, người, có đủ, thắng trận là chuyện thường. Chuyện phải xẩy đến,

Đoạn đường cuối cùng

Quảng Trị coi như xong. Long Phụng, Lữ đoàn trưởng có thể phủi tay, hút con mèo, đánh bữa cơm rau đay cà ghém trong bình yên, nếu không còn “bàn cờ”, hay cái mâm, hay củ khoai hay cái… khốn nạn nằm sờ sờ trước mặt – Cổ thành, bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Trị. 500 thước mỗi bề dài, hai lớp gạch nung ép một khối đất dầy 5 thước, phía trong lại có thêm một hệ thống hào sâu… Ông Nguyễn Ánh hại “xếp” quá nặng… làm thế nào ? với ai và bằng gì ? B52 không được phép đánh, pháo binh không có hiệu quả… Long Phụng lại thấy ngày đi quá mau, gần đến ngày giao “nhà” lại, giao lại mà chưa dọn sạch thì coi không được, không thế nào được, chỉ còn một ngày nữa thôi… Quyết định, khẩu lệnh từ Trung tướng Đống đến Long Phụng chuyển liền cho Minh Hiếu (Tiểu đoàn 5) và 18 Đỉnh (Tiểu đoàn 6). Chỉ có một ngày thôi, một lần chót cho đời, phải dọn cho sạch, chấp nhận thiệt hại… lệnh được ngụy hóa cẩn mật trước khi Long Phụng cầm ống liên hợp chuyển bản văn cho Minh Hiếu và 18 Đỉnh – hai Trung tá thực thụ, chuẩn bị thành “anh Sáu” với một tương lai sáng như đôi “xì kít”.

Từ An Lộc trở về, Đỉnh người cứ phừng phùng như say rượu. Ông số một, Tướng Minh, Tướng Hậu đều hứa “thay lon cho em” . Nhưng một tháng hơn rồi, cứ đợi dài cổ, đợi và ngồi chơi xơi nước tà tà…Tiểu đoàn thuộc quyền Lữ đoàn. Từ ngày vào vùng chỉ cứ việc nằm dài và chịu pháo. Làm thế nào hơn được ? Trừ bị cho Lữ đoàn 3 đại đội trưởng sáng nhất thì một chết, hai bị thương ; giữ vị trí pháo binh thì bị pháo là cái vốn. Đỉnh ra vào phiền phiền dọc “phố” Hải Lăng. Tiên sư không có được chút thơm thơm để thở… đi đâu ngửi mùi chết đó. Đỉnh dẫn bộ tham mưu đi kiếm sách “Ăng Lê” để học cho đỡ dốt. Thôi thế thì tôi… thế thế thôi. Đỉnh áp dụng đạo “vô vi” trong những ngày nằm Hải Lăng nghe trên 7, 11 Dù cứ “mở sâm banh” liên tiếp.

Hiếu lại bực hơn nữa. Tiểu đoàn hàng đầu, Tiểu đoàn trưởng thâm niên nhất mà 3 tháng An Lộc không đánh được một trận cho đáng tiền, cứ “tử thủ” Cao Sơn (rừng cao su), Xa Cam đến độ trắng nhợt người ; ra đến Trị Thiên thì cũng chỉ việc nằm co chịu pháo. Không lẽ mình là nam châm hay sao mà cứ “hút” pháo thế nầy! Ngày 8/7 vừa đến La vang Thượng đã mười mấy con bị thương vì “cái khốn nạn”.

Nhưng 2 Tiểu đoàn không còn cơ hội để “sốt ruột”. Long Phụng đã hạ lệnh “Khôi Nguyên” (TĐ7) de lui một chút, Minh Hiếu (TĐ5) 18 Đỉnh (TĐ6) vào vùng và thanh toán cho xong trước ngày 26, cái “bàn cờ khốn nạn”, Tiểu đoàn 5 và 6 Dù nhập trận.

Từ Hảỉ Lăng, Đỉnh thúc thằng 1 (ĐĐ61) dẫn đầu dọc Quốc lộ 1 men theo củ khoai (chốt ngã tư của đại đội 114/TĐ11) đến ngã tư Quang Trung Duy Tân “bắt tay” Út Bạch Lan (Đại Đội 2 Trinh Sát) để bàn giao sổ sách, xong “oẳn tù tì” xem coi có thằng em nào muốn đi dọn nhà dọc đường Quang Trung.

– Tôi, Trung Tá cho tôi đi – Trung úy Tạo (đại đội trưởng 61) xung phong miễn phải bắt thăm.

Đỉnh hiểu ý„ ưng thuận ngay. Tạo thuộc khóa 9 Thủ Đức, Trung úy từ 1964, xuất thân Tiểu đoàn 6. Tạo cũng là Tạo “ đen” tay vô địch quyền Anh hạng lông của những năm 57, 58 ở Đà Nẳng. Tạo bị ra khỏi binh chủng vì cái máu thảo khấu Nhảy Dù của những năm 59, 60 là “kỷ luật thép” . Tạo đi khỏi binh chủng và tuyệt tích giang hồ… 1972 trở lại cấp bậc 10 năm trước. Và giờ đây Tạo phục hận, Tạo đã “rửa mặt” một lần ở An Lộc khi xung phong bằng lựu đạn chưa đủ, bây giờ Đại đội trưởng Tạo muốn chứng tỏ cho đời – ta không thường. Lon Trung úy mười năm đại nạn trời đã định, Tạo muốn cải số trời rửa sạch ngày tháng quân lao, phục hồi lại Tạo “đen” của mười năm trước. Nhưng đúng có một đinh mệnh, định mệnh khốn kiếp và khắc nghiệt. Tạo không thể tránh khỏi được, và cuối góc đường Quang Trung – Phan Đình Phùng, Tạo cùng hai Trung đội trưởng Mạnh, Trị chết ngay ở tuyến đầu, chết cùng khinh binh xung kích, chết trong thành phố lạ giữa một đống gạch ngói tan vỡ, chết trên đường đi xây dựng lại đời.

Đỉnh và Tùng (Tiểu đoàn phó) bỏ vị trí chỉ huy, tung bốn đại đội tác chiến ra khắp bốn hướng. Tránh được pháo và dọn thật sạch.. Tức rồi, thằng Út Bạch Lan một mình làm được không lẽ mình bi “quây” sao ? Muốn thế thì cho thế, thế nào cũng được, Đỉnh “Tapi” Bắc quân cạn láng qua mỗi căn nhà, mỗi thước đất. Mậu Thân, Đỉnh đã cùng Tiểu đoàn 9 đánh “sập tiệm” một Trung đoàn 812 tại thành phố này…

Tiểu đoàn 5 cùng Liên đội Biệt cách nhảy dù bước xa hơn đến Tri Bưu – Khu Công giáo thép, nơi người dân không nhượng bộ “lính ông Hồ”. Mậu Thân, Đại đội 94 của Thừa đã sống sót được là nhờ những người dân chỉ một lòng tin ở Chúa của thôn xóm này… Tiểu đoàn 5 vào được Tri Bưu tựa người vào bức thành đá tảng nầy tấn công ngược hướng Lê văn Duyệt, Duy Tân… Mỗi ngày thêm mỗi nhà – Tiêu chuẩn tác chiến của Tiểu đoàn.

Đánh thành

Hai mũi kìm siết chặt từ từ, chậm nhưng chắc, lính của 5 và 6 có thể thấy được từng viên gạch đen mốc của bức tường cổ. Thấy nhưng rờ và leo lên được là một chuyện khó – Chuyện rất khó, rất khó nhưng phải làm cho kỳ được.

6 giờ sáng ngày 25 tháng 7. Chí “bệu” sĩ quan ban 3 của TĐ 5 nói với Trọng Nhi (ban 3 Lữ đoàn) :

– Xong rồi, bây giờ mầy cho tao đi.

– Chút nữa thôi, trời còn mờ sáng, chưa có đủ nắng làm sao thấy đường được, hàng họ đầy đủ rồi chỉ còn chờ chút nắng thôi.

Chờ chút nắng, tối hôm qua trời lại mưa lất phất, hơi ẩm lạnh của đêm mưa chưa tan hẳn, lớp hơi nước bốc nhẹ trong không gian, lung linh trên phiến lá mít, đậm nhạt trên bức tường xám. Gió thổi từng cơn mang một vẻ ẩm ướt là lạ. Mùa nầy là mùa gió Lào, gió thổi từng chập ngắn, gió ào hơi lửa vào mặt, xoáy con “trốt” cát chạy lừng lững trên đồng cháy…

Sáng nay mặt trời chĩu nặng bất thường đè lên thành phố… Khói bốc mờ trời. Tố Quyên ngồi đợi giờ xuất quân phì phà tẩu thuốc ngồi “luận” vặt… Nhưng thật ra sau bề ngoài lừng lững lạnh lùng đó, Tố Quyên đang thiết kế, đang “đo” bề dày, độ cứng của bức tường, đang ngửi mùi hỏa tập tiên liệu cận phòng do 130 từ Đông Hà bắn xuống. Tố Quyên cũng đang nghĩ đến cái lầu nước, tháp canh bé con của Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Trị mà giờ nầy là những “chốt” cứng với đại liên 50, 12 ly 7, yểm trợ thêm 75 ly không giật…

– Một rồi – Chí “bệu” báo cáo về Lữ đoàn khi phi tuần A37 đầu tiên chúi xuống…

Bom đánh ngay bờ thành bốc lên ngọn lửa vàng rực trộn khói đen tạt đến nơi đoàn quân đang chờ đợi… Nóng quá! nóng quá, như ai hơ lửa ngay mặt…

– Có vậy mới tốt! Tiếp đi Chí. – Quyền ngưng rung đùi, nhấc ống píp, nói với Chí câu độc nhất.

Khi Chí đếm được chữ thứ 7 thì Quyền bắt đầu xua quân vào chân thành. Hai đại đội 51, 54 bay qua mặt đường Lê văo Duyệt, Duy Tân, hai mũi giáp công bám bờ tường, theo gạch vụn leo lên… Người lính đầu tiên của ĐB 51 vừa nhú cái nón sắt lên khỏi mặt tường phải hụp đầu xuống lại. Đạn 12 ly7, 50 ly và mảnh 75 ly rơi như vãi gạo trên mặt thành.

– Bám mà lên từng thằng một, lợi dụng những nơi thành vỡ, lên được nằm xuống, đứng là chết. Nằm dựng “cột cờ” càng dễ…

Quyền khôi hài đen một phùa trước khi cất píp vào túi, chơi trò đánh đu với tử thần –Thành ngữ chính xác và sống động diễn tả đúng được một hoàn cảnh. Khi Chí nhìn được một hàng nón sắt và áo rằn ri bò lụp chụp trên mặt thành đổ nát thì đồng hồ chỉ đúng 10g15, Cổ thành Quảng Trị in dấu chân người Quốc Gia lần đầu sau ba tháng nằm trong tay giặc. Tại sao đối phương gọi ta là “Ngụy” ta lại không có quyền phản lại đòn mạnh hơn ? Chí “bệu” từ từ báo cáo, thằng cha nầy khi nào cũng rình rang như thân thể.

– Báo với Trọng Nhi là Tố Quyên, mớn được bờ thành rồi.

– Đưa nói chuyện Tố Quyên, Long Phụng vào máy gọi Tố Quyên.

– Bây giờ anh cần gì nữa không ? Phải dọn sạch tụi giặc cỏ, lên được đó là tốt nhưng phải diệt ổ trong mới đủ.

– Trình Long Phựug, trong nầy Tiểu khu toàn là nhà của Tây lúc xưa, pháo không có hiệu quả, xin cho bom, Napalm lại càng tốt, tụi tôi chưa đứng thẳng được.

– Có cho anh.

11g50 ba phi tuần phản lực đi một đường sát mái nhà – bom Napalm, chuỗi bom chụp một vòm lửa lên những tòa nhà Tiểu khu cách bờ thành không quá 50 thước. Hay quá, chệch một chút là mình bị “rô ti” chứ không phải tụi nó. Toán quân của hai Đại đội 51 và 54 cùng chung ý nghĩ khi nhìn những trái bom rơi từ từ vào mục tiêu. Sao cứ tưởng như chúng vào mặt mình! Chiến trường lặng tiếng súng trong 40 phút để thực hiện cuộc hỏa thiêu thành xưa.

Về phía Tiểu đoàn 6, Tùng chỉ huy hai đại đội 61 và 64 cùng ập vào chân bờ thành đá, góc đường Duy Tân và con đường hẻm sau đuờng Quang Trung. Vào, ra, vào rồi lại bị dội ngược… Lính Tiểu đoàn 6 đánh say sưa, lính mới, lính chưa biết sợ, lính của vụ “ào mội cái” qua Xa Trạch, An Lộc. Lính căng phồng trong hào hùng của đơn vị mang tâm trạng phục hận.

– Phải chấp nhận thiệt hại, bên Tố Quyên đã xong rồi, anh không làm được hay sao? – Long Phụng “Khích Tướng” Đỉnh.

Đỉnh chớp chớp đôi mắt có những hàng mi cong. Ba quân đang trông vào ta, Tố Quyên là đàn em mình! (Đỉnh khóa 15, Quyền khóa 16).

Đỉnh xin một đứa con của Mê Linh lên trám chỗ, đem thêm thằng 62 là hết Darvon lên tuyến đầu… Darvon là thứ thuốc an thần mạnh hơn APC. APC là tiếng lóng để gọi M113, Darvon là M48… Tinh thần hài hước của quân ta cũng tới nơi, tới chốn. Những chiếc M48 của Thiết đoàn 20 châu hết tất cả mọi nòng súng vào một góc thành bắt đầu nhã đạn. Cứ một chỗ đó mà thôi, quí vị “đục” hộ tôi cái lỗ, phía mình không có bom, chỉ trông vào quí vị… Chi đoàn trưởng chiến xa cũng không mong đợi gì hơn. Lần lui binh bất đắc dĩ của ngày đầu và cuối tháng 4 còn biểu hiệu đó, phải phục thù, chi đoàn chiến xa hung nhất miền Trung mà không đực nỗi cái thành cho nón Đỏ vào sao… Bắn ! 8 nòng súng cùng một yếu tố làm auto vào bức tường đen cứng lặng.

Lửa bom, đạn 105, đạn đại bác chiến xa cùng mở một lượt, khu Cổ thành không dứt tiếng động, lớp thành cứng rung rinh, mặt đất ầm ì như cơn địa chấn đang vào độ mạnh nhất. Hai gọng kìm siết từng nấc nhỏ, từng nấc chắc, từng nấc cứng. Những chiếc nón sắt xấn qua mỗi nấc một, đá vỡ, đất tan và bụi đầy… Bờ thành, bờ hào, sân gạch, căn nhà đầu tiên của Tiểu khu Quảng Trị hay của nội thành… Cắm liền một cây cờ, tìm chỗ dễ đễ móc đại lên, đừng đứng phất phất như thằng Tiểu Đoàn 6, nó bắn chết. Sĩ, đại đội trưởng 51 thúc người lính dựng ngọn cờ. Tố Quyên thấy được màu vàng tươi lẫn trong bụi mù, liên lạc máy với Minh Hiếu :

– Xong rồi, có thể cho thằng con của Liên đội Hổ Xám lên giúp một tay dọn cho sạch, nghề chính của tụi nó mà…

Biệt cách Dù bỏ ba lô tại tuyến xuất phát một hàng một, từng người, từng người lăn qua lỗ hổng của bức tường tan vỡ.

12g40, chỉ còn lại một vài tiếng súng rời rạc hoặc lựu đạn nổ bục bục từ những miệng hầm kín cửa… Giặc không chạy nỗi, không thể chạy lên biến thành những anh hùng chết, họ đã chết từ lâu, từ khi cái còng bóp vào cổ chân vang tiểng “tách” khô khan, bên cạnh khẩu đại liên 50 im lìm đen đúa, vật sẽ cùng họ đi hết những ngày chót của cuộc đời…

Mặt trận Quảng Tri của Lữ đoàn 2 Dù chấm dứt, những người hoàn tất trang chiến sử rực rỡ mang một dãy số liên tục. Từ khóa 14 đến 20 trường Võ Bị có một ngắt khoảng: Không có tham dự của khóa 17, riêng khóa 18 trong đó có tôi chỉ là kẻ nghe và thấy, một khách bàng quan – Xin niên trưởng và đàn em cho góp mặt chút nhỏ. Tố Quyên –Bùi Quyền, cựu Liên đoàn trưởng– chắc không nỡ từ chối như huấn luyện viên thể chất của mười năm trước xuống tay mở phúc cho chúng tôi “được” đi bộ miễn chạy từ vòng PRI về đến trường sau bài học đâm lưỡi lê… Lưỡi lê, vũ khí đánh cận chiến hào hùng không được dùng đến trong trận đánh ngày hôm nay – Đây là thời đại lựu đạn – Lựu đạn, vũ khí kinh khiếp còn hơn quả bom….

Phan Nhật Nam

Không có nhận xét nào: