Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2022

Chuyện Bệnh Viện - Xuân Phương


Xuân Phương chụp ở mặt tiền bệnh viện Sart Tilman, Liège, Belgique, năm 1989. (Hình: LocDP) Những ngày còn ở lại Việt Nam không bao gìờ tôi nghĩ mình sẽ là y tá, nhưng rồi khi qua định cư tại vương quốc Bỉ chẳng rõ là do định mệnh hay vì sinh kế, tôi đã chọn lựa con đường này. Quả thật đúng như tử vi có nói rằng ngoài những sao Nam Tào Bắc Đẩu, tôi còn có sao Lương Y chiếu về nên y tá cũng đúng là nghề “đắc nhân tâm“ của tôi. Sau bốn năm trầy vi tróc vảy vì cái vốn liếng Pháp ngữ quá nghèo nàn mà trên căn bản chỉ dựa vào cuốn Mauger 1 đã học ở quê nhà, và “vật lộn với mấy mụ Tú Bà“ nursing instructor khắc nghiệt, tôi đã chính thức trở thành y tá. 
<!>
Chín năm làm việc trong khu abdominal surgery (chuyên ngành hậu giải phẫu về các bộ phận nằm trong vùng bụng) tôi đã sống thật nhiều với những nỗi đau cũng như niềm vui của bịnh nhân.
Sau khi ra trường tôi được nhận vào làm trong bệnh viện Sart Tilman, Bệnh viện nằm trên đỉnh đồi cùng với trường Đại học địa phương. Bao bọc chung quanh bởi một khu rừng thông, nhìn xuống dưới kia là thung lũng và cũng là trung tâm thị tứ của thành phố Liège. Người Việt định cư nơi đây không nhiều, thường sống tập trung ở trung tâm thành phố.
Phương tiện di chuyển thường là xe bus hoặc đi bộ. Từ bệnh viện chỉ cần mười lăm phút lái xe là đến ngay trung tâm thành phố nhưng đường đi lại ngoằn nghèo, leo dốc. Thêm nữa thời tiết xứ Bỉ quanh năm lạnh lẽo, trời âm u, mây xám cho nên bệnh nhân người Việt thường có khuynh hướng thích nhập viện hơn là phảỉ thường xuyên leo đèo lội suối quanh co.

Vậy là bác An đã nhập viện ngay trong khu tôi phục vụ, nằm trong căn phòng có bốn bệnh nhân. Thời gian đó tôi hay làm ca đêm; hằng đêm mỗi khi công việc đã xong xuôi tôi thường đến ngồi tán gẫu với bác cũng như với các bệnh nhân khác.
Ở bệnh viện này phòng bốn người là phòng dành cho những người nghèo hay những người ngoại quốc. Họ là những người thường cần nhiều sự giúp đỡ của bệnh viện, y tá bệnh viện thường có nhiều cảm tình với họ. Bệnh viện này như một thế giới thu nhỏ, mỗi bệnh nhân là một mảnh đời khác biệt mà trong những phiên trực đêm dài vắng vẻ tôi thường thích đến chuyện trò, đối ẩm với họ. Họ là những bệnh nhân mất ngủ vì cô đơn, sống xa nhà hay không thể ngủ vì căn bệnh đang hoành hành.

Bác An, sau những năm dài sống trong trại tù cải tạo đã mắc phải chứng bệnh xơ gan vì nhiễm Hepatitis C. Cứ cách vài tháng bác lại phải nhập viện. Khi nào bác nhập viện tôi cũng ráng dành chút thì giờ để nói chuyện thêm với bác, cũng như cung cấp các thông tin diễn biến căn bịnh mà bác sĩ đã chẩn đoán. Bác An là một bệnh nhân rất điềm đạm, nói tiếng Pháp thật là lưu loát.
Bẵng đi một thời gian dài không gặp, một buổi sáng trong lúc giao ban, một đồng nghiệp báo cho tôi hay là bác An đã nhập viện trở lại vào đêm hôm qua. Trong đêm bác đã nổi giận, giựt đứt giây chuyền nước biển và có những thái độ như muốn hành hung mấy cô y tá đến săn sóc. Các người bạn đồng nghiệp này buộc phải cột hai tay của bác lại để tránh gây thương tích. Nghe như vậy tôi rất đổi ngạc nhiên.Tôi bảo với các đồng nghiệp rằng sự hành hung này chắc phải có nguyên nhân vì theo tôi biết, đó không phải là bản tính của bác.
Giao ban xong, tôi đi ngay đến gặp bác. Hai tay bác bị trói vào thành giường, mắt nhắm nhưng miệng vẫn lảm nhảm chửi rủa bằng tiếng Tây, chân đá thình thịch. Bác nói bác không muốn sống nữa, bác không muốn mọi người đến gần chăm sóc bác, bác xua đuổi họ.

Vì tôi thường tiếp xúc với bác, theo dõi diễn biến bệnh tình nên tôi đoán chừng bác đang đi vào hôn mê mà tiếng Tây gọi là coma encephalo hepatic. Không biết tôi đã đọc ở đâu đó, người ta nói rằng khi một người gặp sự khó khăn thì tiếng mẹ đẻ là nguồn cổ vũ tinh thần lớn nhất. Nghĩ vậy tôi bắt đầu nói tiếng Việt với bác. Tôi gọi bác bằng tên, vỗ về bác, nhắc cho bác nhớ về tôi, về những ngày hai bác cháu lần đầu tiên gặp nhau trên mãnh đất xa lạ này.


Chỉ vài phút thôi, như một phép lạ, bác bắt đầu dịu xuống thấy rõ. Khi tôi hỏi bác có muốn nhắn người nhà không thì bác trả lời “làm sao cho kịp được?!“. Tôi nghe mà sững sờ. Đây là một trong những truờng hợp mà tôi đã chứng kiến ở bệnh viện: bệnh nhân thường linh cảm những phút giây cuối cùng của cuộc đời. Tôi bảo với bác là tôi sẽ đi nhắn người nhà lên gặp bác ngay tức khắc. Bác An nghe thế thì hoàn toàn đằm xuống, tỉnh táo. Tôi tháo dây trói tay bác ra, nói với bác rằng tôi đi gọi phone ngay và sau đó trở lại chỗ làm việc của mình.

Hôm đó bác không thuộc trong nhóm bệnh nhân mà tôi phải săn sóc, nhưng không hiểu tại sao tôi lại bảo với người y tá của bác là tôi sẽ nhận lãnh thêm phần chăm sóc cho bác. Ở bệnh viện tôi làm, trong những khu hậu phẫu thường không có trợ tá vì vậy y tá chính phải lo từ A đến Z. Trước khi chăm sóc bệnh nhân mà tôi có trách nhiệm hôm đó, tôi đến tắm rửa cho bác An. Nhìn tấm thân gầy guộc đen đủi của bác tự dưng tôi nghĩ đến nỗi buồn của những người Việt lớn tuổi tha hương; có bao giờ họ tưởng tượng những ngày cuối đời, nằm chờ chết trong một nơi không bà con thân thích như thế này không ?
Tắm rửa, thay áo cho bác cũng như toàn bộ drap trãi giường xong, tôi chào bác để trở về lại với công việc đang dở dang của mình.
Mười phút sau, người bạn đồng nghiệp đến báo cho tôi hay là bác An vừa mới ra đi một cách rất nhẹ nhàng. Tôi thật bàng hoàng, xúc động mạnh, vội vã chạy qua cầm lấy tay bác, lẩm nhẫm mấy câu kinh học được hồi nhỏ khi đi xem nhập liệm “Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật “với hy vọng linh hồn bác An sẽ được siêu thoát.
Trong cuộc đời có lắm chuyện tình cờ, nhưng cái tình cờ đã đẩy đưa tôi đến gặp bác An trong hoàn cảnh như thế này thì chắc chỉ có đạo Phật mới giải thích được. Phải chăng nhờ sự thành tâm của một con người Phật tử trong lúc còn tại thế đã đưa đẩy một người quen, một người đồng hương lo cho mình trước khi lâm chung ?

Xuân Phương
Liège, Belgique, 2015.

Không có nhận xét nào: