Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2021

Hương-xưa_Thu-vàng - LBP Paris


Chiều thứ ba rồi ( 19/10 ), ra khỏi sở , tôi nói với người bạn đồng nghiệp đi kế bên : “ Cứ như đang là hè ! “. 18H mà vẫn còn rực nắng ,cvới cái nhiệt độ 24°C ! Thu về gần một tháng nay . Nhưng chỉ trên “ giấy tờ “ : giấy thư , tờ lịch ( trừ một đôi ngày rét lạnh ) . Sang thứ tư 20 thì mới thật là thu ! Từ những mưa , gió đầu ngày , tôi thảng thốt nhận ra vườn mình : thu đang nhuộm sắc , sân dưới , cành trên . Không phải màu cúc vàng trên tà- áo -Nguyên -Sa . Mà là cái màu vàng buồn bã , của những chiếc “ lá -rơi- cho -đám- cưới -về “ -Đoàn-Chuẩn ! Nhưng khuya hôm qua , thì bão tơi bời ! Thổi từ Đức , Hòa Lan , Bỉ xuống miền tây-Bắc Pháp , ( bão ) Aurore là horreur ! Ở miền bắc Pháp , nhiều ngôi nhà bị tàn phá , 250.000 gia đình bị mất điện , giao thông bị ảnh hưởng nặng do cây ngã chặn đường !
<!>
Hai năm rồi , mới gặp lại thu ! Năm ngoái , giờ này , những tin tức dồn dập Covid_Tàu lại trở về : nhập viện , tử vong , cô lập , " teletravail " vv ngần ấy thứ là lớp sương mù dầy đặc phủ lên đời sống ! Làm sao thấy được thu về ?! “ Người buồn , cảnh có … “thu” đâu bao giờ ?! “ .

Đầu tháng 10 này , tôi đã “ đường xưa , sở cũ “ , mỗi tuần 3 lần “ con đường làng ( route départementale ) tôi đi “ . Trên những con đường xanh mát hàng cây , qua những ngôi làng nằm nghe nắng thở , thu vẫn chưa về ! Có phải năm nay thu về muộn ? Hay lại tôi dậy sớm hơn mùa ?!

Trước 75 , ” Khai Trí “ là nhà sách tôi hay “ lang thang “ nhất , hết quầy này đến quầy nọ . Sách học có , thơ có , truyện có . Nhiều khi vào chỉ để xem sách , để nâng lên những cuốn sách mới phát hành , tay vuốt ve , mũi hít sâu , những trang giấy thơm , những bìa sách mượt ! " Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới " ( Thanh Tâm Tuyền )

Một lần , tôi mua một tác phẩm của Viên Linh , nhắm mắt mà mua , không cần đọc sơ qua . Chỉ vì cái tựa “ Hạ đỏ có chàng tới hỏi “ . Trước giờ chỉ biết có “ Hạ hồng “ ( Phạm Duy ) . Lần đầu mới nghe “ Hạ đỏ “ . Sau này mới biết “ Hạ đỏ có chàng tới hỏi “ là một câu trong bài thơ ( tiền chiến ) " Tình Sầu "" của Huyền Kiêu ( Bùi lão Kiều ) , một người bạn chí thân của thi sĩ Đinh Hùng và nhà văn BS Nguyễn tường Bách ( em Nhất Linh ) .

“Tình sầu “ là một bài thơ ( buồn ) , trong đó , mỗi mùa được thi sĩ thả lên một màu : Xuân hồng , Hạ đỏ , Thu biếc , Đông xám . Mỗi màu là một đoạn đời của người thiếu nữ vắn số trong bài thơ .

Không biết Xuân Diệu có phải là cha đẻ của chữ “ xuân hồng “ không ( Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi ) nhưng « Hạ đỏ « , tôi nghĩ là chữ-của- Huyền- Kiêu . Trước ông , tôi không thấy ai gọi “ Hạ đỏ “. Cũng như “ Đông xám “ , “ Thu biếc “ (?)

Biếc , theo tôi hiểu , là màu “ xanh “ ( xanh lơ , xanh lục , xanh-trong ... ) . Như da trời . Như lá rừng . Như mắt người . Như ( đường vô xứ Nghệ quanh quanh ) non xanh , nước biếc như tranh họa đồ “ . Nên, thu-biếc , trong “ Tình sầu “ , là đầu thu , trời còn cao và lá còn xanh .

Thật ra , ở miền Bắc Việt Nam, vàng (?) mới là màu chính của thu . Từ tà " áo mơ phai " ( với áo mơ phai dệt lá vàng / Xuân Diệu ) đến chiếc “ lá rơi cho đám cưới về “ ( Đoàn Chuẩn ) . Trong phong thủy , màu vàng tượng trưng cho ánh sáng mặt trời , cho niềm vui , sức sống , ấm áp , yêu đời ..vv . Màu vàng đó không phải là màu vàng thu , ( theo tôi ), là một màu của sự yên tĩnh , của nỗi buồn nhẹ (“ tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn “ ?! mélancolie ) , của tiếng gãy cành khô . của xạc xào lá đổ .Tôi chưa nghe ai nói đi trong mùa thu mà “ lòng vui như mở hội “ . Trừ những người mới yêu nhau ( cưới nhau rồi là " hội " bị cưỡng ép giải tán !! )

Màu vàng thu là màu của lá thu .

Thi sĩ Đoàn phú Tứ cho rằng “ màu thời gian không xanh / màu thời gian tím ngắt “. Với tôi , màu-thời- gian là màu trắng , màu vàng ! Tóc trắng , lá vàng là "buổi chiều" của đời lá , đời người .

Trước đây tôi cứ ngỡ màu vàng-lá như màu trắng-tóc ( nước thời gian gội tóc trắng phau phau / Đoàn văn Cừ ) , nghĩa là , theo thời gian, chuyển từ xanh sang vàng . Nhưng không . Tùy theo loại , màu nguyên thủy của lá , dù : vàng ( xanthophylle ) hoặc cam ( carotène ) hay nâu , đỏ vv ( anthocyane ) . Từ xuân sang hè , màu nguyên thủy bị che phủ bởi màu xanh diệp lục ( Chlorophylle ) khi lá “ hớp “ năng lượng mặt trời để tạo thức ăn ( photosynthèse ) . Mùa thu , ngày ngắn đêm dài , ánh sáng giảm từ từ , bớt nguồn cung cấp , thức ăn cạn dần, màu xanh bớt đi , dung nhan thật của lá hiện dần ra , vừa đẹp não nùng , vừa buồn xa vắng !

Sao Trời không tạo người như tạo lá : đẹp nhất là lúc thiếu ăn , sắp .. rụng ?!

Hoa hậu thì nước nào cũng có nhưng " thu hậu " thì phải là thu - Bắc Mỹ !

Nói đến Thu – vàng , người yêu văn nghệ miền Nam ( VNCH ) nghĩ ngay đến nhạc sĩ Cung Tiến ( 1938 ) .
Thường , những ca- khúc -thu đều buồn nhưng Thu-Vàng ( và Hoài Thu của Văn Trí ) là một ngoại lệ . Nhất là Thu Vàng , với nhịp điệu valse vui tươi , luân vũ theo những lời trong sáng . Ca khúc được sáng tác lúc nhạc sĩ 14 , 15 tuổi, cùng thời gian với Hoài cảm ( 1953 ), khi ông mới vào Sài Gòn ( 1952 ) , rồi Hương Xưa ( 1957 ) . 3 sáng tác đầu tay của Cung Tiến đều là 3 ca khúc nói về mùa thu , mùa thu Hà Nội . Di cư vào Sài Gòn, Cung Tiến mang thu Hà Nội theo cùng .

Không biết bao nhiêu người yêu thu-vàng-Cung-Tiến . Tôi biết có người thiếu nữ , yêu thu-vàng đến độ lấy tên bài hát làm tên-nghệ-thuật của mình : ca sĩ Thu-Vàng ( chị hát " Lệ đá xanh " thật hay ! )

Trong âm nhạc Việt Nam , Cung Tiến có chỗ đứng riêng biệt vì , tôi nghĩ , ông là người nhạc sĩ duy nhất (?) không mang ngũ cung vào sáng tác ( sau 75 nghe nói ông đã dùng ngũ cung để phổ bài thơ dịch Hoàng Hạc Lâu của Vũ hoàng Chương ) ! Dòng nhạc của ông , từ thượng nguồn đến hạ nguồn , không chen vô nhánh nào . không chia ra nhánh nào . Mặc dầu ông tự phân làm hai : “ popular song “ và “ art song “ ( ca khúc nghệ thuật ) . Theo ông , “ popular song “ là “ ca khúc phổ thông “ , tôi nghĩ tác giả muốn nói đến những sáng tác mà nhạc và lời là của chính mình : “ Thu-Vàng , Hoài Cảm , Hương Xưa ( 1957 ) , Mắt biếc ( 1966 ) “ , còn ” art song “ tức là lấy một văn bản có giá trị như thơ viết thành nhạc và cho vào bối cảnh hòa âm hoặc là bằng piano, hoặc bằng một cái đàn ghita hoặc một ban nhạc. “ ( 1)

“ Ca-khúc-nghệ-thuật “ đầu tiên “ Lệ đá xanh “ ( thơ Thanh Tâm Tuyền ) được ông viết ở Úc ( 1957 ) , khi , ngoài giờ học chuyên môn ( Kinh Tế ) , ông còn học thêm nhạc ở viện Âm Nhạc Sydney . “ Lệ đá xanh “ được viết để tặng người bạn Phạm đình Chương . Có thể đó là một gợi ý để , 13 năm sau ( 1970) , Phạm nhạc sĩ , cũng lấy mấy câu trong bài thơ “ Lệ đá xanh “ ( đôi khi anh muốn tin / ôi những người khóc lẻ loi một mình / đau đớn lệ là những viên đá xanh / tim rũ rượi .. ) mà viết “ Nửa hồn thương đau “ , tặng lại “ Cung Tiến & Thanh Tâm Tuyền “

“ Con mình , mình biết “ nhưng , với tôi , ngay từ Thu-Vàng , đã nghe hơi hướm cái nét nhạc “ tây- phương-của-ông “ rồi , rõ nét nhất là ở “ Hương Xưa “ ( ông viết năm cuối Trung học , tặng người bạn Khuất Duy Trác , ca sĩ ) , một trong những ca khúc tôi yêu và trân trọng nhất ! Nếu tây- ban- cầm có thể “ đi theo “ Thu Vàng hay Hoài Cảm , thì Hương Xưa chỉ “ giết tôi “ với dương cầm réo rắt hay nức nở vĩ cầm . Cũng như “ Nguyệt Cầm “ ( ý thơ Xuân Diệu ) , “ Mắt Biếc “ .

Theo Cung Tiến , hai ca khúc đầu tay Thu Vàng , Hoài Cảm là “ bài tập “ ( exercice ) khi ông học nhạc ( với các thầy Thẩm Oánh , Chung Quân ( Làng Tôi ) ? ) . Có thể có một số người không tin ( cho là ông hợm mình ! ) vì “ hay như thế mà bảo chỉ là bài tập “ ! Tôi không biết người khác thì sao nhưng với kinh nghiệm của tôi và một số bạn bè : những tay mơ tập tành “ sáng tác “ , nhịp ¾ là nhịp “ dễ “ viết nhất . Nó không rắc rối , cầu kỳ , “ giản dị “ như chiếc áo bà ba ! Nhưng chính vì vậy mà “ dễ “ trở thành “ dở “ , nhàm chán ! Bởi vì nó chỉ “ loanh quanh “ bấy nhiêu đó . Người không có khả năng dễ lập lại những nét nhạc , tiết điệu , của người khác , dù không cố tình ! Cậu thiếu niên Cung Tiến thì không . 2 " bài tập" của cậu, rồi “ Hương Xưa “ đều là 3 ca khúc “ 3/4 “ hay , về nhạc lẫn lời . Từ 1953 đến nay , không có một ca khúc nào của Cung Tiến có thể làm người ta lẫn lộn với người khác . " Dấu ấn Cung Tiến " ( chữ của ông Phan Lạc Phúc ) rành rành , không cần phải " cầu chứng tại tòa " .

Cung Tiến sáng tác không nhiều nhưng những sáng tác của ông ( trước 75 ) mà tôi nghe được , theo tôi , đều là những sáng tác có giá trị . 1973 (?) tôi có mua tập “ Ca Khúc Cung Tiến “ do nhà Kẻ Sĩ ( của cặp Tô Thủy Yên và Nguyễn thị Thụy Vũ ) ấn hành , trong đó có 9 ca khúc : Thu Vàng , Hoài Cảm , Hương Xưa , Mắt Biếc : nhạc và lời của ông , Nguyệt Cầm : ý thơ Xuân Diệu ; Lệ Đá Xanh , Đêm : phổ thơ Thanh Tâm Tuyền ; Thủa làm thơ yêu em : phổ thơ Trần dạ Từ ; Đôi Bờ : phổ thơ Quang Dũng . Sau 75 , ông viết nhiều ca khúc , tổ khúc , chuyên về giao hưởng , hợp xướng , dành cho nhạc thính phòng hay đại hòa tấu . Tổ khúc “ Chinh phụ ngâm “ ( 1987 ) đoạt giải “ Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh Hoa Kỳ “ năm 1988 (2) .

Tuy không nổi tiếng về “ viết “ nhưng Cung Tiến làm tôi liên tưởng đến một nhân vật của Kim Dung : “ Côn Luân Tam Thánh “ Hà Túc Đạo . Một Cung Tiến : Nhạc thánh . Văn “ thánh “ . Học thánh .
2 người trẻ tuổi nhất cộng tác với Sáng Tạo ( Mai Thảo ) thập niên 50s / 60s là Tô Thùy Yên và Cung Tiến ( cả hai đều sanh 1938 ) . Dưới bút hiệu Thạch Chương , những nhận định triết học , phê bình văn học , nghệ thuật của Cung Tiến xuất hiện thường xuyên trên Sáng Tạo , Quan Điểm ( nhóm Vũ khắc Khoan ) . Ông cũng là tác giả hai quyển sách dịch , xuất bản ở Sài Gòn trước 75 , “ “ Hồi ký viết dưới hầm “ ( Dostoievsky ) và “ Một ngày trong đời Ivan Denisovitch “ ( Solzhenitsyn ) .

Trong giới sáng tác nhạc nổi tiếng miền Nam Việt Nam , nếu: nhạc sĩ Anh Việt ( Lỡ chuyến đò , Bến cũ … ) là Đại Tá Cục Trưởng Cục Quân Cụ , nhạc sĩ Nguyễn văn Đông là Đại Tá Chánh Võ phòng cho tướng Cao Văn Viên bên Võ , thì bên Văn , Cung Tiến là nhạc sĩ có chức vụ cao nhất trong chính phủ VNCH ; Thứ trưởng kiêm Tổng Giám Đốc Kế Hoạch , cánh tay phải của Bộ Trưởng Kế Hoạch Nguyễn tiến Hưng .

Ông Lô-răng Phan lạc Phúc kể ( Dấu ấn Cung Tiến / “ Tuyển tập tạp ghi “ , nxb Văn Nghệ , 2002 ) : “ Thời đó , thập niên 70s , đám “ Cái Bang” ( ăn nhậu ) : Mai Thảo , Vũ khắc Khoan, Thanh Nam , Phan Lạc Phúc , Cung Tiến …vv có thói quen là sau khi “ tới bến “ , khoảng 22 , 23h là kéo đến “ Đêm Màu Hồng “ của cái-bang Phạm đình Chương , tiếp tục chương trình : vừa nghe nhạc vừa uống digestif ( cognac ! ) . Lúc đó thì ông chủ nhà hàng biết ý , cho đổi sang chương trình văn nghệ “ Cổ Kim hòa điệu “ để chìu lòng mấy “ khán giả thân thương “ . Có lần chương trình “ cổ kim “ kéo hơi dài . Đang phừng phừng vì mấy cái consommation , lại nổi hứng bất tử , ông Cung Tiến khật khưỡng bước lên sân khấu , gạt người đánh piano sang một bên , và bắt đầu dạo mấy Sérenade ! Không khí phòng trà , từ tân nhạc Việt Nam đổi sang cổ điển Tây Phương , nghe ngang “ phè phè “ ( chữ của ông Phúc ) . Thế là có một ông mũ đỏ , áo hoa dù , từ dưới sân khấu bước đến ông dương cầm đang mê say “ kiểng đổ “ , nắm hai tay lại . Không thèm nhìn lên , nhạc sĩ hất tay ông nhà binh ra , tiếp tục dạo đàn , lại còn đuổi “ đi chỗ khác chơi “ ! Ông chủ Phạm đình Chương hết hồn , vội chạy ra xin lỗi nhưng …. trễ rồi ! Dưới sân khấu , vài tiếng vỡ của mấy chai bia , 2 , 3 " thiên thần " ”, đi lên “ hỏi thăm sức khỏe “ .." tiên ông " . Cả phòng trà im phăng phắc , ngoài tiếng réo rắt dương cầm ! May sao , ông Vũ khắc Khoan , tuy đã “ sương sương “ nhưng cũng còn nhận ra , 1 trong mấy sĩ quan Dù , là một học trò cũ của mình ( ở Chu văn An hay Văn Khoa gì đó ) . Ông vội vàng bước ra nhận môn sinh " Thôi ... anh em cả " . Ông sĩ quan này , tuy đang bực cái “ thằng cha “ phá đám đêm nghe nhạc của mình và mấy anh em , cũng vội vàng đổi giọng “ Dạ, thưa Thầy …” . Cuối cùng thì mọi sự cũng êm . Nếu không có thầy Khoan , nếu người sĩ quan Dù không biết “ tôn sư “ nghe theo lời Thầy . Thì ai biết chuyện gì sẽ xảy ra ?!

Và ông Phúc kết luận , đại khái , có hai con người trong Cung Tiến : một duy lý , muốn đi đến cùng của lý luận ; một duy cảm , muốn thỏa mãn ngay những đòi hỏi của mình . Rồi ông Phúc tự hỏi “ giữa người duy-lý “Cung “ và người duy-cảm “Tiến “ , người nào sẽ thắng ? Ông hỏi rồi ông tự trả lời : “ người duy-lý “ .

Tôi hoàn toàn đồng ý với câu trả lời của ông Phúc . Con người mà , ai không có lúc này , lúc khác ? Nếu không “ dô “ với bằng hữu , tôi tin là Cung Tiến đã không hành xử như thế ( một hành xử cũng không có gì " quá đáng " ) . Bởi , nghe nói , ngoài đời , ông nói năng trang nhã , lịch sự , tuy có vẻ hơi lạnh lùng “ phớt tỉnh Ăng-lê “ , phần do bản tánh , phần do tiếp xúc với xã hội Úc , Anh trong thời gian dài du học .

Ông Phan cũng cho biết người bạn Cung Tiến còn là một thành viên tích cực trong Hội Nhân Quyền Quốc Tế , ông đã tranh đấu không ngừng , gởi thư cho các đoàn thể quốc tế để họ can thiệp , đòi hỏi với nhà cầm quyền CS trả tự do những văn nghệ sĩ bị cầm tù bên nhà .

Tuy có giá trị nhưng , tôi nghĩ , số người thưởng thức sáng tác của Cung Tiến rất giới hạn ! Do cái nét nhạc tây -phương , và cái lời hát “ kín đáo , trang trọng , ( đôi khi ) nhiều điển tích “ hay những bài phổ nhạc " thơ tự do " của ông .

Số người thưởng thức giới hạn . Số ca sĩ trình bày cũng giới hạn . Với tôi , là : Thái Thanh , Lệ Thu , Khánh Ly , Hà Thanh , Thu Vàng . Anh Ngọc , Duy Trác , Sĩ Phú . Hát hay không , chưa đủ . Hát Cung Tiến ( sáng tác trước 75 ) mà không " nhập hồn " vào thì " hát chỉ là ca " !

Cung Tiến là nhạc sĩ của "giới hạn" , một " giới-hạn-vượt-thời-gian " ! Không những thế ông còn là một nhà ... tiên tri !

Trước 75 , nghe Hương Xưa , tôi cứ tiếc . Tiếc là một sáng tác với nhạc hay như thế , lời hay như thế , sao nhạc sĩ lại cho lạc vào mấy câu " trần tục " ( dẫu đúng với sự thật ) , " chết chóc , máu xương " làm .. vẩn đục đi cái không gian bàng bạc Đường thi , trong một chiều nắng tơ vàng hiền hòa , hồn mơ xa tít ?

Nào ngờ , sau 75 nghe lại " .... Thời Hoàng Kim xa quá chìm trong phôi pha / Chờ đến bao giờ tái sinh cho người / Đời lập từ những đêm hoang sơ / Thanh bình như bóng trưa đơn sơ . Ɲaу đời tan biến trong hư vô, / chết đầу từng mồ oán thù. / máu xương tơi bời nhiều mùa thu ..." mà thấm từng chữ . mà đau từng câu !. Tuy chưa bao giờ trở về VN từ " độ ấy " , nhưng cậu học trò năm xưa đã nói đúng cái tâm trạng hôm nay của " thế -hệ- trước- 75 " ở lại quê nhà.

“ Người ơi , chiều nào có nắng vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi
Người ơi , chiều nào có thu về cho tôi nhặt lá thu rơi
Tình có ghi lên đôi môi
Sầu có phai nhòa cuộc đời
Người vẫn thương yêu loài người và yên vui sống cuộc sống vui
Đời êm như tiếng hát của lứa đôi “

Từ thu-vàng bị nhuộm thành thu-đỏ , đời không còn “ êm như tiếng hát “ , "cuộc sống không còn vui " !
Bởi người không " yêu " người ! Bởi người căm thù người ! Rất nhiều người đã chết ! Nhiều đôi lứa chia lìa !
Cố nhân xa xôi đó , Ai người : về lại lối xưa ?

Hương Xưa đã tan rồi !
trong những ngày đốt sách- miền -Nam !!!

BP

22/10/2021


Không có nhận xét nào: