Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

Tiếng Vỹ Cầm - Tạ Quang Khôi


Tôi trở về thăm quê hương sau ngót nửa thế kỷ xa cách. Quê tôi là một tỉnh lỵ nhỏ phía Nam Hà nội, có trường thi Hương cuối cùng của Nho học ở Bắc hà. Mục đích chính kỳ trở về này là thăm bà chị ruột và ông anh rể đã trên dưới tám mươi. Cả hai chị em đều lớn tuổi, khó mà biết được ai sẽ "ra đi" trước, nên tôi sợ nếu không về bây giờ, sẽ không có dịp nào nữa. Ngoài mục đích đó, tôi cũng muốn gặp lại một số bạn bè thân từ thuở còn thơ ấu mà chúng tôi phải chia tay kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Pháp bùng nổ vào tháng 12 năm 1946. Mục đích phụ của tôi không đạt được trọn vẹn. 
<!>
Bạn bè tan tác mỗi người một phương trời, kẻ còn người mất. Những ai còn, phần lớn không trở về sinh sống tại quê nhà sau khi hòa bình được tái lập. Lác đác chỉ còn một vài người quen cũ, không thân thiết, ở đâu đó trong cái tỉnh lỵ nhỏ bé này mà tôi chưa hỏi được địa chỉ hiện tại của họ. Cái khó là người nào cũng đã lớn tuổi, đều trên cái mức "cổ lai hy" nên rất ít xuất hiện ngoài đường phố, nếu không có việc thật cần thiết. Còn con cháu họ thì tôi không biết một ai. Suốt ngày quanh quẩn với gia đình và con cháu của bà chị, tôi cũng bắt đầu thấy buồn. Trong khi đó, ngày trở lại Saigon để lên máy bay về Mỹ còn xa.
Vào một buổi sáng, đang lang thang đi quanh những phố phường cũ chứa đầy kỷ niệm của thời thơ ấu, tôi tình cờ trông thấy một lão già tóc bạc phơ, dáng đi hơi khòm khòm. Nhưng sau những nét già nua của lão tôi nhận ra một gương mặt quen. Tôi nghĩ với tuổi của lão, có thể đó là một người bạn cũ lâu không gặp. Tôi đánh bạo bước đến bên lão, khẽ hỏi :"Xin lỗi..." Nhưng tôi chưa kịp nói thêm thì lão đã quay lại. Tôi nhận ra ngay người bạn thân năm xưa. Đó là Phong mà hồi trẻ, tụi bạn tinh nghịch và tôi thường gọi đùa là "Phong violon".
Phong nhìn tôi với một vẻ rất ngạc nhiên và hơi lúng túng. Tôi vội vã xưng tên và nói cả họ. Hắn nheo mắt nhìn tôi rồi chậm rãi hỏi :
"Về bao giờ ?"
"Mới về chưa được nửa tháng", tôi đáp .
Hắn hỏi thêm :
"Về ở luôn hay lại còn ra đi ?"
"Việc về ở luôn còn phải tính toán kỹ lại. Vì thế, hai tuần nữa tôi sẽ lại ra đi."
Tôi nắm lấy hai bàn tay gầy guộc của người bạn cũ, nói sơ qua về tôi. Bấy giờ hắn mới tỏ ra vui vẻ một cách dè dặt, nói :
"Hình như cậu còn bà chị ở đây?"
"Đúng. Chính vì thế, tôi về thăm bà ấy. Nào, bây giờ cậu cho tôi biết nhà để đến thăm cậu."
Hắn có vẻ miễn cưỡng khi cho tôi biết địa chỉ. Tôi liền đòi hắn đưa về nhà. Hắn nhìn tôi đăm đăm rồi nhận xét :
"Cậu vẫn như ngày xưa."
Tôi bèn cãi :
"Sao lại vẫn như ngày xưa được. Cậu không thấy tôi đã da mồi, tóc bạc sao ?"
Phong lắc đầu :
"Không, tôi không bảo cậu vẫn trẻ như ngày xưa. Nhưng tính cậu vẫn nóng nảy và độc đoán."
Phong đưa tôi về nhà hắn. Đó là một căn nhà cũ kỹ, ọp ẹp, hai tầng ở Bên Đồng. Vào đầu thế kỷ 20, tỉnh lỵ này phát triển mạnh nên nhiều nơi đang là đồng ruộng biến thành phố xá. Dân trong tỉnh vẫn quen gọi khu mới này là Bên Đồng, dù đã có tên phố hẳn hoi. Cái địa danh "Bên Đồng" làm tôi nhớ đền bốn câu thơ của Cụ Tú Vị Xuyên. Đó là bốn câu thơ rất tình cảm, rất "hoài cổ", chả có một chút trào phúng nào :
"Sông kia rày đã nên đồng,
Nơi làm nhà cửa, nơi trồng ngô khoai.
Đêm nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò."
Tôi thầm tự hỏi tại sao căn nhà này có thể tồn tại sau kỳ "tiêu thổ kháng chiến" vào cuối năm 1946 và đầu năm 1947 và kỳ bom Mỹ năm 1972 ? Phong cho biết mới dọn về lại tỉnh lỵ này ngót ba năm. Sau cuộc chiến tranh Việt Pháp, hắn đi học lại và làm nghề dạy học ở một tỉnh miền trung du Bắc Việt. Hắn về hưu đã ngót mười năm, nhưng còn quanh quẩn ở nơi dạy học cũ. Khi tôi hỏi hắn tại sao không ở luôn trên đó thì hắn giữ im lặng, vẻ mặt bỗng trầm xuống. Tôi đoán hắn có một tâm sự buồn nên không hỏi thêm. Hắn loay hoay mở cửa cho tôi vào nhà. Phòng ngoài trống rỗng và tối om. Hắn đưa tôi vào phòng trong. Nhờ có cái sân lộ thiên, lót gạch Bát tràng vuông, to, căn phòng sáng sủa hơn. Phòng chỉ có một cái bàn và hai cái ghế gỗ. Trên bàn có một ấm tích nước và bốn cái chén trên một cái đĩa cổ. Tất cả đều cũ kỹ, nhưng rất sạch. Hắn cho biết nhà hắn chỉ có chè tươi, không có nước gì khác để đãi khách. Nếu tôi chịu, hắn sẽ xuống bếp đun nước để pha ấm chè mới. Gian bếp ở trong cùng, cách cái sân lộ thiên. Tôi gạt đi vì không muốn làm phiền hắn, dù tôi rất thích uống nước chè tươi nóng. Vì nhà trống trơn, không có đồ đạc gì ngoài cái bàn nước và hai cái ghế, tôi đoán hắn ở một mình, nhưng lại thắc mắc về vợ con hắn nên hỏi :
"Bà xã và các cháu không ở đây với cậu?"
Hắn cười buồn, đáp :
"Mình chưa hề có gia đình bao giờ."
Tôi ngẩn người, đăm đăm nhìn hắn. Dĩ vãng của năm chục năm cũ bỗng
trở về. Tôi nhớ khi còn trẻ, Phong có yêu một cô gái tên Nga. Hồi đó
chúng tôi mới mười bảy, mười tám mà Nga còn kém chúng tôi ít ra ba, bốn tuổi. Nga ở bên kia đường, xế cửa hiệu buôn của bố mẹ tôi. Hàng ngày tôi vẫn thấy cô bé ngây thơ, nhí nhảnh chơi truyền, nhảy dây, chơi ô quan... với bạn gái cùng lứa. Tuy còn ít tuổi, Nga đã khá đẹp, được coi như đẹp nhất phố tôi. Người đẹp, dù còn nhỏ, cũng đã có nhiều cậu ngấp nghé, trong đó có Phong. Hắn tìm cách làm quen với Nga mà chưa được, nhưng hỏi dò biết cô thích đàn vĩ cầm. Thế là hắn mua vĩ cầm về học. Bỗng thấy mất tăm hắn một thời gian khá lâu, mấy tên bạn và tôi mò đến nhà hắn. Thì ra hắn đóng cửa để ở nhà cố tập luyện đàn vĩ cầm. Hắn suốt ngày ôm cây đàn đến nỗi cổ và cằm hắn xưng húp. Chúng tôi ngạc nhiên nhưng cũng phục sự quyết tâm của hắn. Từ đó hắn được chúng tôi đặt tên là "Phong violon". Rồi cho đến ngày chiến tranh bùng nổ, chúng tôi không rõ hắn có làm quen được với Nga không và đã trổ tài đàn cho cô bé thưởng thức chưa? Chiến tranh làm chúng tôi xa cách nhau, mỗi người chạy một ngả. Mấy năm sau, khi chiến tranh lan rộng, tôi nghe tin Nga lấy chồng. Điều đáng buồn là chồng Nga không mang tên Phong. Dạo ấy, chúng tôi chỉ họa hoằn mới nghe tin tức của nhau, hầu như chả bao giờ được gặp nhau, vì sự liên lạc khó khăn và đường xá trắc trở. Những năm đầu kháng chiến, tôi đi theo một đơn vị bộ đội nên càng khó liên lạc với những người bạn cùng quê hương. Khi bỏ kháng chiến để trở về thành phố, nơi Pháp tạm chiếm, tôi ít có dịp trở lại quê cũ vì bận học ở Hà nội. Bạn bè thời thơ ấu hầu như chẳng có ai, đa số còn lạc lõng ngoài hậu phương. Khi có hiệp định Genève, hòa bình được tái lập, tôi vội vã di cư vào Nam. Bạn cũ nhiều người ở lại, do đó chúng tôi không có tin tức gì của nhau. Nhưng theo sự suy nghĩ thông thường thì tôi cho rằng bạn tôi, kể cả Phong, cũng sẽ có một cuộc sống như mọi người là tạo dựng một gia đình. Bây giờ, tôi mới biết Phong không nằm trong "sự thông thường" đó. Hắn sống độc thân suốt đời. Thì ra hắn đã yêu Nga đến độ không thể nghĩ đến người con gái nào khác.
Tôi bảo hắn :
"Mối tình cậu dành cho Nga là mối tình lớn, bất diệt. Có thể nói đó là mối tình rất hiếm có trên cái cõi đời luôn luôn thay đổi như chong chóng này."
Hắn lơ đãng nhìn ra ngoài sân, giữ im lặng. Rồi hắn bỗng đứng lên, ra hiệu cho tôi đi theo. Chúng tôi lên lầu. Đó là phòng ngủ của hắn. Trong phòng có một chiếc giường gỗ nhỏ và ngay cạnh giường là một bàn thờ, rất sơ sài. Một tấm hình lồng trong một cái khung gỗ đánh véc ni đặt trên một cái hộp và trước hình là một bát hương bằng sứ. Khi đến sát bàn thờ tôi nhận ra ngay hình Nga thuở mới mười bốn, mười lăm. Còn cái hộp là hộp đàn vĩ cầm. Vì bị bất ngờ, tôi sững sờ đến không thốt được nửa lời. Hắn cho biết Nga mất đã gần ba năm. Sau cái chết của người tình trong mộng, hắn mới quyết định dọn về quê cũ.
Cây đàn bây giờ đã trở thành cây đàn thờ nên tôi biết tôi không có hy vọng được nghe hắn đàn, nhưng cứ hỏi :
"Lúc nào cậu có thể cho tôi thưởng thức tài nghệ của cậu ?"
Hắn cười :
"Cậu 'đao to búa lớn' quá. Thưởng thức tài nghệ ! Cậu làm như tôi là một đại danh cầm ấy. Cậu muốn nghe tôi đàn thì...tôi sẽ đàn cho cậu nghe, chỉ sợ lúc đó lại chê là...kéo nhị thôi."
Tôi mừng rỡ :
"Bao giờ? Ngay bây giờ có được không?"
Lưỡng lự một vài giây, hắn hẹn :
"Một tuần nữa, cậu trở lại... Mỗi năm tôi chỉ đàn có một lần."
******
Tôi chờ đúng một tuần mới trở lại nhà Phong. Vì bà chị tôi đoán hôm ấy có thể là ngày giỗ của Nga, tôi đem theo hoa quả và một thẻ hương để cúng người đã khuất. Tôi phải đợi hơi lâu mới thấy Phong mở cửa. Hôm nay trông hắn có vẻ hơi khác lạ. Buồn bã, phờ phạc, ngơ ngác, như mất ngủ, như trong cơn mộng mị. Hắn lặng lẽ mở cửa cho tôi, rồi đứng tránh sang một bên nhường lối cho tôi bước vào nhà. Rồi chúng tôi vào phòng trong sau khi hắn khép cửa và cài then cẩn thận. Tôi để đồ cúng lên bàn nước rồi nói vắn tắt :
"Để cúng Nga !"
"Sao cậu biết hôm nay là ngày giỗ Nga ?" Hắn ngạc nhiên hỏi.
Nhưng liền sau đó, không cần đợi tôi trả lời, hắn mang đồ cúng lên gác ngay. Tôi lên theo hắn. Bàn thờ Nga hôm nay hơi khác. Tấm ảnh của Nga không còn để trên hộp đàn nữa mà đặt trên một bệ gỗ phủ vải điều. Hai bên ảnh có hai cây nến đỏ chưa đốt. Cây đàn được dựng đứng cạnh cây nến bên tay phải. Bát hương có ba cây hương đang cháy. Hai bên có một đĩa gà luộc và một đĩa xôi đậu xanh. Hắn lấy thêm một đĩa lớn để bầy trái cây tôi mang tới. Có lẽ nhà không có bình nên hắn cắm hoa vào một cái ly thủy tinh. Nhờ bó hoa hồng, bàn thờ trở nên sáng sủa và trang nghiêm hơn. Nhìn bàn thờ có vẻ khác trước, hắn nói với một giọng vui vẻ, bằng lòng :
"Ừ, cậu mua hoa khéo đấy... Năm ngoái, giỗ Nga, tôi chỉ đàn cho một mình Nga nghe thôi và định rằng cho đến ngày tôi chết, không ai được nghe tiếng đàn của tôi. Nhưng vì cậu không ở luôn đây và vài hôm nữa cậu lại ra đi, rồi chả bao giờ hai đứa mình có dịp gặp nhau, nên tôi đành chiều ý cậu."
Quả thật, tôi không tính trở về quê một lần nữa vì tuổi già, đi lại mệt mỏi, khó khăn. Bầy xong hoa và trái cây lên bàn thờ, hắn lại đưa tôi xuống dưới nhà. Lần này hắn mời tôi uống chè tươi nóng và ăn kẹo vừng. Chè tươi và kẹo vừng làm tôi nhớ lại những ngày thơ ấu xưa. Kẹo vừng, kẹo bột là món quà mà bọn "trẻ ranh" chúng tôi đều thích. Nơi chôn nhau cắt rốn của chúng tôi là một tỉnh lỵ quê mùa, nên quà bánh cũng đều là đặc sản mang phong vị quê hương. Sau này, khi sinh sống ở miền Nam, tôi ít có dịp được thưởng thức lại loại quà bánh đúng hương vị của thời thơ ấu. Đến quá trưa, tôi bắt đầu sốt ruột, không thấy Phong nhắc đến chuyện cúng giỗ. Nhưng vì lịch sự, tôi không dám hỏi han hoặc thúc giục, nghĩ rằng hắn phải có lý do nên chưa bắt đầu. Chúng tôi uống hết một ấm chè tươi và ăn thêm đĩa kẹo vừng nữa. Tôi thực sự sốt ruột, lén nhìn đồng hồ tay nhiều lần. Khi thấy đã đúng 1 giờ, tôi toan lên tiếng thắc mắc thì Phong bỗng đứng lên, nói :
"Nào, mình lên cúng !"
Rồi hắn giải thích về sự chậm trễ :
"Nga mất lúc 1 giờ 7 phút."
Tôi lẳng lặng đi theo hắn. Đứng trước bàn thờ Nga, hắn có một vẻ nghiêm trang khác thường. Hắn thay một tuần hương khác và đốt nến. Ánh nến chập chờn trước ảnh Nga làm nàng như ẩn như hiện. Cái vẻ ngây thơ, nhí nhảnh dưới ánh nến lung linh trông càng quyến rũ hơn. Phong đứng thẳng người, chắp hai tay trước mặt, lẩm nhẩm khấn. Tôi đứng sau hắn, cách một khoảng ngắn, chắp tay trước ngực, nói nhỏ chỉ đủ tôi nghe: "Cô Nga, xin Cô về chứng giám cho mối tình chuyên nhất của Phong. Mối tình thầm lặng này không biết khi sống Cô có rõ không? Nhưng tôi tin rằng ở trên cõi đời này chỉ có Phong là người chung thủy như vậy..."
Tôi chưa khấn xong thì đã nghe tiếng đàn của Phong. Tiếng đàn thoạt tiên nhẹ nhàng, dìu dặt, dần dần trở nên réo rắt, dồn dập. Tôi cảm thấy như có một luồng sóng âm thanh tràn vào đầy ắp tâm hồn tôi. Rồi luồng sóng đó như có sức mạnh xô đẩy tôi rơi vào một khoảng mơ hồ, mộng ảo, dẫn tôi lạc tới một thời điểm rất xa xôi trong dĩ vãng. Tôi bỗng thấy Nga mặc áo dài nâu nhạt. Cô bé ít khi mặc áo dài, trừ hai trường hợp: đi học và đi lễ chùa với mẹ, bà Phán Định. Thường thường cô mặc áo ngắn để dễ chạy nhảy, vui đùa với bạn. Hôm ấy cô đi chùa. Màu nâu làm nổi bật nước da trắng hồng. Cô khoan thai đi bên cạnh mẹ. Bà Phán mặc áo dài màu đậm (tôi không nhớ rõ là màu gì). Bà cũng là một người đẹp của tỉnh tôi. Hai mẹ con đi thong thả trên hè phố, khiến nhiều người hai bên đường ngừng tay làm việc để nhìn theo, để trầm trồ khen ngợi. Quả thật mẹ cũng đẹp mà con cũng xinh. Dòng nhạc bỗng thay đổi, như cuồn cuộn, như ríu rít. Tôi bỗng nhớ tới một cô Nga bé nhỏ, tinh nghịch và duyên dáng. Nga chơi đùa với bạn gái cùng trang lứa một cách hồn nhiên, cười nói cởi mở, như không biết mình có một nhan sắc quyến rũ khiến nhiều cậu trai mơ tưởng. Những cô gái biết mình xinh đẹp thường làm ra vẻ yểu điệu, e thẹn. Hay Nga không biết mình đẹp, không biết mình quyến rũ? Nhưng chính cái vẻ tự nhiên của Nga càng làm cô xinh đẹp hơn. Tôi chỉ biết Nga khi cô mới mười bốn mười lăm, rồi chiến tranh làm chúng tôi tan tác mỗi người mỗi ngả. Sau này, khi trở thành một thiếu nữ xinh đẹp trong thời chiến, cô có thay đổi, có trở nên kênh kiệu không? Tôi đoán rằng tính hồn nhiên, vẻ giản dị vẫn là nét duyên dáng đặc biệt nơi cô, không thể thay đổi.
Tiếng đàn bỗng tắt. Dòng nhạc đang cuồn cuộn bỗng tắt ngấm. Một khoảng trống im lặng bao trùm cảnh vật chung quanh. Nhưng tôi có cảm giác mình vẫn đang bềnh bồng trôi trên một dòng nước êm đềm của dĩ vãng. Tôi vẫn nhìn thấy nụ cười tươi tắn của Nga, vẫn trông thấy đôi mắt sáng và tinh nghịch của cô bé. Cái khoảng im lặng ngắn ngủi ấy bỗng bị phá vỡ bởi một dòng nhạc mới. Tôi nhìn Phong, thấy hắn quỳ trước bàn thờ Nga. Tiếng đàn như nức nở, như than khóc. Tôi nghĩ tới một đám tang. Có những tiếng gào khóc ai oán xen với những tiếng thút thít, nghẹn ngào. Trước mắt tôi, nhiều bóng người qua lại như những bóng ma, vây quanh một chiếc quan tài chưa đậy ván thiên. Tôi không lại gần nên không biết người nằm trong đó già hay trẻ. Tôi mơ hồ đoán rằng đây là đám tang của Nga. Chính vì vậy tôi không dám lại gần áo quan vì tôi muốn giữ mãi hình ảnh một cô Nga bé nhỏ, hồn nhiên. Lòng tôi nao nao buồn, thổn thức. Tiếng vĩ cầm mỗi lúc một trầm xuống, ngân dài như một tiếng thở não nuột, như một tiếng rên khóc bi ai. Có lúc lại như những tiếng nấc đau đớn. Mắt tôi nóng ran và đẫm ướt. Hơi thở như vướng lại trong lồng ngực, không sao thoát ra ngoài được. Lòng tôi thắt lại, tim tôi như ngừng đập. Đúng lúc đó một tiếng động lớn làm tôi giật mình. Tôi nhìn Phong thì thấy hắn đã nằm phục xuống sàn gác, cây đàn văng sang một bên, sát đầu hắn. Có thể khi cơn xúc động lên cao độ hắn buông rơi cây đàn. Hai vai hắn rung nhè nhẹ. Sự việc trước mắt làm tôi ngỡ ngàng. Tôi không ngờ hắn vẫn yêu Nga tha thiết như vậy, yêu đến khổ đau, đến dại khờ.
Không muốn phá rối hắn trong cơn xúc động mạnh, tôi nhẹ nhàng bước xuống nhà dưới. Trong đời, tôi đã chứng kiến nhiều đổi thay, từ ngoại cảnh đến nội tâm, nên vẫn tin rằng chẳng có gì tồn tại vĩnh viễn dưới ánh mặt trời. Nhưng hôm nay, niềm tin tưởng đó bị lung lay. Mối tình của Phong - một mối tình thầm lặng, đơn phương - không tàn phai theo năm tháng. Phong vẫn yêu, dù không được yêu lại. Tôi không rõ trước khi Nga lấy chồng, hắn đã tỏ tình chưa? Suốt quãng đời độc thân, lẻ loi, hắn vẫn ôm ấp hình ảnh một cô Nga bé nhỏ ngày nào. Tình yêu như thế có lẽ chỉ có một trên cõi đời vô thường này.


TẠ QUANG KHÔI (10-2000)

Không có nhận xét nào: