Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2019

Những ngày đầu làm báo - Viên Linh


Nhật báo Tiếng Chuông.
Thuở nhỏ bước vào nghề cầm bút, tôi không làm thơ mà viết văn, sau này được gọi là nhà thơ, thực tế tôi không nghĩ đến thơ, ít ra là cho tới khi đã có nhiều truyện ngắn đăng báo, sau đó một thời gian tôi mới nghĩ đến vần điệu.Tôi bước chân vào nghề báo trước hết, làm báo trước khi làm thơ hay viết văn, giản dị là khi nộp đơn xin việc trong nhật báo Ngôn Luận, tôi không xin vào đó để làm thơ hay viết văn: tôi xin vào đó để làm báo. Còn nhớ đó là năm 1955, Sài Gòn lúc ấy có khá nhiều báo, ra góc phố nào cũng thấy có sạp báo, nhất là ở những ngã tư nhộn nhịp.
<!>
Khoảng năm 1955 ở Chợ Thiếc có một sạp báo gần Trại Học Sinh Di Cư Phú Thọ, tôi hay ra đó xem báo “cọp.” Khoảng Thứ Năm tờ báo có trang Học Sinh, tôi thường gửi bài cho trang đó, nên cứ vào Thứ Năm ra coi xem họ có đăng thơ văn mình gửi không. Không bao giờ họ đăng cả. Cho nên không bao giờ tôi mua một tờ báo nào ở sạp báo đó hết, định bụng là cũng sẽ mua nếu bài mình được đăng, nhưng họ không đăng.
Trong các báo tuần tôi gửi thơ cho báo Bông Lúa, báo Gió Mới, báo Văn Nghệ Tiền Phong, có một tờ đăng ngay, nay tôi lại quên tên song tôi có thiện cảm ở tờ này vì trông tờ báo sáng sủa. Tôi ghé thăm tờ báo và gặp anh thư ký tòa soạn tên là Giang Tân. Anh ăn nói nhỏ nhẹ, tươi cười. Anh cho biết thơ đăng báo không có nhuận bút.
Nhật báo Ngôn Luận có mục “Mỗi Ngày Một Chuyện,” truyện nào được đăng, tác giả được trả một trăm, nhưng nếu muốn có nhuận bút, khi gửi bài tới tòa báo, nhớ ghi “bài có nhuận bút;” nếu không ghi mà tờ báo đăng lên, họ cũng không trả nhuận bút. Có thiếu gì những người muốn tên mình được đăng lên báo mà không cần được trả nhuận bút.
Năm 17 tuổi, một giáo sư tư thục dạy môn Lý Hóa thấy tôi có khiếu văn chương, tự dưng hỏi tôi có muốn đi làm báo không, anh có người bạn đang làm giám đốc nhật báo Ngôn Luận. Anh cư ngụ trong Cứ Xá Sinh Viên nơi Ngã Bảy, thấy tôi hay vào đó thăm anh Lê Huy Oanh, nên hỏi nếu có muốn đi làm báo anh sẽ giới thiệu cho, được hay không thì không biết. Anh viết vài dòng vào một tờ giấy, bảo tôi tới nhật báo Ngôn Luận tìm ông Lê Tâm Việt bạn học anh, tôi làm theo lời anh. Ông Việt nói mai đi làm thử coi, được hay không tùy theo quyết định của ông tổng thư ký tòa soạn.
Tòa báo Ngôn Luận nằm trên đường Lê Lai bên hông nhà ga xe lửa, tôi mang giấy giới thiệu tới, được bảo mai đi làm thử. Việc đầu tiên khi đến là được ông Thái Lân chỉ cho đống báo bừa bộn trong ngày, bảo ngồi đó mà đọc, muốn đọc gì thì đọc.
Ba ngày sau ông nói: “Trong ba ngày từ hôm nay cậu tới đọc đống báo đó xem báo chí người ta tường thuật tin tức ra sao, rồi tự động đi các nơi lấy tin, hỏi han, như tới Tổng Liên Đoàn Lao Công, Lao Động, Lực Lượng Thợ Thuyền lấy tin, hỏi xem có nơi nào người ta đình công thì tới hỏi thăm rồi về viết bài, tới chỗ nào thấy đánh nhau xô xát thì hỏi chuyện gì xảy ra viết bài… Hay đi phòng trà ca nhạc thấy xung đột thì quan sát tìm hiểu… Dễ ợt à!”
Làm năm bảy ngày kiểu đó tôi thấy chán, đi tới chỗ thợ thuyền hội họp tôi thấy chẳng có gì đáng viết, cũng may một hôm ông tổng thư ký bảo tôi: “Mai cậu tới chỗ này nhé, sửa soạn giấy tờ nếu có máy ảnh càng tốt, thấy gì thì tường thuật, phỏng vấn, nhận xét. Làm báo dễ ợt à!”
Hôm sau tôi được tòa báo chỉ định sửa soạn đi theo dõi tường thuật Cuộc Đua Xe Lạp Vòng Quanh 6 Tỉnh Nam Kỳ, tôi đại diện tờ báo theo cuộc đua, với giấy tờ chứng nhận chính thức. Ông giám đốc trị sự tờ báo mời tôi vào văn phòng, cho biết trong vòng ba ngày tôi sẽ đại diện tờ nhật báo đi theo tường thuật cuộc đua, và luôn thể tường thuật dân tình sáu tỉnh trong Chiến Dịch Trương Tấn Bửu.
Tôi đã đi Chiến Dịch Rừng Sát nay lại được cử đi Chiến Dịch Trương Tấn Bửu. Qua hai chiến dịch này tôi được gọi chung trong nhóm “phái đoàn báo chí thủ đô” và trở thành bạn đồng nghiệp chính thức với các ký giả như Quốc Phượng, Anh Quân, Dzoãn Bình, Lê Công Minh, nhóm ký giả nhà nghề đương thời thuộc các báo Tiếng Chuông, Tia Sáng, Lẽ Sống, Tiếng Dội, Dân Ta… Trước đó tôi làm trang trong các nhật báo Dân Ta, Tiến, là các trang trong 2, 7 hay 4, 5, ít khi xuất hiện bên ngoài. Sau hai chiến dịch này tôi các vùng I, vùng IV, và vài nơi khác ngoài Sài Gòn.
Làm báo hằng ngày khác với giới báo chí nói chung, báo hằng ngày có giới trang trong và giới trang ngoài. Giới trang ngoài là giới làm tin, liên lạc đa phần với các phóng viên; giới trang trong liên lạc nhiều với các nhà văn, các biên tập viên, khá cách biệt với những người làm tin tức chính trị thời sự, chính trường, chính sự…
Một cách đại thể là như thế, làng báo Việt Nam hiện nay không còn giống với làng báo Việt Nam ba, bốn mươi năm trước. Ngay tờ báo cũng không tương tự nữa. Xưa người ta giữ gìn tờ báo như một sản phẩm văn hóa hay sản phẩm ấn loát, ngày nay tờ báo là tờ báo, tin tức là tin tức, độc giả và người làm báo không còn sự hệ nồng ấm như trước.
Hộp thư tòa soạn của một tờ báo thuộc các thế hệ trước có khi chiếm cả một phần tư trang, nay xem ra không còn. Ngay cả sự “thư đi tin lại” hầu như cũng không còn là sự đối đáp hay trao đổi. Thế giới và cuộc sống ngày càng bao la, sự đọc và sự viết không còn như trước. Ngày nay có được sự ghi nhận giữa hai bên đã là hiếm hoi rồi. 
Viên Linh

Không có nhận xét nào: