Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2019

MỪNG PHẬT ĐẢN NĂM 2019 - THIÊN THƯỢNG THIÊN HẠ DUY NGÃ ĐỘC TÔN - Trần Chí Phúc VB

Hơn hai chục năm trước, khoảng thập niên 90, tôi cùng một vài bằng hữu Phật tử lái xe từ San Jose xuống Quận Cam , trong đó có Lý Khôi Việt (đã mất), giáo sư Vũ Thế Ngọc, giáo sư Nguyễn Châu; thăm một số bằng hữu trong giới trí thức Phật giáo nhân mùa Phật Đản. Trong buổi hội ngộ, tôi bỗng đặt ra câu hỏi rằng câu nói “ Thiên Thượng Thiên Hạ Duy Ngã Độc Tôn” ( Trên trời dưới đất chỉ có ta là số một ), thật sự có ý nghĩa là gì. Lập tức có người giải thích rằng chữ NGÃ ở trong câu này không phải là cái TÔI đầy kiêu căng mà là Tiểu Ngã, Đại Ngã… và người đó nói miên mantrong dòng lý luận mang chất triết học mênh mông của Phật giáo.
<!>
Lúc đó, anh Vũ Thế Ngọc nói rằng phải biết câu nói này nằm ở trong kinh nào, rồi mới suy nghĩ tìm hiểu ý nghĩa. Và tất cả im lặng vì lúc đó, không ai biết cái câu “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” xuất xứ từ đâu.
Câu chuyện đó tôi mãi nhớ. Hôm nay ngồi trước máy vi tính, vào Google gõ chữ “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” thì mới biết rằng có 4 câu đi liền với nhau : “ Nhất thiết thế gian, sinh lão bệnh tử, thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.
 Và tôi hiểu theo ý mình rằng : trên thế gian mọi người đều bị qui luật sinh ra rồi già đi, rồi bệnh rồi chết; chỉ có ta ( Đức Phật ) là người duy nhất thoát khỏi cái qui luật đó” . Tôi tạm chấp nhận sự giải thích đó về 4 câu trên, mặc dù biết rằng Đức Phật cũng già yếu, rồi bệnh rồi mất ở tuổi khoảng tám mươi; theo sử sách ghi lại.
Cũng nên biết rằng Đức Phật sinh ra 2643 năm trước, thời đó không có máy thu âm, máy ghi hình; và sau khi ngài mất thì đệ tử là A- Nan kể lại lời giảng của ngài để người đời sau ghi lại và trở thành Kinh. Cho nên các Kinh đều có câu mở đầu “ Như thị ngã văn” ( Ta nghe như thế này ).
Cũng nên biết rằng đa số kinh điển của Việt Nam từ xưa đều dịch ra từ chữ Tàu. Cái câu Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn là dịch âm từ chữ Tàu, ta gọi là âm Hán Việt. Mà kinh chữ Tàu dịch ra từ chữ Sankrist, chữ Pali của xứ Ấn Độ thời xưa.
Tôi nghĩ rằng câu chuyện Đức Phật khi mới sinh ra bước đi 7 bước và dưới gót chân là đóa hoa sen; một tay chỉ trên trời một tay chỉ dưới đất nói 4 câu kệ trích ở trên chỉ là huyền thoại.
Tôn giáo nào cũng đều có huyền thoại và các tín đồ tin vào huyền thoại đó vì Niềm Tin là yếu tố cần phải có trong tôn giáo. Tin hay không tin chứ không cần phải lý luận.
Nhưng Đạo Phật ngoài yếu tố Niềm Tin còn có yếu tố Trí Tuệ đi kèm. Trí Tuệ là Thập Nhị Nhân Duyên, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo… Nếu chỉ có Niềm Tin thôi thì Phật Giáo giống như một số tôn giáo khác dựa vào đấng thần linh và cầu nguyện. Nếu Phật Giáo chỉ có Trí Tuệ thôi thì giống như các triết gia Tây Phương ngồi suy tư và tạo ra một hệ thống triết học và cuối cùng vẫn bế tắc vì không tìm ra câu giải đáp rốt ráo của nhiều vấn đề trong thế giới này.
Để giải quyết sự bế tắc của lý luận thì phải dựa vào Niềm Tin. Như có linh hồn hay không, chết rồi đi đâu, ai tạo ra vũ trụ này…thì không có câu trả lời; mỗi người tự tìm câu giải đáp.
Cá nhân của tôi thì trong khi ngồi viết dòng chữ này vẫn băn khoăn về cái câu hỏi rằng chết rồi hồn mình đi đi đâu hay chết rồi là thân xác tan rã, ý thức cũng không còn.
Tìm hiểu trong kinh sách thì Đức Phật cũng không giảng rõ ràng. Ngài bảo rằng Đạo của ngài là giúp cho người ta bớt khổ chứ không bàn sâu về những chuyện kia để tạo nên những tranh luận không có kết cuộc.
Hôm nay tôi đã tìm được câu trả lời để giải quyết những thắc mắc của nhân sinh trong đó có mình. Rằng thế giới này, vũ trụ này bao la vô cùng, con người không bao giờ khám phá và hiểu cho hết. Trí thức của nhân loại càng ngày tiến bộ nhưng dù có tiến bộ thì cũng chỉ mãi mãi tiến vào phía trước mà không bao giờ tới đích. Chưa nói tới chuyện tới một quãng thời gian nào đó; nhân loại sẽ tự hủy diệt vì một lý do nào đó không ai biết được.
Chấp nhận sự giới hạn của tri thức loài người trong đó có mình cho nên tôi không còn thắc mắc, lo nghĩ về chuyện triết lý cao xa kia. Đôi khi chính sự hoang mang, không rõ ràng về câu hỏi muôn đời kia cũng là sự thú vị cho cuộc đời.
Mừng Phật Đản năm 2019 tức Phật Lịch 2563, nghĩa là Đức Phật đã sinh ra từ 2563 năm trước. Hôm nay nhân loại đã hiểu biết nhiều; nhưng vào thời điểm đó những lời giảng của Ngài rất mới, rất giá trị vả được Phật tử ghi nhớ và thực hành.
Trong những đêm khuya cô tịch, chợt thức giấc, đôi khi tâm hồn xáo trộn vì những ý tưởng buồn lo, hoang mang;  tôi nhắm mắt nghĩ tới hình ảnh Đức Phật ngồi thiền dưới gốc cây Bồ Đề, trong đêm trăng sáng bên bờ sông.
 Ngài ngồi một mình và suy tư và tìm ra con đường để giúp giải thoát chúng sinh thoát khỏi vòng đau khổ. Hình ảnh đó khởi lên trong lòng tôi sự kính phục, niềm hân hoan, sự an lạc và tôi niệm thầm Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật và dần dần chìm vào giấc ngủ an lành.
Hôm nay là ngày giỗ ba tôi, ông mất ngày 13 tháng tư âm lịch, trước rằm tháng tư Phật Đản hai ngày cho nên dễ nhớ.
Xin viết mấy dòng xưng tụng Mùa Phật Đản 2563. Mong bạn đọc có những giây phút an lạc khi suy tưởng về Đức Phật.  
California, Mùa Phật Đản 2563

Không có nhận xét nào: