Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2019

Hai vì sao băng trong chòm sao Bắc Đẩu bị cộng sản bức tử Gs. Lê Đình Thông


                                               Thi sĩ Vũ Hoàng Chương 
30/04/1975 mở đầu tiến trình bức tử các nhà văn hóa miền nam: từ Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường đến Trần Văn Tuyên, Phạm Văn Sơn, Nguyễn Mạnh Côn v.v. Trong số năm cây bút, Vũ Hoàng Chương và Hồ Hữu Tường bị đầy ải trong ngục tù cộng sản, lúc sắp chết mới được thả ta, từ trần khi về nhà. Ba vị khác là Trần Văn Tuyên, Phạm Văn Sơn, Nguyễn Mạnh Công đều chết trong các trại cải tạo đèo cao hút gió. Cái gọi là cải tạo chỉ có nghĩa là cộng sản cải tạo từ cuộc sống tự do ở miền nam, biến thành cái chết oan khiên trong ngục tù cộng sản. Vì khuôn khổ hạn hẹp, bài báo này chỉ viết về:
- Thi bá Vũ Hoàng Chương (1915-1976), thọ 61 tuổi: ngôi sao bắc đẩu của thi ca Việt Nam;
- và Nhà văn Hồ Hữu Tường (1910-1980), thọ thọ 70 tuổi: cây đại thụ của văn học miền Nam.<!>
Các vị khác:
- Luật sư Trần Văn Tuyên (1913-1976), thọ 63 tuổi.
- Sử gia Phạm Văn Sơn (1915-1978), thọ 63 tuổi.
- Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn (1920-1979), thọ 59 tuổi.
Người viết xin thắp nén hương lòng tưởng niệm.
 
Cái chết trong ngục tù cộng sản nói lên sự dũng cảm của các bậc thức giả miền Nam: uy vũ bất năng khuất, đối nghịch với văn nô bồi bút cộng sản, bán rẻ ngòi bút để hưởng chút cơm thừa canh cặn.
 
Các vị là sao Tham Lang, Cự Môn, Văn Khúc,  Liêm Trinh, Vũ Khúc trong trong chòm sao Bắc Đẩu sáng chói trên nền trời văn học nước nhà.
 
Xin bắt đầu với nhà thơ họ Vũ, được văn giới tôn vinh là ngôi sao bắc đẩu của thi đàn nước ta.
 
1) Vũ Hoàng Chương (1915-1976)

Ông sinh năm Ất Mão (1915), nhưng nhiều tài liệu ghi là 1916. Quê ông ở phủ Thượng Hồng, tỉnh Nam Định. Ông học chữ hán năm lên 5 với thân phụ là cụ tri huyện Vũ Thiện Thuật. Năm 12 tuổi học tiểu học ở Nam Định, năm 13 tuổi  bắt đầu làm thơ. Năm 22 tuổi, ông vào học lycée Albert Sarraut ở Hà Nội.. Sáu năm sau, thi đậu tú tài I: cổ ngữ la tinh - hy lạp; phần II: toán. Năm 1938, ông học luật nhưng bỏ dở. Năm 1941, ghi tên cử nhân toán nhưng cũng bỏ học, dạy học ở Hải Phòng. Năm 1942: về Hà Nội lập một kịch đoàn cùng với nhà thơ Nguyễn Bính và Chu Ngọc, công diễn vở kịch thơ Vân Muội do ông sáng tác. Năm 1944, ông thành hôn với bà Định Thị Thục Oanh, giáo sư trung học, chị ruột nhà thơ Đinh Hùng (có tài liệu ghi nhầm là “em gái”).  
 
1948: xuất bản tập Thơ Lửa, cùng với Đoàn Văn Cừ.
1951: công diễn: Tâm sự Kẻ sang Tần.
1959: xuất bản: Hoa Đăng (Văn Hữu Á Châu)
1960: tái bản  Thơ Say và Mây, Vân Muội, Trương Chi, Hồng Điệp.
1970: Ta Đợi Em Từ Ba Mươi Năm.
1971: Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai.
1974: Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau. Ta Làm Chi Đời Ta.
 
Bút tự của Vũ Hoàng Chương (tài liệu: Đặng Tiến)
 
Ngoài việc làm thơ, Vũ Hoàng Chương dạy học ở trường Chu Văn An và Văn Lang (Saigon). Trang web của Hội Ái Hữu Học Sinh Chu Văn An Bắc California có bài “Tại sao Vũ Hoàng Chương bị bắt” của Phạm Nguyên Khôi, xin trích như sau:
 
“…Cùng thời với Vũ-hoàng-Chương còn có rất nhiều văn nhân thi sĩ khác cùng nổi tiếng trên văn thi đàn, trong đó có Huy-Cận (tên thật là Cù-huy-Cận) sinh năm 1919. Huy-Cận cũng là một nhà thơ nổi tiếng, điển hình là bài “Ngậm ngùi” đã được phổ nhạc mà chúng ta thường nghe. Huy-Cận kém Vũ-hoàng-Chương ba tuổi và xuất bản tập thơ đầu “Lửa Thiêng” sau khi Vũ-hoàng-Chương đã có thi tập “Thơ say” và “Mây” đang sắp phát hành. Vì thế Huy-Cận coi thi sĩ Vũ như anh.
 
Một hôm Huy-Cận bất ngờ gặp Vũ-hoàng-Chương và  rủ Ông đi ăn phở. Vì mới ra tập thơ đầu lại cũng có ý thân mật so sánh nên Huy-Cận nửa đùa nửa thật vỗ vai Vũ-hoàng-Chương nói rằng:
 
“Đã lâu lại gặp ‘chàng Say’
‘Lửa Thiêng’ xin đốt chờ ‘Mây’ xuống trần
 
 Vũ-Hoàng-Chương cũng hơi khựng một chút, nhưng vui vẻ đáp ngay:
 
‘Mây’ kia chẳng chịu xuống  trần
Lửa ơi theo khói lên gần với  ‘Mây’.
 
Hai người đối đáp với nhau như thế, vừa có ý kiêu ngạo, vừa có ý thân thiện, thật xứng đôi. Rồi thời gian trôi qua, năm 1946 Huy-Cận ra bưng theo kháng chiến dùng thi tài của mình để phục vụ bác và đảng, được sủng ái nên đã có thời leo lên đến chức thứ trưởng bộ Văn hóa. Vũ-hoàng-Chương thì chạy tản cư, cũng có làm một số bài thơ ái quốc, nhưng sau đó hồi cư về lại Hanoi rồi di cư vào Saigon theo hiệp định Genève năm 1954, vẫn tiếp tục nghiệp thơ và sinh sống bằng nghề dạy học.
 
Vật đổi sao dời, năm 1975 miền nam bị bỏ rơi và cộng sản thắng đại cái “đại thắng mùa xuân”. Và hai thi nhân lại có dịp gặp nhau trong hoàn cảnh éo le quốc cộng. Huy-Cận được cử vào Saigon cùng với một phái đoàn với mục đích thăm dò và chiêu dụ các văn nghệ sĩ miền Nam.
 
Dĩ nhiên người mà Huy-Cận muốn gặp đầu tiên là Vũ-hoàng-Chương, cũng vì tình bạn cũ và cũng nghĩ rằng nếu chiêu dụ được Vũ theo cách mạng thì mình lập được công lớn. Vì vậy Huy-Cận đã sửa soạn cuộc thăm viếng rất trọng thể. Lễ vật đến thăm Vũ-hoàng-Chương gồm một chai rượu quí, một lọ đầy thuốc phiện và cũng không quên mang theo một bức hình Hồ chí Minh. Rượu và thuốc thì để biếu bạn, còn bức hình thì Huy-Cận ước mong sẽ được Vũ-hoàng-Chương đề tặng cho mấy vần ca ngợi để có bằng chứng báo cáo lấy công đầu.
 
Cuộc gặp gỡ diễn ra tốt đẹp sau bao năm xa cách. Vũ-hoàng-Chương đón Huy-Cận như một bạn cố tri nồng nàn vui vẻ. Sau khi Huy-Cận ngỏ ý muốn Vũ đề thơ thì Ông trầm mặc không nói gì. Huy-Cận khi ra về có hẹn ba ngày sau sẽ cho người đến xin lại bức hình, Vũ-hoàng-Chương cũng chỉ ậm ừ tiễn bạn.
 
Đúng ba ngày sau khi nhân viên của Huy-Cận tới thì thấy trên bàn vẫn còn y nguyên hai món lễ vật và bức hình, Vũ-hoàng-Chương không hề đụng tới mặc dù rượu với thuốc phiện đối với Ông là rất quí hiếm. Còn bức hình thì vẫn chỉ là bức hình như khi đem tới, không một nét chữ đề. Được báo cáo lại, dĩ nhiên là Huy-Cận tím mặt. Nhưng Ông biết tính họ Vũ là ngưòi không dễ lung lạc nên cũng đành thôi.
 
Vũ-hoàng-Chương, ông quả là một người có khí phách. Ông có một cơ hội an thân nhưng Ông đã không làm, chỉ vì tấm lòng Ông “một tấc thành” nên Ông phải giữ tiết tháo không a dua theo thời cuộc. Thế là lại có thêm một cái ‘họa’. Nhưng như thế vẫn chưa hết.
 
Chê thơ Tố-Hữu và dạy cộng sản cách làm thơ.
 
Theo một bài đăng  trên “net”  của tác giả Sông-Lô viết về Vũ-hoàng-Chương nhận xét thơ Tố-Hữu, được biết phái đoàn từ bắc vô nam cùng với Huy-Cận như đã nói ở đoạn trên còn có nhiều nhân vật sáng giá khác như Tố-Hữu,  Hoài-Thanh, Xuân-Diệu, Vũ-đình-Liên…. Phái đoàn được ký giả nằm vùng Thanh-Nghị tiếp đón và tổ chức một đêm”họp mặt văn nghệ” với các nhân vật gạo cội miền Nam để cùng đánh giá văn hoá hai miền ngõ hầu thống nhất tư tưởng về một mối. Buổi họp này Vũ-hoàng-Chương đã được mời và có tham dự. Đề tài được đưa ra là mấy câu thơ của Tố-Hữu đã làm để khóc Stalin khi ông trùm đỏ Nga-sô  này chết vào năm 1953. Hai câu thơ đã gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cùng đầy đủ tiếng khen chê đối với  tên trùm văn nghệ cộng sản này là câu:
 
“Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương ông thương mười “
 
Thanh-Nghị với tư cách nằm vùng theo cộng sản từ lâu, coi như đại diện miền nam, dĩ nhiên ca ngợi thơ Tố-Hữu hết mình. Rồi lần lượt đến Xuân-Diệu, Huy-Cận, Vũ-đình-Liên từ ngoài bắc vào lên diễn đàn thì khỏi nói. Cũng cần có một tiếng nói miền nam cho xôm tụ, cho nên Hoài-Thanh khẩn khoản mời Vũ-hoàng-Chương lên phát biểu với dụng ý là họ Vũ, một thi bá đương thời, nhưng vốn người trầm mặc hiền hoà chắc cũng chỉ vuốt theo mà không nói điều gì nghịch ý. Xin trích nguyên văn sau đây một đoạn của Sông-Lô:
 
“Ai đã biết Vũ-hoàng-Chương ắt phải biết cái đanh thép bên trong tấm thân nhỏ bé ọp ẹp của ông. Đôi ba lần tạ từ không được, đành nhảy vào ưỡn ngực “ hò kéo pháo”, nhưng trước khi vào cuộc họ Vũ đã yêu cầu cử tọa thông cảm nếu có chỗ nào thất thố vì ông sợ rằng những gì ông muốn trình bày sẽ làm tổn thương cái  ‘sáng giá’  của đêm họp  ‘văn nghệ đặc biệt’ này, bởi vì ‘tất tần tật’ đã thẩm định rồi.”
 
Sau đây là lời của Vũ-hoàng-Chương:
 
“Thi nhân từ cảm xúc mỗi lúc tác động vào tâm cảnh của mình, để hồn trí phản ứng theo thất tình con người mà vận dụng thi tứ phổ diễn nên lời một tình tự nào đó, rồi đãi lọc thành thơ. Sự vận dụng càng xuất thần, việc phổ diễn càng khẩu chiếm, thơ càng có giá trị cao.
 
Cảm xúc trước cái chết của một thần tượng được ‘đóng khung’ tự bao giờ trong tâm cảnh mình, Tố-Hữu đã xuất thần vận dụng nỗi u hoài, phổ diễn nên những lời thơ thật khẩu chiếm, rồi dùng những từ thật tầm thường, ít thi tính, đãi lọc nỗi u hoài của mình thành một tiếng nấc rất tự nhiên, đạt đến một mức độ điêu luyện cao. Lời thẩm định của Thanh-Nghị thật xác đáng, tôi chịu. Nhưng thơ không phải chỉ có thế. Xuất thần khẩu chiếm thuộc phạm vi kỹ thuật, dù đã có thi hứng phần nào, và nếu chỉ có thế thì thơ chỉ có khéo mà thôi, chưa gọi là đạt; tức chưa phải là hay. Thơ hay cần phải khéo như thế vừa phải đạt thật sự. Thi hứng nằm trong sự thực của tình tự phổ diễn nên lời. Tình tự mà không thực, lời thơ thành gượng ép. Vấn đề của thơ, nói cho đến nơi, là ở đây, có nghĩa là thơ phải thực.
 
 Tố-Hữu đặt tiếng khóc của chính mình vào miệng một bà mẹ Việt Nam, muốn bà dùng mối u hoài của một nhà thơ để dạy con trẻ Việt Nam yêu cụ Stalin thay cho mình. Cũng chẳng sao vì đó cũng là một kỹ thuật của thi ca; nhưng trước hết phải biết bà mẹ Việt Nam có cùng tâm cảnh với mình không, có chung một mối cảm xúc hay không?
 
Tôi biết chắc là không. Bởi trong đoạn trên của hai câu lục bát này trong bài ‘Đời đời nhớ Ông’ Tố-Hữu đã đặt vào lời bà mẹ hai câu:
 
“Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin.”
 
Chắc chắn là không có một bà mẹ Việt Nam nào, kể cả Bà Tố-Hữu, mà thốt được những lời như vậy một cách chân thành. Cái không thực của hai câu này dẫn tới cái không thực hai câu sau ta đang mổ xẻ. Một tình tự không chân thực, dù đươc luồn vào những lời thơ xuất thần, khẩu chiếm đến đâu cũng không phải là thơ đẹp, thơ hay, mà chỉ là thơ khéo làm; đó chỉ là thơ thợ chứ không phải là thơ tiên. Loại thơ khéo này người thợ thơ nào lành nghề cũng quen làm, chẳng phải công phu lắm. Nhất là nếu có đòi hỏi một tuyên truyền nào đó. Tố-Hữu nếu tự khóc lấy, có lẽ là khóc thực, khóc một mình. Nhưng bà mẹ Việt Nam trong bài đã khóc tiếng khóc tuyên truyền, không mấy truyền cảm”.
 
Vẫn theo lời kể của Sông-Lô thì  lời thẩm định này đã gây sôi nổi trong đám thính giả có mặt hôm đó. Muốn phản bác luận điệu của Vũ-hoàng-Chương, có người đã yêu cầu Ông nói về thơ để hòng bắt bẻ này nọ, nhưng Ông vẫn ôn tồn phát biểu:
“Thơ vốn là mộng, là tưởng tượng, là tách rời thực tế, nhưng mộng trên những tình tự thực. Không chấp nhận loại thơ tình tự hoang. Có khoa học giả tưởng, không có thơ giả tưởng. Nói thơ là nói đến thế giới huyễn tưởng, huyễn tưởng trên sự thực để thăng hoa sự thực, chứ không bất chấp, không chối bỏ sự thực. Nhà thơ không được láo; nhà thơ phải thực nhưng thoát sáo sự thực thành mộng để đưa hồn tính người yêu thơ vươn lên sự thực muôn đời đạt đến chân lý cuộc sống. Thiên chức thi ca là ở chỗ đấy.
 
“Tôi xin nhắc; sự thực muôn đời là cơ sở duy nhất của thi ca; vì có sự thực cho riêng một người, có sự thực cho riêng một thời, nhưng vẫn có sự thực cho muôn đời, sự thực bao quát không gian, thời gian, chân lý cuộc sống.”
 
Sau đêm hôm ấy, hình như có một buổi họp khẩn cấp của các “nhân vật then chốt” cộng sản, và Vũ-hoàng-Chương đã bị bắt. Như vậy cái tội phản động của thi sĩ họ Vũ không phải là một mà có đến ba: bắt đầu từ bài thơ thời sự, kế đến không nể nang tình bạn và sau cùng là đã dạy khôn cho kẻ đang thắng thế. Theo Sông-Lô thì Vũ-hoàng-Chương không phải là người dại, cũng không phải người can đảm mà Ông chính là người của tự do không phải quị lụy trước bất cứ một áp lực nào.”
 
Trích đoạn trên đây nói lên khí phách của nhà thơ miền Nam trước sự thấp hèn của những kẻ dối lòng, tự biến thành ông cai văn nghệ, ra oai tác quái với những cây bút chân chính. Nhưng không chỉ có thế. Di ngôn của thi bá họ Vũ còn là bản tuyên ngôn của các nhà văn, nhà thơ chân chính, không bẻ cong ngòi bút, chỉ nói lên những điều mắt thấy tai nghe, cho dù vì nói thật, nói thẳng mà phải mất mạng.
 
Vũ Hoàng Chương thẳng thắn phê bình bài thơ của Tố Hữu nịnh bợ Staline vốn là đồ tể trời tây. Theo sử gia Norman M... Naimark chuyên về thời kỳ xô viết của Đại Học Stanford, trong thập niên 30, Staline ra lệnh cho cục Goulag bắt giam rồi hạ sát từ 15 đến 20 triệu người vô tội trong các trại tập trung ở miền băng giá Sibérie. Con gái Staline là Svetlana cảm thấy nhục nhã, từ bỏ họ cha, lấy họ mẹ Allilouïeva, tỵ nạn chính trị ở Hoa Kỳ. Vậy mắc mớ gì mà Tố Hữu bẻ cong ngòi bút, thương vay khóc mướn đao phủ thủ giết người không gớm tay:
 
Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin.
 
Ta hãy so sánh giữa vần thơ giả tạo của Tố Hữu và bài thơ nói lên thực trạng miền nam vào ngày tết âm lịch đầu tiên vắng bóng cờ vàng.
 
Mỗi độ xuân về, Vũ Hoàng Chương lại làm một bài thơ khai bút. Vào Tết Bính Thìn (1976), nhà thơ họ Vũ “Vịnh Tranh Gà Lợn”. Chỉ với 8 câu thơ, mỗi câu 7 chữ  (8 x 7 = 56 chữ), thi bá tuyên chiến với cả chế độ qua bài “Vịnh Tranh Gà Lợn”. Bản chép sau đây của bà Vũ Hoàng Chương cất giữ và trao cho nhà văn Đặng Tiến:    
 
Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành
Gà lợn, om sòm rối bức tranh
Rằng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh
 
Ta hãy nghe bà Vũ Hoàng Chương chú giải bài thơ, do nhà văn Đặng Tiến công bố: “Thơ có họa có ba nghĩa: thơ có xướng thì phải có họa, gọi là thơ xướng họa; thơ phản nghịch là tai họa; và thơ họa (vẽ) ra tranh. Vũ Hoàng Chương nổi tiếng là uyên bác: thơ ông thường sử dụng nhiều điển cố. Đặc biệt bài này ông sử dụng tục ngữ, theo truyền thống Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Bà Vũ Hoàng Chương lưu ý đến những tục ngữ: “rừng có mạch,  vách có tai”; “xanh vỏ đỏ lòng”. Nhưng còn nhiều thành ngữ, tục ngữ khác như: “tranh  tối tranh sáng”, “mắt xanh”, “mắt quáng gà”, “gà cùng một mẹ”, “lợn âm dương”, “con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”. “Khúc tân thanh” ngụ ý “đoạn trường”. 
Bố cục thất ngôn bát cú 七言八句 của bài “Vịnh Tranh Gà Lợn” như sau:
 
Đề 題 (phá đề và thừa đề): bối cảnh nhiễu nhương miền Nam vào năm 1976, gà và lợn “ám chỉ”: Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng. Họ “om xòm”, huênh hoang với cái “đại thắng mùa xuân”, cả miền Nam vật đổi sao dời.
 
Thực 實: “thơ có họa”: nghĩa đen là trong thơ có họa; nghĩa bóng nói lên tình trạng công an đêm ngày rình rập, quấy nhiễu dân lành, sau cùng nhà thơ cũng phải mang họa vào thân. Lòng đỏ là việt hóa chữ đan tâm là 丹心, tác giả dùng phép ẩn dụ (métaphore) để nói lên bạn bè thân quen, đối lại với mắt xanh là dịch chữ “thanh nhãn”, tác giả mượn điển tích Nguyễn Tịch đời Tấn, ám chỉ những cán bộ hống hách, đáng khinh chê.
 
Luận 論: câu 5 nói mắt quáng gà vì nghe luận điệu dối gạt. Câu 6 nói đến “tấc thành” của người miền Nam.
 
Kết 結: Thi bá nhắn nhủ lũ gà lợn thôi ủn ỉn thùng rỗng “đại thắng” mà nghe rồng Bính Thìn miền Nam ngân nga khúc Tân Thanh réo rắt, đứt ruột (Đoạn Trường Tân Thanh).
 
Bài thơ này đưa đến cái chết của thi bá họ Vũ. Ngày 13/04/1976, cộng sản bắt Vũ Hoàng Chương, giam cùng xà lim với bác sĩ Phan Huy Quát. Vì biết nhà thơ họ Vũ sắp chết, cộng sản mới phóng thích. Lúc 23 giờ ngày 06/09/1976, nhẳm ngày 13 tháng 8 năm Bính Thìn,  nhà thơ qua đời tại Khánh Hội tại nhà em vợ là phu nhân thi sĩ Đinh Hùng. Lao tù cộng sản đã bức tử thi bá Vũ Hoàng Chương.
 
Theo tài liệu của nhà văn Đặng Tiến, vào năm Kỷ Mão (1999), bà Vũ Hoàng Chương tức nữ sĩ  Đinh Thục Oanh làm bài thơ “Mai Thúy Vũ” khóc chồng như sau:
 
Cao sâu từng nhập bóng cây già,
Cây vẫn thân xưa bóng chẳng nhòa.
Vườn trải băng sương trăm thức cỏ,
Xuân còn Thúy Vũ một cành hoa.
Lòng nghe nắng ấm say đôi chút
Cánh để men hồng nhuốm phớt qua
Vang tiếng chim xanh về hót đấy,
Bồng lai hẳn nhớ kẻ đi xa.
 
Nếu thi bá họ Vũ là ngôi sao bắc đẩu sáng chói trong văn học miền Bắc, văn hào họ Hồ là cây đại thụ rợp bóng văn học miền Nam.
  
2) Hồ Hữu Tường (1926-1980):

(Hồ hữu Tường)
 Họ Hồ quê quán quận Cái Răng, tỉnh Cần Thơ. Theo nhà phê bình văn học Thụy Khê, “Hồ Hữu Tường sinh ngày mùng 8 tháng 5 năm 1910 tại làng Thường Thạnh, huyện Cái Răng, tỉnh Cần Thơ. Cha là Hồ Văn Sây, mẹ là Võ Thị Nữ và ông nội là Hồ Văn Điểu. Dòng họ Hồ này khi xưa ở đất Nghệ An. Sau khi Hồ Quý Ly thất thế, đầu thế kỷ XV đã bị xua vào đất Qui Nhơn sinh sống. Đến thế kỷ XVIII, trong họ xuất hiện ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ, nổi lên cầm đầu phong trào Tây Sơn. Khi nhà Tây Sơn bại liệt, tất cả những người họ Hồ, bà con xa gần với Tây Sơn đều phải lánh nạn. Tỉnh Qui Nhơn bị Nguyễn Ánh đổi tên thành Bình Định. Sự đổi tên này, đối với họ Hồ, có nghĩa là một sự trả thù, một sự đàn áp. Để tránh sự trả thù của nhà Nguyễn, một thanh niên tên là Hồ Văn Phi trốn vào Nam, lưu lạc đến rạch Cái Răng ở miệt Cần Thơ, lập nghiệp. Vợ chồng Hồ Văn Phi chưa có con trai, nuôi một đứa nhỏ tên là Điểu mà mẹ nó dường như là một người trong hoàng tộc nhà Tây Sơn lánh nạn. Khi trao con lại cho Hồ Văn Phi, bà dặn dò rằng: Cha nó cũng họ Hồ, tôi cho nó cho ông là để nó giữ họ. Khi nó lớn lên, ông bà dặn nó nên nêu lên hai chữ Kế Thế mà thờ giữa hai chữ Hồ phủ, và truyền lại mãi mãi với con cháu nó nên làm như vậy. Chữ Kế Thế rút từ những chữ "Kế thế vi đức, dĩ hữu thiên hạ", hàm súc cái mộng làm đế vương. Người con nuôi của Hồ Văn Phi có dòng dõi bí mật, đế vương ấy (dòng Quang Thiệu), chính là Hồ Văn Điểu và là ông nội của Hồ Hữu Tường. Đó là những điều mà Hồ Hữu Tường thuật lại về dòng dõi của mình trong cuốn tự truyện Thằng Thuộc, con nhà nông và tiểu thuyết dã sử Kế thế.”
 
Cũng như Vũ Hoàng Chương học cử nhân Toán tại Đại Học Hà Nội,  Hồ Hữu Tường học cao học Toán tại Đại Học Lyon. Họ Vũ có thơ đăng trên các tờ báo. Họ Hồ xuất thân là nhà báo rồi nhà văn.
 
Báo chí:
1930: chủ nhiệm tờ Tiền Quân.
1932: chủ nhiệm tờ Tháng Mười.
1936: chủ nhiệm Thường Trực Cách Mạng, Le Militant, Thầy Thợ.
1967: biên tập viên các báo: Ánh sáng, Tiếng Nói Dân Tộc, Quyết Tiến, Đuốc Nhà Nam, Tin Sáng, Saigon Mới, Điện Tín.
 
Biên khảo:
Xã hội học nhập môn (Minh Đức, 1945).
Kinh tế học và kinh tế chánh trị nhập môn (Tân Việt, 1945).
Tương lai kinh tế Việt-nam (Hàn Thuyên, 1945).
Tương lai văn hóa Việt-nam (Minh Đức,1946, Huệ Minh, 1965).
Phong kiến là gì? (Minh Đức,1946).
Vấn đề dân tộc (Minh Đức,1946).
Muốn tìm hiểu chánh trị (Minh Đức,1946).
Lịch sử văn chương Việt-nam (quyển 1) (Lê Lợi, 1950).
Phép nói và viết hỏi ngã (1950).
Em học tiếng mẹ (1950).
Những kỹ thuật căn bản của nghề làm báo (in tại Paris, 1951, Hòa Đồng, 1965).
Em tập đọc (1951).
Tương lai văn hóa Việt Nam (Minh Đức,1946, Huệ Minh, 1965).
Trầm tư của một tên tội tử hình (Lá Bối, 1965),
Luận lâm I (Huệ Minh, 1965),
Nói tại Phú Xuân (những bài tham luận đọc tại Đại học Huế) (Huệ Minh, 1965).
 
Văn học:
Một thuở ngàn năm (truyện trào phúng chính trị) gồm có: Phi Lạc sang Tàu (Sống Chung, 1949), Phi Lạc náo Hoa Kỳ (Vannay, Paris, 1955), Tiểu Phi Lạc náo Sàigòn (Nam Cường, 1966), Diễm Hồng xuất giá (Nam Cường, 1966).
Hồn bướm mơ hoa (tiểu thuyết lịch sử xã hội, miền Hậu Giang) gồm 4 tập: Mai Thoại DungTam nhơn đồng hànhÔng thầy QuảngBủa lưới người (Nam Cường, 1966).
Gái nước Nam làm gì? (tiểu thuyết tranh đấu chống Pháp) gồm Thu Hương và Chị Tập (Sống Chung, 1949).
Nỗi lòng thằng Hiệp (Lê Lợi, 1949).
Quả trứng thần (1952).
Kể chuyện (Huệ Minh, 1965),
Kế thế (tiểu thuyết dã sử) (Huệ Minh, 1964).
Thuốc trường sanh gồm 3 tập: Xây mộngPhúc đức và Vẹn nguyền (Huệ Minh, 1964). Hoa dinh cẩm trận (tiếp theo Thuốc trường sanh).
Nợ tinh thần (Huệ Minh, 1965).
Thằng Thuộc con nhà nông (An Tiêm, 1966).
Người Mỹ ưu tư (tác giả xuất bản, Paris, 1968).
Un fétu de paille dans la tourmente (Paris, 1969, chưa in)
41 năm làm báo (Trí Đăng, Đông Nam Á tái bản tại Paris, 1984).
 
Họ Hổ, nhập thế thì làm báo, viết văn; xuất thế thì ở tù. Giai thoại sau đây trên Wikipedia kể lại chuỗi ngày vào tù ra khám của một người lương thiện. “Khi bị giam ở phòng giam tập thể (trong nhà tù cộng sản), một người tù hỏi Hồ Hữu Tường: “Bác Tường ơi! Thời Tây, thời Ngô Đình Diệm và cả thời này nữa, thời nào bác cũng đi tù. Bác có hiểu tại sao bác cứ ở tù hoài vậy không? Hồ Hữu Tường nhìn anh ta, vừa cười, vừa hỏi: “Mày trả lời giùm tao đi, tại sao?” Anh ta nhanh nhẩu trả lời: “Dễ quá mà! Tên bác là " Hữu Tường" nên bác phải "hưởng tù" dài dài!”. Hồ Hữu Tường cười buồn: “Có thể thằng nầy nói đúng!”.
 
Ta đã nghe thơ họ Vũ thì nay sẽ xem văn họ Hồ, để biết nhân sinh quan của ông.
 
Nhận định của Hồ Hữu Tường về chủ nghĩa cộng sản:
"Tôi bước vào mê ly đồ của chủ nghĩa Mác-Lê đầu tháng 6 năm 1930. Tôi bước chân ra ngoài cái mê ly đồ ấy vào đầu tháng 6 năm 1939. [...] Trong 9 năm này, những bài luận của tôi viết thảy đều lập trên nền tảng của duy vật luận biện chứng pháp. Từ tháng 6 năm 1939 đến tháng 6 năm 1945, ngoài những bức thơ ngắn cho gia đình, tôi không có viết gì khác. Đến Hà Nội vào đầu tháng 6 năm 1945, tôi đã sắp dàn bài cho quyển Xã hội học nhập môn mà tôi viết xong khi khởi đầu tháng 11. Từ hai mươi năm nay, tôi chưa trước tác được tài liệu nào vững chắc và khoa học để đả kích chủ nghĩa của Marx, hơn tập sách nhỏ này. Cả phương pháp biện chứng và duy vật sử quan đều bị "lật vích", nền tảng triết lý và cơ sở xã hội học của Marx đều bị lật ngược, thế mà kiểm duyệt Việt Minh đọc không hiểu nên chẳng bôi chữ nào. Từ ấy, phương pháp biện luận của tôi không còn là biện chứng pháp nữa. Trong năm năm nằm ở Côn Đảo, trong những ngày tàn của chế độ thực dân, tôi đã suy tư tìm thấy và thường nói với Nguyễn An Ninh rằng duy vật luận của Marx hóa ra siêu hình, chánh là do Marx đội cho nó cái lốt của biện chứng pháp [...].. Năm năm tù dưới chế độ thực dân đã giúp cho tôi "cai" biện chứng pháp, cũng như người nghiện cai thuốc phiện. Và, rời bỏ tư duy siêu hình của biện chứng pháp, tôi trở về với tư thái khoa học [...] Khoa học, bao giờ cũng cho phép ngoại suy để mở rộng phạm vi hữu hiệu của mình. Nhưng bao giờ những cuộc ngoại suy nầy phải phê phán cho chặt chẽ, kẻo bị lầm. Nói theo một danh từ mới xuất hiện, mà đã tràn lan khắp nơi, là cần phải "xét lại". Thế mà, biện chứng pháp, tin tưởng như là một giáo điều, không cho tín đồ của chủ nghĩa Marx "xét lại"." (Luận lâm I, Huệ Minh xuất bản năm 1965, tại Sài Gòn).
 
Nhận thức luận của Hồ Hữu Tường:
- “Tôi muốn cất tiếng mà kêu to. Kêu thật to để ai nấy cùng nghe. Tôi muốn có một giọng tha thiết. Thực tha thiết để ai nấy cùng cảm. Tôi muốn có những luận điệu đanh thép. Thực đanh thép để ai nấy cùng tin. Nghe, cảm, tin,... để cùng tôi đem một cái vinh quang chưa hề có trên quả địa cầu về cho dân tộc ta, dân tộc Việt” (Tương lai Văn hóa Việt Nam, in lần thứ ba, Huệ Minh, Sài Gòn, 1965).
- “Văn, trong nghĩa cầu nguyên của nó, là đẹp đẽ, là hiền lành, trái với võ, là hung bạo. Hóa, trong nghĩa cầu nguyên c...

Không có nhận xét nào: