(hình minh hoạ)
Thành phố Westminster, California, Ngày 17 tháng 6 năm 2017
Trần thị Bông Giấy thân mến,
Đây là lần đầu tiên trong tập “Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử”, anh tâm tình với một nhà văn, nhà văn nữ. Thuở nhỏ, anh nhớ thầy giáo dạy môn văn định nghĩa hai chữ Văn Chương như sau: Văn là vẻ đẹp; Chương là vẻ sáng. Văn Chương là vẻ đẹp trong sáng.
<!>
Từ đó, anh quan niệm văn chương có nhiệm vụ làm cho cuộc đời đẹp và trong sáng. Lâu nay anh viết cũng khá nhiều, nhưng không hiểu những gì mình viết có đáng được độc giả gọi là văn, để tự giới thiệu mình là nhà văn. Nhưng có một điều chắc chắn, anh là nhà binh thứ thiệt, có số quân, có chứng chỉ tại ngũ và có khả năng diễn đạt suy nghĩ của mình. Mà nhà binh của Việt Nam Cộng Hòa được đào tạo để chiến đấu cho Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm; chứ không phải loại nhà binh hãnh diện làm “Bộ đội cụ Hồ”. Vậy nhiệm vụ của anh chẳng khác gì nhiệm vụ của Nhà Văn làm đẹp cuộc đời:
Em gọi điện thoại báo tin cho anh rằng em được con trai mua vé máy bay đi Việt Nam. Em sẽ không theo con đi du lịch các nước chung quanh. Em sẽ bảo con thuê khách sạn cho mẹ để mẹ ngồi viết tâm bút. Truyện em viết mang tên “Viết Cho Người Đã Chết” mà nhân vật chính là nhà thơ Uyên Thao – chủ nhà xuất bản sách Tiếng Quê Hương – đang sống sờ sờ ra đó. Anh đoán rằng dụng ý của em là muốn người sống đọc tác phẩm của mình trước khi chết, để, nếu có điều gì không đúng thì sẽ lên tiếng yêu cầu em cải chính cho họ. Tự nhiên trong những email qua lại giữa em, nhà văn Văn Quang, “Anh Tui” (ngoại danh em mới đặt cho người bạn trẻ của anh) và anh, em đưa luôn vào tác phẩm của em như thể anh là người đã chết được em nói tới. “Không! Anh chưa chết đâu em! Anh chỉ về với Mẹ mong con …” (nhại lời bài hát của Nhật Trường viết cho anh Nguyễn Đình Bảo)
Email của anh Văn Quang viết cho anh có đoạn như sau: “Tôi vẫn viết những gì cần viết, mặc cho những rình rập đe dọa quanh mình, chưa biết nó xảy ra những gì. Tôi vẫn quan niệm rằng ‘đã viết thì đừng sợ, đã sợ thì đừng viết’ và tôi vẫn là người lính, dù không còn cây súng trên vai.” Chỉ một sự bày tỏ ngắn gọn như vậy, người bạn trẻ của anh – Peter Phạm – chưa có một ngày vác cây súng trên vai trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã lấy làm cảm khái để viết cho anh Văn Quang một email rất ân tình.
Lâu nay anh Âu vẫn viết bằng phong cách của Người Lính VNCH, thẳng thắn, đấu tranh cho SỰ THẬT, nhờ được sống trong đất nước mà quyền tự do ngôn luận được tôn trọng. Còn anh Văn Quang đang sống dưới chế độ man rợ của một nền chính trị bất hảo, mà anh Văn Quang vẫn cứ làm người chiến sĩ chiến đấu cho Sự Thật, thì sự can đảm của anh Văn Quang đáng trân trọng biết là dường nào!
Em là nhà văn nữ, ngoài việc viết văn, em còn viết phê bình khá thẳng thừng những tác phẩm của những tác giả tiếng tăm. Em còn viết về tính cách của những bằng hữu văn nghệ của Trần Nghi Hoàng đến nhà em uống rượu. Em đúng là nhà văn hiện thực xã hội, cái xã hội của người Việt tị nạn cộng sản ở Hoa Kỳ. Nhân đọc một bài viết của em có ghi số điện thoại và địa chỉ email, anh đã “đánh bạo” viết cho em một email. Thế là chúng ta trở thành “anh em văn nghệ” từ dạo ấy.
Bông Giấy em,
Lịch sử là chuyện thuộc về quá khứ. Không ai có thể thay đổi lịch sử, nhưng nếu một dân tộc không tìm hiểu lịch sử và không lấy lịch sử làm bài học, thì chắc chắn dân tộc đó không có tương lai. Mẹ anh kể rằng: “Một hôm Thầy (bố) anh đi làm việc về, vẻ mặt rất buồn bã. Mẹ anh lo lắng tưởng mình làm điều gì buồn lòng Thầy anh. Mẹ anh đi lấy khăn ướp lạnh sẵn, làm một ly đá chanh đường để Thầy anh lau mặt và giải khát. Thầy anh cứ thở dài, cuối cùng thấy vợ quá quan tâm, nên Thầy anh mới tiết lộ: “Sáng nay, viên Đại sứ người Nhật vào trình với cụ Kim (tức là Thủ tướng Trần Trọng Kim) rằng tuy Nhật hoàng đã tuyên bố đầu hàng Đồng Minh, nhưng lực lượng quân sự của họ ở Đông Dương còn nguyên vẹn, nếu Cụ đồng ý thì họ sẽ dẹp đám cộng sản Hồ Chí Minh không còn một mống”. Cụ Kim đáp: “Xin cám ơn ông Đại sứ, nhưng đây là chuyện trong nhà, giữa anh em chúng tôi, chúng tôi sẽ tự giải quyết lấy”. Để em hiểu, Thầy anh lúc bấy giờ là Đổng lý Văn phòng của Thủ tướng Trần Trọng Kim.
Cụ Trần Trọng Kim là nhà sử học, nhưng Cụ không biết rằng Cộng sản không coi tình nghĩa anh em, cha mẹ là gì cả. Chúng là một lũ thú vật, chỉ đấu tranh vì lợi và quyền. Em đọc lời trong bài Quốc Tế Ca của chúng thì biết. Những nhà cách mạng của chúng ta như các Cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lý Đông A, Trương Tử Anh … nào có ai đi theo chủ nghĩa cộng sản? Có lẽ các Ngài ý thức rằng chủ nghĩa cộng sản là một tà giáo, lấy căm thù làm động lực đấu tranh để giành độc quyền thống trị.
Chúng ta mang ơn các Chúa Nguyễn có công mở mang bờ cõi. Nhưng Chúa Nguyễn Phúc Ánh đã cầu viện ngoại bang để giành lại quyền lực là mở đầu cái tinh thần ỷ lại trong tầng lớp sĩ phu. Vua Gia Long không có khí độ của bậc Quân vương, trả thù đối thủ một cách hèn hạ và độc ác. Ngài lấy luật Nhà Thanh – luật của quân xâm lăng cai trị nước Tàu – để cai trị dân mình, trong khi triều Lê đã có luật Hồng Đức nhân đạo hơn. Triều chính càng ngày càng thối nát, loạn lạc giặc dã nổi lên khắp nơi, trong khi đó vua quan cứ vùi đầu trong hát xướng ca ngâm. Cho nên đề nghị canh tân xứ sở của Nguyễn Trường Tộ bị coi là lời “yêu ngôn hoặc chúng”, bị ném vào sọt rác. Nhà lãnh đạo cần có viễn kiến, đởm lược để dẫn dắt dân tộc tiến lên; chứ không chỉ có sự hiếu thảo với me là đủ. Bởi thế, Đất Nước rơi vào vòng nô lệ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Bất hạnh cho nước ta bị rơi vào vòng nô lệ Thực dân Pháp, một bọn thực dân tham lam, ngu dốt, kiêu ngạo. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ yêu cầu các quốc gia đồng minh của mình phải trả độc lập cho dân thuộc địa để chống lại chiêu bài giải phóng của cộng sản Liên Xô. Người Anh tự hào mặt trời không bao giờ lặn trên Đế quốc Anh, nhưng không có thuộc địa nào của họ bị rơi vào tay cộng sản. Trong khi ba nước Việt – Miên – Lào, thuộc địa của Pháp, cho tới nay vẫn còn bị cộng sản thống trị.
Trí thức Pháp thích xã hội chủ nghĩa, có đảng cộng sản do Maurice Thorez lãnh đạo, ủng hộ Mặt trận Bình Dân (cộng sản), đưa Léon Blum lên làm Thủ tướng. Do đó, ngoài sự trợ giúp của Nga Tàu, Hồ Chí Minh còn được sự trợ giúp của đảng cộng sản Pháp. Nếu Thực dân Pháp thông minh như Thực dân Anh, thì nhà cách mạng Phan Chu Trinh đã trở thành Thánh như Mahatma Gandhi của Ấn độ. Pháp được Hoa Kỳ giải phóng, nhưng sự kiêu ngạo của Pháp về văn hóa của mình, nên Pháp vẫn xem Hoa Kỳ là anh nhà giàu trọc phú (nouveau rich). Thanh niên Việt Nam đi du học ở Pháp, phần lớn chỉ tin vào nước Pháp, mà không cần biết Hoa Kỳ đã giải phóng Âu Châu thoát khỏi sự thống trị của Liên quân Đức – Ý và đã đánh bại Quân phiệt Nhật ở Châu Á.
Thanh niên Việt Nam được Thực dân Pháp đào tạo, nhưng họ vẫn yêu Mẹ Việt Nam, nổi dậy chống Thực dân Pháp để đòi lại quyền tự chủ. Bất hạnh cho Đất Nước Việt Nam mình là thanh niên yêu nước vừa chống Pháp giành độc lập, lại vừa bắt chước trí thức Pháp chống lại Tư bản Hoa Kỳ, giống như triết gia Jean-Paul Sartre từng nói một cách giận dữ: “Chống Cộng là con chó”.
Thảm họa dân ta đang hứng chịu cho tới ngày hôm nay là do trí thức của ta bị tiêm nhiễm thành phần thiên tả của Pháp yêu Liên Xô và chống Hoa Kỳ. Người nhạc sĩ trẻ trong nước – Việt Khang – đi biểu tình chống Trung Cộng, bị Công An Việt Cộng đánh đập đã làm bài hát “Anh Là Ai?”, thực sự không phải anh ta đặt câu hỏi đó cho tên Công An, mà là cho tầng lớp trí thức bị lạc đường, phục vụ cho cái Ác.
Anh Là Ai?
Xin hỏi anh là ai?
Sao bắt tôi tôi làm điều gì sai?
Xin hỏi anh là ai?
Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay?
Xin hỏi anh là ai?
Không cho tôi xuống đường để tỏ bày
Tình yêu quê hương này, dân tộc này đã quá nhiều đắng cay!
Xin hỏi anh ở đâu?
Ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm
Xin hỏi anh ở đâu?
Sao mắng tôi bằng giọng nói dân tôi?
Dân tộc anh ở đâu?
Sao đang tâm làm tay sai cho Tàu?
Để ngàn sau ghi dấu
Bàn tay nào nhuộm đầy máu đồng bào”.
Sao bắt tôi tôi làm điều gì sai?
Xin hỏi anh là ai?
Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay?
Xin hỏi anh là ai?
Không cho tôi xuống đường để tỏ bày
Tình yêu quê hương này, dân tộc này đã quá nhiều đắng cay!
Xin hỏi anh ở đâu?
Ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm
Xin hỏi anh ở đâu?
Sao mắng tôi bằng giọng nói dân tôi?
Dân tộc anh ở đâu?
Sao đang tâm làm tay sai cho Tàu?
Để ngàn sau ghi dấu
Bàn tay nào nhuộm đầy máu đồng bào”.
Tôi không thể ngồi yên
Khi nước Việt Nam đang ngã nghiêng
Dân tộc tôi sắp phải đắm chìm
Một ngàn năm hay triền miên tăm tối
Tôi không thể ngồi yên
Để đời sau cháu con tôi làm người
Cội nguồn ở đâu?
Khi thế giới nay đã không còn Việt Nam
Khi nước Việt Nam đang ngã nghiêng
Dân tộc tôi sắp phải đắm chìm
Một ngàn năm hay triền miên tăm tối
Tôi không thể ngồi yên
Để đời sau cháu con tôi làm người
Cội nguồn ở đâu?
Khi thế giới nay đã không còn Việt Nam
Rồi một cô giáo – phương danh Trần thị Lam – ở Hà Tĩnh làm bài thơ: “Đất Nước Mình Ngô Quá Phải Không Anh?”
Đất nước mình ngộ quá phải không anh?
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...
Đất nước mình lạ quá phải không anh?
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...
Đất nước mình buồn quá phải không anh?
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...
Đất nước mình thương quá phải không anh?
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...
Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh?
Anh không biết em làm sao biết được?
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu...
Anh không biết em làm sao biết được?
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu...
Em Trần Thị Bông Giấy thân mến,
Trước đây anh đã đọc được nỗi lòng của cháng nhạc sĩ trẻ Việt Khang, anh đã nâng tầm ý nghĩa lời nhạc thành bài viết có tựa đề “Câu Hỏi Thời Đại” để đặt ra cho người trí thức, bởi vì anh luôn luôn nghĩ rằng trí thức là cái đầu của Tổ Quốc thì phải biết nhận trách nhiệm của mình.
Qua bài thơ ngần ngật nỗi buồn của cô giáo Trần Thị Lam, anh cũng hiểu chữ “NGỘ” mà tác giả dùng, khác với cách hiểu của mọi người. Chữ “NGỘ” mà anh hiểu không phải là ngộ nghĩnh hay kỳ lạ, mà là GIÁC NGỘ. Từ đó, anh viết bài có tựa đề là “Ngộ Mà Sao Chưa Ngộ?” để đặt ra cho Tiến sĩ Xã hội học Trần Quang Thuận, người chở Hòa thượng Quảng Đức thiêu sống tại góc đường ngã tư Lê văn Duyệt – Phan Đình Phùng, giật sập chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Ông Trần Quang Thuận, người phát ngôn của Trí Quang, ra hải ngoại viết nhiều bài giáo lý Phật giáo, nhưng tới nay vẫn “CHƯA NGỘ” để nói một lời “SÁM HỐI” trước nguy cơ nòi giống Việt Nam đang trên đà diệt chủng do sự toa rập của bọn cầm quyền Việt Cộng cấu kết với kẻ thù truyền kiếp Trung Cộng.
Thư anh viết cho em bắt đầu từ ngày 17 tháng 6, Ngày Tang Yên Bái, bị ngắt quãng nhiều lần vì liên tục anh có bạn bè từ các Tiểu bang khác ghé qua chơi. Đọc những đoạn văn em kể bạn bè văn nghệ sĩ của Trần Nghị Hoàng đến chơi, em vừa làm bếp chuẩn bị món nhậu, xong tiếp rượu bằng hữu mà vẫn viết được. Anh phục em lắm. Còn anh, thù tiếp bạn xong, là “oắc cần câu” luôn với bạn. Phải chi hãy còn trẻ như thời trai tráng thì phục hồi nhanh chóng. Đằng này, “thân già da cóc”, mình mẩy không bị ai dần, mà đau! Lại thêm đau nỗi nước, nỗi nhà càng cảm thấy ê ẩm nhiều hơn.
Bữa đi dự buổi ra mắt sách của anh Uyên Thao, anh gặp ông Bùi Tín diện đối diện lần đầu. Ông Bùi Tín lên đọc bài thơ của cô giáo Trần thị Lâm mà ông tự ý đổi chữ “NGỘ” thành chữ “KỲ”. Sau khi ba diễn giả trình bày ba tác phẩm, anh yêu cầu Ban Tổ chức để anh lên phát biểu đôi điều. Họ đồng ý, nhưng hạn chế trong vòng 3 phút. Ông Đại tá Việt Cộng dùng những thậm từ xỉ vả anh nào “hỗn hào, vô lễ, xấc xược” đối với các “cách mạng lão thành” đi theo Hồ Chí Minh, rồi chê anh mắc chứng bệnh tâm thần, hoang tưởng. Anh đã trả lời một cách lịch sự, nhã nhặn bằng những dẫn chứng lịch sử mà ông Bùi Tín không thể biện bạch. Anh trình bày với cử tọa tham dự hôm đó rằng sở dĩ anh ứng xử như vậy là để chứng tỏ với độc giả phong cách của người lính VNCH nhã nhặn, lịch sự hơn sĩ quan Việt Cộng. Cả hội trường vỗ tay tán thưởng.
Viết tới đây, điện thoại reo. Bạn anh gọi nhớ ra đón anh ta tại phi trường John Wayne lúc 14 giờ 30. Bạn anh họ Phan – nhà báo Phan Thanh Tâm – cháu 5 đời cụ Phan Thanh Giảng, sẽ có buổi nói chuyện về thân thế tiền bối của mình tại Trung tâm Việt Học vào ngày 9 tháng 7 này. Ngày mai, mồng 2 Tháng Bảy anh dự buổi họp mặt Bô Lão Không Quân, rồi lai rai với bằng hữu bốn phương tới cả tuần, nên chưa biết lúc nào anh sẽ viết bức thư tiếp theo cho em.
Anh tưởng tượng em giống như cô giáo Trần thị Lam ở Hà Tĩnh đặt cho anh câu hỏi: “Anh không biết em làm sao em biết được?”, anh sẽ trả lời em theo sự hiểu biết và suy nghĩ của anh. Suy nghĩ của một người lính chiến đấu cho Tự do – A Freedom Fighter.
Anh chúc em dồi dào sức khỏe.
Thân ái,
Bằng Phong Đặng văn Âu
Email address: bangphongdva033@gmail.com
Tel: 714 – 276 – 5600
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét