Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

Cam Ranh và hơn thế nữa - Nguyễn Quang Dy

Gần đây, vấn đề Cam Ranh lại nổi lên với những đồn đại (lúc thực lúc hư), như một ẩn số và biến số, trong một đất nước có quá nhiều hằng số. Quy chế Cam Ranh rất nhạy cảm, trong bối cảnh quan hệ Trung-Việt đang căng thẳng do Việt Nam xích lại gần Mỹ và Nhật (qua 2 chuyến đi gần đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) và do Việt Nam tiếp tục thăm dò dầu khí tại Biển Đông (mỏ khí Cá Voi Xanh và mỏ dầu Cá Rồng Đỏ), bất chấp sức ép của Trung Quốc. Vai trò của Cam Ranh còn quan trọng hơn người ta tưởng, vì nó không chỉ là một căn cứ hải quân có vị thế chiến lược đặc biệt ở Biển Đông (và Tây Thái Bình Dương) mà còn là một ẩn số và biến số trong ván cờ Biển Đông, có thể làm thay đổi cuộc chơi (game changer).
<!> 
Quang cảnh Vịnh Cam Ranh

Lịch sử Cam Ranh
Cách đây 112 năm, trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905), Hạm đội Baltic của Nga Hoàng với hơn 40 chiến hạm (do đô đốc Rodzestvenski chỉ huy) đã đến trú tại vịnh Cam Ranh gần một tháng để chờ tiếp liệu, sau hành trình vòng quanh thế giới từ Baltic. Đó là khoảng lặng trước cơn bão, khi hạm đội Baltic xấu số của Nga bị hạm đội Nhật (do đô đốc Togo chỉ huy) tiêu diệt tại eo biển Tsushima (27/5/1905). Trong trận chiến định mệnh đó, hạm đội Nga đã bị mất tới 34 chiến hạm và hơn 4.800 người. Tổn thất nặng nề tại Tsushima (tiếp theo tổn thất tại cảng Arthur) đã làm cho đế quốc Nga suy xụp, phải ký hòa ước với Nhật.
Năm 1887, một chiến hạm Nga đã được lệnh đi vòng quanh thế giới để đánh giá vai trò của các hải cảng ở vùng biển Thái Bình Dương, trong trường hợp có xung đột Nga-Nhật. Chiến hạm này đã ghé thăm khoảng 30 hải cảng trong vòng 6 tháng, trong đó có Cam Ranh (12/1887). Trước trận chiến Tsushima, 4 thiết giáp hạm và 1 tuần dương hạm thuộc Hải đoàn Thái Bình Dương số 3 của Nga (do Chuẩn đô đốc Nebogatov chỉ huy) đã tới Cam Ranh để nhập với Hạm đội Baltic của đô đốc Rodzestvensky (9/5/1905). Nhưng sau đó, trước sức ép của Nhật và Anh, Pháp đã yêu cầu hạm đội Nga phải rời Cam Ranh. Theo đánh giá của một số nhà lịch sử quân sự Nga, Hạm đội Baltic đã dừng quá lâu tại Cam Ranh nên đô đốc Togo đã có đủ thời gian để nghiên cứu kỹ đối phương và dàn trận phục kích hạm đội Nga tại Tsushima.
Năm 1935, Pháp bắt đầu xây dựng căn cứ hải quân Cam Ranh. Năm 1940, Cam Ranh rơi vào tay Nhật, trở thành bàn đạp để Nhật tiến đánh Malaysia và Indonesia. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (9/1945), Cam Ranh được chọn làm nơi hội đàm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cao ủy Pháp D’Argenlieu (18/10/1946). Vì nhiều lý do, quá trình đàm phán không kết quả, nên người Pháp và người Việt đã bị xô đẩy vào cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, kéo dài đến năm 1954, và kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ.  
Trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, từ 1965-1972 người Mỹ đã chi hơn $300 triệu để mở rộng Cam Ranh thành một căn cứ quân sự khổng lồ “bất khả xâm phạm”, làm cứ điểm tiếp liệu cho chiến tranh. Cùng với quân cảng Subic tại Philippines, Cam Ranh có thể khống chế hành lang Tây Thái Bình Dương. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, Cam Ranh là cảng nước sâu tự nhiên tốt nhất tại khu vực Đông Nam Á, có thể đón nhiều loại tàu lớn (gồm cả tàu sân bay). Với địa thế vịnh Cam Ranh kín đáo không bị gió bão và dễ phòng thủ, Cam Ranh là quân át chủ bài có vị trí chiến lược hiểm yếu đối với bàn cờ Biển Đông. 
Cách đây gần 4 thập kỷ, trước chiến tranh biên giới Viêt-Trung, Việt Nam và Liên Xô đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (3/11/1978), và Hiệp định Phòng thủ Chung (2/5/1979) cho Liên Xô sử dụng Cam Ranh 25 năm, như một căn cứ quân sự (gần như miễn phí), đến năm 2002 họ mới rút. Trong thời kỳ “Chiến tranh Lạnh”, Cam Ranh trở thành căn cứ quân sự lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài, và là tiền đồn để Liên Xô cạnh tranh với Mỹ và kiềm chế Trung Quốc. Mặc dù người Nga vẫn luyến tiếc, cho rằng bỏ Cam Ranh là quyết định sai lầm và muốn quay lại, nhưng khả năng đó bất khả thi, vì lý do tài chính và chiến lược. 
Tháng 3/1988, khi Trung Quốc tấn công chiếm Gac-Ma và 7 bãi đá (thuộc Trường Sa) của Việt Nam, đồng minh Liên Xô đã án binh bất động. Vào lúc đó, không quân Liên Xô tại Cam Ranh có 15 chiếc MIC-25, 4 chiếc TU-95, 4 chiếc TU-142, và 20 chiếc TU-16, và hải quân có hải đoàn cơ động số 17 đang đóng quân tại đó. Trong lịch sử gần đây, người Mỹ và người Nga đều đã từng bỏ rơi đồng minh Việt Nam (khi bị Trung Quốc tấn công). Điều đó không có gì quá ngạc nhiên, mà chỉ khẳng định “không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. Chỉ có những người ngây thơ và ảo tưởng mới bị mơ hồ ngộ nhận. Vì vậy, Việt Nam càng phải độc lập tự cường bằng cách phát huy nội lực dân tộc.  
Trong nhiều năm qua, Việt Nam theo đuổi chính sách “3 không” (không liên minh quân sự, không có căn cứ quân sự nước ngoài và không liên minh với một nước này để chống lại một nước kia). Nhưng chính sách “3 không” đó thiếu linh hoạt và chính sách cân bằng đó thụ động, nên Việt Nam thiếu đồng minh thực sự. Sau khi Cảng Quốc tế Cam Ranh mở cửa (3/2016), Cam Ranh đã đón 19 tàu từ 10 quốc gia, trong đó Mỹ và Trung Quốc là hai nước có nhiều tàu đến nhất. Về nguyên tắc, quân cảng Cam Ranh mở rộng cửa đón tiếp tàu chiến của bất kỳ nước nào sẵn sàng trả tiền để có được dịch vụ sửa chữa và tiếp nhiên liệu.
Quân át chủ bài Cam Ranh
Không phải vô cớ mà Mỹ đã bỏ Subic và Nga đã bỏ Cam Ranh. Chiến tranh lạnh chấm dứt đã làm cho Mỹ và Nga không còn nhu cầu thiết yếu phải duy trì các căn cứ quân sự vừa tốn kém vừa gây tranh cãi. Lúc đó dù Manila có giảm giá thuê Subic xuống còn $500 triệu thì Mỹ cũng không quay lại. Mỹ chỉ cần quy chế sử dụng dịch vụ bến cảng cho tàu chiến của họ (port calls). Chỉ từ khi Trung Quốc trỗi dậy, bộc lộ tham vọng độc chiếm Biển Đông như cái ao của họ và thách thức vai trò của Mỹ thì Cam Ranh mới trở lại màn hình radar.   
 
Tàu ngầm Kilo 636MV tại Cam Ranh

Trong khi dư luận Trung Quốc đánh giá cao Cam Ranh, “trong cả châu Á không thể tìm đâu một quân cảng nào độc đáo và nguy hiểm như Cam Ranh…”, thì dư luận Mỹ cũng nhận xét, “Ai chiếm được vịnh Cam Ranh, người đó sẽ khống chế được một nửa Trung Quốc, và có thể kiểm soát được tuyến đường giao thông biển Á-Âu…” Một chuyên gia Nhật (Hiroyuki Noguchi) cho rằng, “Cam Ranh là khắc tinh của ‘Đường Lưỡi bò’ với địa thế độc đáo trên bàn cờ khu vực Đông Nam Á.  Cam Ranh của Việt Nam có thể là ‘thanh kiếm sắc’ chặn đứng mưu đồ của Trung Quốc thò ‘Đường Lưỡi bò” ra Biển Đông”. Theo Noguchi, “Nếu kết hợp căn cứ Cam Ranh với căn cứ Sucbic của Philippines, cả hai sẽ tạo thành hai lưỡi kéo sắc có thể khống chế sự bành trướng của đường lưỡi bò”.  (Theo Đại Kỷ Nguyên, 14/3/201).
Theo Trung Tướng Nga A.V. Phêđôrôvích (đã từng có mặt tại Cam Ranh trong thập niên 1980), “Cam Ranh đã âm thầm phát triển, trở thành một tổ hợp hải quân và không quân hùng mạnh, với các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, có thể đánh trả mọi đe dọa chiến tranh đối với Việt Nam…”. Chuẩn đô đốc E.I. Prokôpievich, là người cuối cùng rời Việt Nam năm 2002 với vai trò là Tư lệnh căn cứ Cam Ranh, đã nhận xét, “Cam Ranh cho phép khống chế các eo biển Malaysia và Philippines, có thể tiến hành trinh sát điện tử Biển Đông, biển Philippines, biển Hoa Đông, thậm chí tới tận bắc Ấn Độ Dương và Persian Gulf”.
Bán đảo Cam Ranh chạy từ Bắc xuống Nam, được bao bọc bởi nhiều đảo to nhỏ khác nhau, có lợi thế của một cảng nước sâu kín gió. Quân cảng Cam Ranh có diện tích 60km2, nước sâu trung bình 16-25m (có nơi 32m), có thể chứa được cùng lúc 40 chiến hạm cỡ lớn (kể cả tàu sân bay). Cửa vịnh Cam Ranh rộng 4.000m, sâu hơn 30m, toàn bộ vịnh Cam Ranh nằm lọt trong những ngọn núi cao hơn 400m nên kín gió và dễ phòng thủ. Nói cách khác, Cam Ranh là một pháo đài “khó công, dễ thủ”, như quân át chủ bài trong ván cờ Biển Đông. Nếu đặt hệ thống tên lửa và radar tại những điểm cao trên núi thì có thể khống chế cả vùng biển và vùng trời Biển Đông (bao gồm Trường Sa và Hoàng Sa) tới tận eo Mallaca và Philippines.   
Cam Ranh nằm gần tuyến đường vận tải biển quốc tế, thuận tiện cho dịch vụ hậu cần trong khu vực, có thể kiểm soát được tuyến đường vận tải biển nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Sân bay quốc tế Cam Ranh có đường băng dài 3.000m, đủ khả năng tiếp nhận các máy bay cỡ lớn (như C-5 “Galaxy”, C-141 “Star Lifter”, IL-76, B-52, Tu-95). Đối với các nước, quy chế sử dụng Cam Ranh vẫn là một vấn đề nhạy cảm, nên việc sử dụng nó như một cảng quốc tế, hay cho thuê như một căn cứ quân sự, là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. 
 
Tàu USS Colorado (LCS 4) tại Cam Ranh, 5/7/2017

Cam Ranh và “tứ cường”
Trung Quốc và các nước khác đều hiểu ngầm là Mỹ không thể bỏ qua Cam Ranh trong ván cờ Biển Đông. Vấn đề Mỹ quay lại Cam Ranh chỉ là thời gian và điều kiện cụ thể (như giá cả). Chuyến thăm Cam Ranh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (6/1912) là dấu hiệu Mỹ muốn quay lại Cam Ranh, trong chiến lược xoay trục sang Châu Á. Tất cả các căn cứ quân sự khác trong khu vực như Changi (Singapore), Jokosuka (Nhật Bản), Busan (Hàn Quốc), Apra (Guam) đều không thể so sánh được với Cam Ranh (chỉ cách Trường Sa/Hoàng Sa khoảng 600km). Trong khi đó, căn cứ hải quân Subic đã bị núi lửa Pinatubo tàn phá. Theo một chuyên gia Trung Quốc (ông Cao Vinh Vĩ), “Cam Ranh hết sức quan trọng đối với Việt Nam, vì nó có khả năng khống chế đối với bất cứ đảo nào tại Biển Đông, cao hơn bất cứ căn cứ hải quân nào của Trung Quốc hiện nay. Vì thế, Việt Nam chắc chắn sẽ biến nó thành một căn cứ quân sự quan trọng nhằm tranh giành Biển Đông với Trung Quốc…”  
Liệu Nga hay Mỹ sẽ trở lại Cam Ranh? Cam Ranh có thể là mục tiêu cạnh tranh của Nga và Mỹ trong chiến lược quay trở lại Châu Á của hai siêu cường quân sự này. Nhưng vấn đề là nước nào có tiềm năng hơn về tài chính cũng như có ưu thế hơn về chiến lược tại Biển Đông. Nhưng chắc cả Mỹ và Nga đều không muốn Cam Ranh (và Việt Nam) rơi vào tay Trung Quốc. Những bước tiến xích lại gần nhau hiện nay giữa Mỹ và Việt Nam là một chỉ dấu rõ hơn về hướng chuyển động trong tam giác chiến lược Mỹ-Trung-Nga. Quân cờ Cam Ranh đang nằm trên bàn cờ, sẽ được ngã giá để ẩn số thành biến số, trong “trò chơi vương quyền”.  
Nếu hai bên đã thỏa thuận được về nguyên tắc, thì vấn đề còn lại là giá cả. Để tham chiếu, giá Mỹ đã thuê Subic là $3 tỷ/năm, trong khi giá Liên Xô đã thuê Cam Ranh chỉ có $224 triệu/năm. Nhưng đó là giá cả thời trước, nay thực tế đã thay đổi nhiều. Về thời hạn, Hà Nội đã cho Liên Xô sử dụng 25 năm (có thể gia hạn), còn Mỹ chắc muốn lâu dài hơn (75 năm). Trong khi những vấn đề trên vẫn còn là ẩn số, thì bàn cờ Biển Đông đang biến chuyển.
Quá trình vận đông tăng cường quan hệ đối tác chiến lược song phương là để từng bước hình thành quan hệ đối tác chiến lược đa phương mới “Mỹ-Nhật-Ấn-Úc+1” (Việt Nam/ASEAN). Quan hệ đối tác chiến lược song phương Mỹ-Việt và Nhật-Việt vừa được nâng lên một bước rất quan trọng (significant) mang cả ý nghĩa chiến lược và kinh tế, qua 2 chuyến thăm Mỹ và Nhật gần đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, được thể hiện trong tuyên bố chung, cũng như bằng hành động thực tế đang diễn ra trên bàn cờ Biển Đông. Về lâu dài, lợi ích chiến lược của Việt Nam gắn liền với lợi ích chiến lược của “tứ cường” trong nhóm “4+1”.
Vì vậy, Việt Nam tất yếu phải giành cho các “đối tác chiến lược 4+1” một “quy chế đặc biệt” (special status) trong việc sử dụng căn cứ Cam Ranh, như một yếu tố gắn kết các đối tác chiến lược với nhau. Trước mắt, trong giai đoạn quá độ, “quy chế đặc biệt” này trên thực tế không biến Cam Ranh thành “căn cứ quân sự”, và các “đối tác chiến lược 4+1” “trên thực tế (de facto) không phải là “liên minh quân sự”. Tuy Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước kia, nhưng phải có đồng minh chiến lược. Đây là một chính sách “3 không linh hoạt” trong khuôn khổ “đối tác chiến lược 4+1”. Đối tác toàn diện Mỹ-Việt có ý nghĩa hợp tác chiến lược, tuy chưa chính thức nâng lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”.  
Chương trình Hợp tác Quốc phòng Viêt-Mỹ có thể bao gồm nhiều lĩnh vực liên quan đến hợp tác chiến lược như: anti-surface warfare (ASUW), anti-submarine warfare (ASW), maritime domain awareness (MDA), early warning, and command, control, communications, computers, intelligence, surveillance and reconnaissance (C4ISR). Sau khi ông Obama tuyên bố bỏ cấm Vận vũ khí, Việt Nam quan tâm muốn mua máy bay tuần tra biển P-3C Orion và máy bay tiêm kích F-16 (để thay thế cho thế hệ MIG-21). Viet Nam cũng muốn được hưởng quy chế giống chương trình Mỹ bán máy bay P-3C cho Đài Loan, và giống chương trình Mỹ bán máy bay F-16 EDA cho Indonesia (dưới thời chính quyền Obama). Vừa qua, Mỹ (và Nhật) đã tiến hành bàn giao cho Việt Nam một số tàu tuần duyên/tuần tra, để nâng cao năng lực cảnh sát biển Việt Nam. Hàn Quốc cũng khẳng định bàn giao cho Việt Nam 2 tàu hộ tống săn ngầm (Gimcheon PCC-761 và Chungju PCC-762) thuộc thế hệ 3 (Flight III) của lớp chiến hạm Pohang (1.300 tấn), vừa được giải ngũ (decommissioned) năm 2015 và 2016.
 
Tàu hộ tống frigate lớp Gepard

Cam Ranh và Nước Nga  

Từ 28/6 đến 1/7/2017, CTN Trần Đại Quang đã thăm chính thức Nga (lần đầu tiên). Ông Quang đã yêu cầu Nga tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong tranh chấp tại Biển Đông, “Chúng tôi đề nghị chính phủ Nga và Quốc hội Nga tiếp tục ủng hộ lập trường của chúng tôi về vấn đề Biển Đông”. Trong dịp này, hai bên đã ký nhiều hợp đồng (trị giá $10 tỷ), trong đó chắc bao gồm các hợp đồng mua vũ khí (như 64 xe tăng T-90s, 2 tàu chiến Gepard, và tổ hợp tên lửa phỏng không Pantsir-ME để lắp cho các tàu chiến lớp Molniya và lớp Gepard)

Trong bài phân tích “Kế hoạch của Putin tại Biển Đông”, Oilprice (một think tank của Nga) lập luận rằng Nga muốn quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Việt Nam, vì Nga vừa có mục tiêu toàn cầu vừa có mục tiêu khu vực. Ván cờ ngoại giao của Nga vừa có tính toàn cầu vừa có tính khu vực, nên đôi khi hai mặt này chồng chéo lên nhau, gây khó hiểu. Đối với Nga, vấn đề Biển Đông là một phần của ván cờ lớn toàn cầù. Vấn đề Biển Đông và đối sách của Nga là biến số chứ không phải là hằng số. (Nói cách khác Nga thực dụng và cơ hội). 

Về nguyên tắc, Mátxcơva  tuyên bố “chưa bao giờ can dự vào tranh chấp ở Biển Đông” và “không đứng về bên tranh chấp nào”. Nhưng về thức tế, Matxcơva vẫn có những mục tiêu chiến lược và quyền lợi trực tiếp, như các hợp đồng nhiều tỷ USD về khai thác dầu khí và bán vũ khí cho các bên tranh chấp tại Biển Đông. Vì vậy, hành động của Nga có thể không giống với tuyên bố chính thức (nghĩa là nói một đằng làm một nẻo). Matxcơva muốn hợp tác tốt với cả Bắc Kinh và Hà Nội, nên ý đồ của Nga khó hiểu hơn (vì chính sách hai mặt).

Cả Nga và Trung Quốc đều muốn thách thức sự thống trị của Mỹ, làm hai nước xích lại gần nhau, nên Putin coi “Trung Quốc là đối tác tự nhiên và đồng minh tự nhiên”. Theo Oilprice, quan hệ đối tác chiến lược Nga-Việt (với yếu tố quân sự) còn tốt hơn triển vọng tăng cường quan hệ đối tác Mỹ-Việt. Tuy Bắc Kinh khăng khăng chống lại quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, nhưng họ vẫn chấp nhận quan hệ hợp tác quân sự Nga-Việt. 

Hiện nay, quan hệ Nga-Việt đã được nâng lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”. Matxcơva muốn tăng cường hợp tác với Hà Nội về dầu khí, xuất khẩu vũ khí, công nghệ quốc phòng, và cũng muốn trở lại Cam Ranh. Việt Nam còn là cửa ngõ để Nga thâm nhập vào vào cộng đồng ASEAN. Oilprice cho rằng hợp tác với Nga, Việt Nam tiếp cận được công nghệ vũ khí tiên tiến và khai thác được năng lượng, đồng thời tránh bị kẹt vào xung đột Mỹ-Trung. (Phải chăn người Nga muốn biến Việt Nam thành thị trường và công cụ của họ?).

Nhưng Matxcơva giải thích thế nào khi Trung Quốc tấn công Việt Nam chiếm đảo Gac-Ma và 7 bãi đá tại Trường Sa (3/1988), thì người Nga lại án binh bất động, trong khi họ là đồng minh chiến lược, với cam kết “phỏng thủ chung”, đang sử dụng căn cứ quân sự Cam Ranh của Việt Nam. Và tại sao năm 2016 khi Việt Nam và nhiều nước khác phản đối “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, thì Nga và Trung Quốc lại tập trận chung tại Biển Đông (Joint Sea 2016) ngay sau phán quyết của Toà trọng tài Quốc tế (PCA) phủ nhận “đường lưỡi bò”?  

 
Tàu hộ tống corvette lớp Molniya

Cam Ranh và hơn thế nữa

Quan hệ hợp tác song phương Viêt-Úc đã có từ lâu, triển vọng sắp tới chắc sẽ được tăng cường hơn nữa, đặc biệt là hợp tác về hải quân và tuần tra tại Biển Đông. Tuyên bố cứng rắn của Thủ tưởng Úc Mancolm Turnbull tại diễn đàn Đối thoại Shangi-La (Singpapore, 2/7/2017) là một dấu hiệu tích cực, tiếp theo tuyên bố cứng rắn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Việt Nam và Úc đã từng hợp tác về dầu khí tại Biển Đông (lô 136-03) qua công ty Talisman (Úc) nay nhượng lại cho công ty Repsol (Tây Ban Nha). Từ 21/6/2017, dàn khoan Deepsea Metro I của Odfjell Drilling tiếp tục khoan thăm dò tại lô 136-03.
Một diễn biến mới là Phó thủ tướng/Ngoại trưởng Phạm Bình Minh vừa đi Ấn Độ (4/7/2017) kêu gọi Ấn Độ có vai trò lớn hơn đối với chiến lược và an ninh của ASEAN. “ASEAN ủng hộ Ấn Độ có vai trò lớn hơn về chính trị và an ninh, để kiến tạo một khu vực dựa trên luật pháp. Chúng tôi hy vọng Ấn Độ tiếp tục là đối tác cùng nỗ lực với chúng tôi duy trì an ninh chiến lược và tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế”.
Theo Reuters, Việt Nam đã cho công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh tiếp tục thăm dò tại lô 128, “vì lợi ích chiến lược, chứ không hẳn vì tiềm năng thương mại”. Theo một quan chức ONGC Videsh, “Việt Nam muốn chúng tôi tới đó vì Trung Quốc can thiệp ở Biển Đông. Việt Nam vừa gia hạn 2 năm cho hợp đồng dầu khí này, sau khi Ngoại Trưởng Việt Nam thăm Ấn Độ để trao đổi về tăng cường hợp tác chiến lược và an ninh tại Biển Đông. Vietnam Goes Bold In the South China Sea”, American Interests, July 6, 2017).
Ngày 5/7/2017,  tàu tác chiến ven bờ USS Coronado (LCS-4) và USNS Salvor (T-ARS-52) của Hải quân Mỹ đã cập cảng quốc tế Cam Ranh, bắt đầu hoạt động Giao lưu Hải quân (NEA) giữa Việt Nam và Mỹ, kéo dài 4 ngày. Đáng chú ý là hoạt động giao lưu hải quân hai nước diễn ra chỉ 3 ngày sau khi chiến hạm USS Stethem tuần tra (FONOP) trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, thuộc Hoàng Sa (2/7/2017). Có lẽ đây là dấu hiệu Washington muốn trấn an các nước đồng minh Châu Á và tỏ ý thất vọng vì Bắc Kinh không chịu gây thêm sức ép với Bắc Triều Tiên để kiểm soát chương trình hạt nhân và thử tên lửa của họ.

Washington cho rằng Bắc Kinh đã lợi dụng nhân nhượng của Mỹ vì Triều Tiên để lấn sân tại Biển Đông. Có lẽ “tuần trăng mật” của Donald Trump và Tập Cận Bình đã hết, nên thái độ của Trump ngày càng bất bình và hết kiên nhẫn với Bắc Kinh (trong khi ông Trump vốn không phải là người kiên nhẫn và nhất quán). Washington đang gia tăng sức ép đối với Bắc Kinh trong một loạt vấn đề, làm cho quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng lên. Đây là hệ quả của việc Tập Cận Bình đã đánh giá nhầm (misread) ông Trump và tính toán sai (miscalculation). (How China Misread Donald Trump”, Paul Gewirtz, Politico, July 6, 2017).

Trong cuộc điều trần tại Hạ viện Mỹ (14/6/2017), Ngoại trưởng RexTillerson tuyên bố việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp và mở rộng cơ sở hạ tầng tại các hòn đảo trong vùng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, “đang gây ra bất ổn ở khu vực Thái Bình Dương. Những bất ổn đó có thể đưa chúng ta vào một cuộc xung đột”. Theo ông, đây là một vấn đề cần giải quyết cấp bách trong quan hệ Mỹ-Trung, không thể để Bắc Kinh biến vấn đề kinh tế và thương mại thành “vũ khí” lôi kéo các đồng minh của Mỹ theo Trung Quốc. Trung Quốc không thể dùng chiến thuật đó để giải quyết những vấn đề gai góc như Triều Tiên hay Biển Đông. Bộ trưởng quốc phòng James Mattis cũng tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục chiến dịch khẳng định quyền tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông” bất chấp phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc. Tiếp theo 2 lần tuần tra FONOP gần đây, Mỹ đã bất ngờ tập trận phối hợp tác chiến tại Biển Đông giữa các khu trục hạm và máy bay ném bom chiến lược B-1B từ Guam. Tuần tới, Mỹ, Nhật, Ấn Độ sẽ tiến hành cuộc tập trận chung lớn nhất tại Vịnh Bangal (theo Reuters, 6/7/2017).  
Trong khi đó, tại Hamburg, bên lề hội nghị G20 summit, Tổng thống Trump đã gặp Tổng thống Putin hơn 2 giờ  (7/7/2017).  Cuộc họp kéo dài “tuyệt vời” đó (theo lời ông Trump) đã phủ một bóng mây lên cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập ngày hôm sau (8/7/2017). Trước đó, ngày 4/7/2017, Bắc Triều Tiên nhằm đúng ngày độc lập của Mỹ để thử tên lửa vượt đại châu (ICBM), trong khi ông Tập Cận Bình đang bận tiếp xúc với các nguyên thủ quốc gia khác tại Hamburg. Liệu đây có phải là “làn ranh đỏ” buộc Bắc Kinh phải hành động quyết liệt không, và liệu ông Tập có thể làm gì? (theo yêu cầu của ông Trump). Giới nghiên cứu cho rằng ông Tập khó làm được gì, trong khi ông Trump mất hết kiên nhẫn. Chắc “Tuần trăng mật” của ông Trump và ông Tập sẽ kết thúc tại Hamburg, vì cả hai bên đều ảo tưởng về nhau. 

Thay lời kết

Trong khi Tổng thống Trump tiếp Thủ tướng Phúc trong nhà Trắng, thì CTN Trần Đại Quang tiếp TNS John McCain trong Nhà Vàng, tại Hà Nội (sáng 1/6 giờ VN, tức chiều 31/5 giờ Mỹ). Ngay hôm sau, ông McCain bay vào Cam Ranh để thăm chiến hạm USS John S. McCain đang đậu tại cảng Cam Ranh. Nếu trong chính trị, người ta hay dùng hình tượng (symbolism) thì những việc trên có ý nghĩa gì? Chắc không phải ngẫu nhiên và vô cớ. Ngay sau khi về đến Hà Nội, chưa kịp nghỉ thì Thủ tướng Phúc đã vội lên đường thăm Nhật (4/6), là một chuyến đi quan trọng không kém. Còn ông McCain vừa về đến Washington (5/6/), đã vội ra thông cáo với những lời lẽ cứng rắn đầy ẩn ý, “Chúng tôi hy vọng rằng sự hiện diện của USS John S. McCain là biểu tượng cho sự hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như nhắc nhở các đồng minh và kẻ thù của chúng ta về cam kết lâu dài của Hoa Kỳ tại khu vực”.
Nếu ông Trump là Tổng thống “dealer”, thì vừa rồi giữa Mỹ và Việt Nam có thỏa thuận gì là quan trọng nhất, nếu không phải là hợp tác chiến lược. Không phải ngẫu nhiên mà thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc cứng rắn hơn (cả lời nói và hành động). Không phải vô cớ mà quan hệ Trung-Việt bỗng trở nên căng thẳng hơn, và thái độ của Hà Nội bỗng trở nên cứng rắn và tự tin hơn. Trong bối cảnh hiện nay, có lẽ Cam Ranh là quân át chủ bài trong ván cờ Biển Đông, có thể gỡ thế bí cho Hà Nội, cả về chiến lược và về tài chính. Vì người ta hay nói đến quy luật “cùng tắc biến”, có lẽ đây là thời cơ để Việt Nam “biến”. Tuy có cơ hội và át chủ bài, nhưng nếu không biết chơi và ngả bài đúng lúc thì cũng không thể “chuyển”.   
Gần đây, cụm từ được người Việt hay nhắc tới là “tự diễn biến, tự chuyển hóa” (cả nghĩa đen và nghĩa bóng, vừa tiêu cực vừa tích cực). Phải chăng Hà Nội đang “tự diễn biến, tự chuyển hóa”? Từ sợ Trung Quốc, nay người Việt không còn sợ nữa; từ không dám cãi Trung Quốc; nay họ dám cãi lại (làm Tướng Phạm Trường Long tức giận bỏ về); từ không dám làm mất lòng Trung Quốc, nay dám làm mất lòng Trung Quốc (để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Việt Nam). Phải chăng Việt Nam đang từng bước xoay trục để “thoát Trung”, điều chỉnh chính sách “3 không thụ động” thành “3 không linh hoạt”, chính sách “cân bằng thụ động” thành “tái cân bằng tích cực” (active rebalance). Phải chăng đó chính là quy luật “cùng tắc biến”.

NQD. 9/7/2017

Những ẩn số và biến số trên bàn cờ Biển Đông 
Nguyễn Quang Dy
“Ai kiểm soát Biển Đông sẽ thống trị châu Á, và bất cứ ai thống trị châu Á sẽ thống trị thế giới.” (Alexander Vuving, “Trung Quốc sẽ làm gì ở Biển Đông”, Đại sử ký Biển Đông, 21/2/2016).
Trong báo cáo “Asia-Pacific Rebalance 2025: Capabilities, Presence, and Partnerships”, CSIS, January 19, 2016), các chuyên gia CSIS đã cảnh báo rằng Trung Quốc trỗi dậy là “thách thức chính” đối với Mỹ, và “đến năm 2030 thì Biển Đông hầu như sẽ trở thành cái ao của Trung Quốc” (“by 2030 the South China Sea will be virtually a Chinese lake”).  Liệu Việt Nam và Mỹ có muốn điều đó không, và có thể làm gì để ngăn chặn điều đó?
Biển Đông lại nổi sóng

Không có nhận xét nào: