Putin bất mãn về chế tài mới của Mỹ, nhưng nói chưa vội trả đũa
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Bảy bày tỏ thất vọng về các chế tài mới mà Mỹ có thể áp đặt lên nước này, nhưng ông nói vẫn còn quá sớm để nói về "những hành động trả đũa."<!>
"Điều này thực sự sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ Nga-Mỹ. Tôi nghĩ điều này có hại," ông Putin nói với hãng thông tấn RIA.
Thượng viện Mỹ tron tuần này bỏ phiếu với tỉ lệ gần như tuyệt đối nhằm tăng cường những chế tài nhắm vào Nga để trừng phạt chiến dịch của nước này gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 của Mỹ.
Các chế tài mới, được thông qua hôm thứ Tư, nhắm mục tiêu vào những người Nga dính líu trong những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, cung cấp vũ khí cho chính phủ Syria, tiến hành các hoạt động độc hại trên không gian mạng và giao dịch với các cơ quan tình báo và quốc phòng của Nga.
Các chế tài được đề xuất vẫn phải được Hạ viện chấp thuận và được Tổng thống Donald Trump ký để trở thành luật, và đó là lý do vì sao ông Putin nói ông sẽ chờ xem tình hình sẽ tiến triển như thế nào.
"Chúng ta cần xem tình hình rồi sẽ như thế nào. Đó là lý do vì sao còn quá sớm để phát biểu công khai về hành động trả đũa của chúng ta," ông Putin nói.
Nhà Trắng chưa cho biết liệu ông Trump sẽ ký kết hoặc phủ quyết luật này hay không, nhưng Ngoại trưởng Rex Tillerson trong một phiên điều trần ở Quốc hội trong tuần này cảnh báo về các biện pháp mà có thể cắt đứt đối thoại với Moscow.
Ông yêu cầu Quốc hội cho chính quyền Trump "sự linh hoạt để gia tăng áp lực" lên Nga, nếu cần thiết trong tương lai.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain, nhân vật chỉ trích Nga hàng đầu ở Thượng viện, cho biết sau cuộc biểu quyết chế tài rằng Mỹ "không có thời gian để lãng phí" trong việc trừng phạt Nga và Mỹ cần gửi một thông điệp mạnh mẽ đến ông Putin rằng "chúng tôi sẽ không dung túng những cuộc tấn công nhắm vào nền dân chủ của chúng ta."
Ông Putin hạ giảm tính hữu hiệu của những chế tài được đề xuất, nói rằng Nga sẽ phải "điều chỉnh cái gì đó" hoặc "làm thêm điều gì đó," nhưng các biện pháp trừng phạt mới sẽ không dẫn đến "bế tắc hoặc sụp đổ" ở Nga. - VOA
2.
Đô đốc Mỹ khiến Trung Quốc tức giận sắp từ nhiệm
Đô đốc Harry Harris, người từng có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc về Biển Đông, dự kiến sẽ từ nhiệm vào năm tới, buộc Tổng thống Trump phải tìm kiếm người thay thế cho một vị trí quan trọng mà Bắc Kinh luôn theo dõi sát.
Theo Reuters, ông Harris, vốn được bổ nhiệm từ thời Tổng thống Barack Obama, có thể kết thúc vị trí người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) của Hoa Kỳ sau ba năm lãnh đạo cơ quan này (tính tới tháng Năm vừa qua).
Phần lớn chỉ huy PACOM thường chỉ làm việc trong ba năm, dù không có hạn chế về thời gian, theo Reuters.
Ông Harris từng khiến Trung Quốc tức giận hai năm trước khi gọi việc xây dựng các đảo nhân tạo của nước này ở Biển Đông là “vạn lý trường thành bằng cát”.
Vị tư lệnh này báo cáo lên Tổng thống Trump thông qua Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis.
Theo Reuters, các đồng minh của Washington ở châu Á sẽ theo dõi sát việc bổ nhiệm người lên kế nhiệm ông Harris.
Các nguồn tin Mỹ nói rằng một trong các ứng cử viên mạnh là đô đốc Scott Swift, người cũng ủng hộ việc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. - VOA
3.
Trump cải biên, nhưng phần lớn giữ nguyên chính sách Cuba thời Obama --- Cuba lên án chính sách đảo chiều của Trump
Nói rằng ông đang "hủy bỏ thỏa thuận hoàn toàn một chiều của chính quyền trước với chính phủ Cuba," Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu đảo ngược một số phần trong chính sách mở cửa lịch sử của người tiền nhiệm của ông đối với đảo quốc này. Các biện pháp mới bao gồm thắt chặt các hạn chế về du lịch và cấm những giao dịch tài chính với các thực thể có liên hệ tới các cơ quan tình báo và quân đội Cuba. Tập đoàn quân sự GAESA của Cuba ước tính kiểm soát hơn một nửa nền kinh tế của nước này.
Trong bài diễn văn tại khu Little Havana ở thành phố Miami, với Phó Tổng thống Mike Pence và Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio và các chính trị gia hàng đầu khác người gốc Cuba đứng bên cạnh, ông Trump nói rằng ông đã từng bước thực hiện lời hứa lúc vận động tranh cử giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái ở bang chiến trường Florida này, nơi mà lá phiếu của người Mỹ gốc Cuba đã giúp ông vượt lên dẫn đầu.
"Nước Mỹ đã khước từ những kẻ áp bức người dân Cuba," ông nói trước một đám đông hò reo trong nhà hát Manning Artime chật cứng và oi bức, được đặt theo tên của người lãnh đạo cuộc xâm lược Vịnh Con heo bất thành. "Tôi tin rằng sự cáo chung sẽ tới trong một tương lai rất gần."
"Chúng ta sẽ thi hành lệnh cấm du hành. Chúng ta sẽ thi hành lệnh cấm vận. Chúng ta sẽ thực hiện các bước cụ thể để bảo đảm rằng các khoản đầu tư đi thẳng tới người dân để họ có thể mở các doanh nghiệp tư nhân và bắt đầu xây đắp một tương lai tuyệt vời của đất nước họ," ông Trump nói.
Chính phủ Cuba hôm thứ Sáu nói trong một thông cáo rằng họ "nhắc lại sự sẵn sàng tiếp tục đối thoại mang tính tôn trọng và tiếp tục hợp tác về các vấn đề cùng quan tâm với Mỹ. Thông cáo nói rằng Cuba và Mỹ đã chứng tỏ trong hai năm qua rằng "họ có thể hợp tác và sống cùng nhau một cách lịch sự, tôn trọng những khác biệt và cổ xúy những điều có lợi cho cả hai nước và người dân hai nước."
Tuy nhiên, Cuba cảnh báo rằng Mỹ "không nên cho rằng Cuba phải nhượng bộ về chủ quyền và sự độc lập của mình, và Cuba cũng không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào như vậy."
Những chính sách thời Obama giữ nguyên
Các quan chức Nhà Trắng cho biết nhiều thay đổi trong thời kỳ Obama sẽ vẫn được giữ nguyên.
Theo các quan chức cao cấp trong chính quyền, người dân Mỹ vẫn có thể du hành đến Cuba theo những hạng mục được chấp thuận, nhưng việc chấp hành sẽ nghiêm ngặt hơn để bảo đảm du khách tới Cuba thuộc đúng những hạng mục này.
Người dân Mỹ sẽ được phép mang đồ lưu niệm về nhà như rượu rum và xì gà. Các chuyến bay thương mại giữa Mỹ và Cuba sẽ tiếp tục, và quan hệ ngoại giao sẽ không bị ảnh hưởng, dù ông Trump sẽ không bổ nhiệm đại sứ tới Havana.
Cựu Tổng thống Barack Obama đã đình chỉ chính sách được gọi là "chân ướt chân ráo" cho phép người dân Cuba tới được bờ biển của Mỹ có thể nộp đơn xin giấy phép lao động mà cuối cùng có thể được nhập tịch. Sự đảo ngược chính sách của ông Trump sẽ không đụng tới quyết định này.
Sự chống đối chính sách Cuba mới
Ông Obama đề xướng kế hoạch bình thường hóa quan hệ với Cuba và giảm bớt cấm vận thương mại vào năm 2014. Ông lập luận rằng đã đến lúc theo đuổi chính sách giao tiếp với người dân Cuba vì lệnh cấm vận nhắm vào quốc gia cộng sản này kéo dài hàng chục năm qua đã không mang tới thay đổi cho hòn đảo này.
Trong hai năm cuối nhiệm kỳ, ông đã tới Havana để hội kiến Chủ tịch Raul Castro, nhưng không gặp người anh trai Fidel, người đã lãnh đạo cuộc nổi dậy lật đổ nhà độc tài Cuba Fulgencio Batista hơn nửa thế kỷ trước.
Một số quan chức thời Obama chỉ trích quyết định đảo ngược một phần chính sách Cuba, lập luận rằng những chính sách hạn chế hơn sẽ gửi tín hiệu sai lạc cho những người bạn cũng như những đối thủ của Mỹ.
"Chúng ta đã nhìn thấy con đường chắc chắn nhất dẫn tới tiến bộ là thông qua sự giao tiếp. Chúng ta đã thấy điều đó ở Việt Nam, khắp Châu Âu trong Thế chiến thứ hai, ở Iran và Miến Điện, nơi mà ngoại giao từ nhân dân tới nhân dân của chúng ta đã mở đường cho sự thay đổi trên thực địa," Brett Bruen, người từng là Giám đốc Giao tiếp Toàn cầu của ông Obama, nói.
"Raul Castro và những người nắm quyền ở Havana sẽ không buông lỏng quyền lực của họ vì chúng ta siết chặt sự kiểm soát của mình đối với hòn đảo này," ông Bruen nói với VOA. "Nó sẽ chỉ cắt đứt những ngả đường dẫn tới cơ hội và củng cố những lập luận họ đưa ra rằng Mỹ không phải là đối tác cho người dân Cuba."
Carlos Alzhugay, người từng là nhà ngoại giao của Cuba, cho biết bài diễn văn của ông Trump ở Miami là "luận điệu kém cỏi" gợi nhớ tới "những thời điểm tồi tệ nhất trong quan hệ Cuba - Hoa Kỳ."
Được khen ngợi về nhân quyền
Trong khi thành phần có lợi ích kinh doanh cảnh báo về bất cứ hành động nào mà sẽ làm suy yếu mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Cuba, song những người theo Đảng Cộng hòa ủng hộ mạnh mẽ những quyết định của ông Trump. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Dân biểu Ed Royce, trong một thông cáo gửi cho VOA, nói rằng Mỹ phải đứng về phía người dân Cuba trong cuộc đấu tranh giành lấy những quyền tự do cơ bản của họ.
"Đường hướng mới của Tổng thống Obama với anh em nhà Castro đã dẫn tới thêm sự tàn bạo, đàn áp và những vụ bắt giữ chính trị ở Cuba," ông Royce viết. "Chính quyền này đã quyết định đúng khi gạt quân đội Cuba ra ngoài lề và đưa nhân quyền và truy cập Internet lên làm những ưu tiên hàng đầu."
Một số người Mỹ gốc Cuba ca ngợi tính biểu tượng của quyết định đảo ngược chính sách của Trump.
"Chế độ Castro đã không làm gì về nhân quyền," Mike Gonzalez, người mà khi còn nhỏ ở Cuba đã lén lút nghe những chương trình phát thanh sóng ngắn của Đài VOA cùng với gia đình.
Ông Gonzalez, giờ là một thành viên của viện nghiên cứu chính sách Quỹ Di sản ở Washington, so sánh sự xuất hiện của ông Trump ở Little Havana với bài diễn văn nổi tiếng của Tổng thống Ronald Reagan.
"Bài diễn văn ở Cổng Brandenburg của ông Reagan, nơi ông yêu cầu ông Gorbachev, ‘hãy phá bỏ bức tường này,’ vào năm 1987 đang được tưởng nhớ trong tuần này vì dịp kỷ niệm 30 năm vừa đi qua và nhiều người nói ‘Có, tôi có nghe câu nói đó ở Đông Berlin và nó thật hùng tráng," ông Gonzalez nói. "Chúng ta không phải là cảnh sát của thế giới, nhưng chúng ta phải nói rõ cho tất cả những bạo chúa rằng chúng ta đứng về phía những người mà họ đàn áp."
Các quan chức chính quyền cho biết những thay đổi này sẽ không có hiệu lực ngay lập tức. Bộ Tài chính và Bộ Thương mại sẽ có 30 ngày để soạn thảo những quy định mới và sẽ mất một khoảng thời gian không rõ là bao lâu trước khi chúng có thể được thi hành. - VOA
***
Chính phủ Cuba tức giận việc Tổng thống Hoa Kỳ ngưng các chính sách thời Obama cải thiện quan hệ với Havana.
Tuy nhiên, họ nói sẽ vẫn hợp tác với láng giềng lớn hơn này.
Phát biểu trước đó tại Miami, Florida, ông Trump nói ông sẽ áp dụng lại những giới hạn về đi lại và mậu dịch mà chính quyền Obama từng nới lỏng.
Ông Trump lên án chính sách này là "thỏa thuận hoàn toàn phiến diện".
Tuy nhiên ông không đảo ngược lại các quan hệ thương mại và ngoại giao chính.
"Chính phủ Cuba lên án các biện pháp mới thắt chặt cấm vận ," truyền hình nhà nước Cuba nói.
Nhưng họ cũng tái khẳng định "sẵn lòng tiếp tục đối thoại và hợp tác trên tinh thần tôn trọng".
Tổng thống Trump nói chính sách mới của ông sẽ siết chặt qui định về đi lại và chuyển tiền sang Cuba.
Ông nói về các quan ngại nhân quyền và nói đạt thỏa thuận với chính phủ Castro "tàn bạo" là "khủng khiếp" và "lầm đường".
Các công ty và công dân Hoa Kỳ cũng sẽ bị cấm làm ăn với mọi doanh nghiệp chịu kiểm soát của quân đội hay lực lượng tình báo Cuba.
"Chúng ta không muốn đồng USD lại giúp cho thể chế quân sự độc quyền khai thác và lạm dụng người dân Cuba," ông Trump được New York Times dẫn lời nói.
Tuy nhiên, ông Trump sẽ không đóng đại sứ quán Hoa Kỳ tại Havana, tuyến bay thương mại từ Hoa Kỳ sẽ vẫn tiếp tục, và người Mỹ sẽ vẫn có thể quay về Mỹ với hàng hóa mua từ Cuba. - BB
4.
Lính Afghanistan xả súng vào quân đội nước ngoài
Một lính người Afghanistan tấn công quân đội nước ngoài hôm thứ Bảy 17/06 khiến nhiều lính Mỹ bị thương.
Vụ tấn công xảy ra tại căn cứ quân sự ở phía Bắc Afghanistan, một quan chức xác nhận với BBC.
Phát ngôn viên của chỉ huy quân đội Hoa Kỳ, đóng tại thủ đô Kabul đã bác bỏ thông tin trước đó cho rằng một lính Mỹ đã thiệt mạng, nhưng xác nhận một số lượng chưa xác định đã bị thương khi người lính Afghanistan xả súng vào trại Shaheen.
Chiến dịch Resolute Support do Nato dẫn dắt cũng cho biết một lính người Afghanistan đã thiệt mạng và một người khác bị thương trong vụ việc xảy ra vào khoảng 1400 giờ địa phương.
Khu trại đặt tại thành phố Mazar-i-Shariff, là căn cứ của Quân đoàn 209.
Một lính người Afghanistan tấn công quân đội nước ngoài tại một căn cứ quân sự khiến nhiều lính Mỹ bị thương.
Vụ tấn công xảy ra tại căn cứ quân sự ở phía Bắc Afghanistan hôm thứ Bảy 17/06, một quan chức xác nhận với BBC.
Một phát ngôn viên của chỉ huy quân đội Hoa Kỳ, đóng tại thủ đô Kabul đã bác bỏ thông tin trước đó cho rằng một lính Mỹ đã thiệt mạng, nhưng xác nhận số lượng chưa xác định đã bị thương khi người lính Afghanistan xả súng vào trại Shaheen.
Chiến dịch Resolute Support do Nato dẫn dắt cũng cho biết một lính người Afghanistan đã thiệt mạng và một người khác bị thương trong vụ việc xảy ra vào khoảng 1400 giờ địa phương.
Khu trại đặt tại thành phố Mazar-i-Shariff, là căn cứ của Quân đoàn 209.
Vụ tấn công xảy ra một tuần sau khi một lính biệt kích người Afghanistan bắn chết ba lính đặc nhiệm Mỹ ở phía Đông nước này. Taliban tuyên bố đứng sau vụ tấn công.
Taliban cũng nhận trách nhiệm vụ tấn công ở Mazar-e-Sharif hồi tháng Tư, khi hơn 100 quân Afghan bị giết hại và bị thương tại căn cứ.
Quân đội cho biết phiến quân nhắm vào những người đã rời khỏi buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu tại đền thờ Hồi giáo của căn cứ và những người khác bị tấn công tại nhà ăn. - BBC
5.
Tâm trạng 'u ám' trong thông điệp sinh nhật của Nữ hoàng Anh
Nữ hoàng Anh nói "thật khó để có thể vượt ra khỏi tâm trạng thật u ám" bao trùm lên dân tộc này sau những thảm kịch ở London và Manchester.
Nữ hoàng Elizabeth II nói nước Anh phải "chứng kiến hàng loạt thảm kịch liên tiếp" trong những tuần qua.
Nữ hoàng đọc thông điệp gửi toàn dân nhân dịp sinh nhật mình, sau vụ biểu tình phản đối vụ tòa tháp Grenfell Tower bị cháy rụi khiến ít nhất 30 người chết.
Nhưng nữ hoàng cũng nói thêm: "Tuy bị thử lửa, Anh Quốc vẫn kiên quyết đối mặt với nghịch cảnh.
'Thảm kịch kinh hoàng'
Thủ tướng Anh Theresa May, người bị dân chúng nhạo báng khi tới thăm khu vực Kensington, nơi xảy ra vụ cháy, hôm thứ Sáu 16/06, cam kết sẽ "truy ra tận gốc" vụ việc.
Nữ thủ tướng chịu hàng loạt chỉ trích về cách bà phản ứng với thảm họa này.
Nữ hoàng và Công tước xứ Cambridge trước đó đã tới gặp các tình nguyện viên, người dân và đại diện cộng đồng trong chuyến thăm nơi cứu hộ tạm thời ở Trung tâm Thể thao Westway.
Trong thông điệp hôm thứ Bảy 17/06, Nữ hoàng nói: "Hôm nay là ngày lễ truyền thống. Nhưng năm nay, thật khó có thể vượt ra khỏi tâm trạng thật u ám bao trùm lên dân tộc này."
Bà nói: "Trong chuyến thăm gần đây ở Manchester và London, tôi cảm động sâu sắc trước lòng thiện nguyện của mọi người trên khắp cả nước, sẵn sàng đến với những ai đang tuyệt vọng cần được động viên và hỗ trợ."
"Đoàn kết trong nỗi buồn, nhưng chúng ta cũng quyết tâm mà không sợ hãi hay chờ đợi ân huệ, để hỗ trợ tất cả những ai phải gây dựng lại cuộc sống của họ, sau những mất mát và thương tổn kinh hoàng."
Cột lửa bốc lên lúc Một giờ sáng (giờ địa phương) từ tòa nhà cao 24 tầng, trong đó có 120 căn hộ 1 - 2 phòng ngủ.
Lửa thiêu rụi toàn bộ các tầng trong tòa nhà, và phải mất hơn một ngày sau, 200 lính cứu hỏa mới có thể kiểm soát được đám cháy.
Biểu tình nổ ra hôm thứ Sáu ở London, với người dân bị nạn yêu cầu được hỗ trợ tốt hơn nữa.
Tòa thị chính Kensington và Chelsea bị khoảng 50 - 60 người xông vào yêu cầu những người nay vô gia cư được giúp đỡ "ngay lập tức".
Xô xát cũng xảy ra bên ngoài Clement James Centre, ở North Kensington.
Mục sư Mike Long nói với Radio 4 của BBC rằng, cộng đồng đang rất giận dữ.
"Người dân đang cực kỳ giận dữ, họ nổi giận, họ bối rối, họ có rất nhiều thắc mắc. Họ cảm thấy không ai lắng nghe mình và những gì họ cố gắng bày tỏ chưa từng được ghi nhận, và họ không biết làm thế nào để bày tỏ những điều đó ở thời điểm này."
Thủ tướng Anh bị chỉ trích khi không tới gặp những nạn nhân sống sót vụ hỏa hoạn, như lãnh đạo đảng Lao Động, Jeremy Corbyn và Thị trưởng London Sadi Khan đã làm.
Thủ tướng cam kết khoản tiền 5 triệu bảng Anh hỗ trợ quần áo, thực phẩm và đồ cứu tế khẩn cấp, nhưng bị người dân hò hét, gọi bà là "đồ hèn" sau chuyến thăm hôm thứ Sáu.
Số tiền này cũng sẽ được dùng để lo chỗ ở cho cư dân tòa nhà Grenfell Tower.
Bà May nói với BBC rằng, chính quyền đang làm mọi thứ có thể để giúp người dân.
Nhưng khi được hỏi bà có đánh giá sai thái độ, tình cảm của công chúng, bà nói:
"Thảm họa kinh hoàng đã xảy ra. Nhiều người đã mất đi cuộc sống của họ và có những người mất tất cả.
"Những gì chúng tôi đang làm là đưa ra hàng loạt hỗ trợ để giúp đỡ họ."
Đêm hôm thứ Sáu, hàng trăm người sát cánh bên nhau tưởng niệm nạn nhân của vụ hỏa hoạn.
Nhiều người khóc lớn, nến thắp sáng con đường bên ngoài Trung tâm Công giáo Latymer, chỉ cách vụ cháy vài chục thước.
Lực lượng khẩn cấp vẫn đang tìm kiếm thi thể trong tòa tháp đã cháy rụi ở North Kensington. - BBC
6.
Chiến dịch tìm kiếm thủy thủ USS Fitzgerald sau vụ va chạm
Chiến dịch tìm kiếm bảy thủy thủ Mỹ đang diễn ra ngoài khơi Nhật Bản sau khi tàu chiến USS Fitzgerald va chạm với một tàu chở hàng.
Máy bay, tàu và trực thăng của Nhật Bản và Hoa Kỳ được huy động nhưng cho tới nay vẫn chưa có tung tích của những thủy thủ này.
Ba người bị thương đã được chở đi cấp cứu bằng trực thăng, trong đó có sĩ quan chỉ huy tàu.
Mạn tàu chiến bị hư hỏng nặng sau va chạm, nhưng vẫn có thể trở về căn cứ ở Yokosuka với sự hỗ trợ của một tàu kéo khác.
Tàu chiến USS Fitzgerald va chạm với chiếc tàu chở container ACX Crystal khoảng 103 km về phía tây nam Yokosuka khoảng lúc 2 giờ 30 sáng theo giờ địa phương hôm thứ Bảy.
Tàu ACX Crystal mang cờ Philippines và nặng dưới 30 ngàn tấn, nặng hơn tàu USS Fitzgerald khoảng 3 lần.
Phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của BBC từ Tokyo nói vụ đụng tàu xảy ra tại khu vực rất nhiều tàu bè qua lại vì tàu ra vào vịnh Tokyo.
Tuy nhiên USS Fitzgerald là một trong những tàu chiến tân tiến nhất thế giới với các hệ thống radar rất tinh vi.
Thông tin hàng hải cho thấy dường như tàu chở hàng của Philippines đã đột ngột quay đầu khoảng 25 phút trước khi xảy ra vụ đụng độ. Không rõ vì sau tàu này muốn đổi hướng.
Tốc độ di chuyển của tàu ACX Crystal lúc xảy ra va chạm là 27km/h. - BBC
7.
Chiến hạm Mỹ-Nhật thao dượt chung ở Biển Đông
Hai chiến hạm của Nhật vừa thao dượt chung với hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan ở Biển Đông, theo tin của báo chí Nhật hôm nay, 17/06/2017.
Tờ Yomiuri Shimbun cho biết là từ ngày 13 đến ngày 15/06 vừa qua, chiếc tàu chở trực thăng JS Izumo và khu trục hạm JS Sazanami của Nhật đã tập huấn chung với hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng nguyên tử USS Ronald Reagan và một khu trục hạm của Mỹ ở vùng Biển Đông.
Tờ báo Nhật nói trên và hãng tin All-Nippon News Network đều ghi nhận đây là lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm của Mỹ và hải quân Nhật thao dượt chung tại vùng biển mà Trung Quốc đang nhanh chóng quân sự hóa các đảo tranh chấp.
Cuộc tập huấn chung này diễn ra một tháng sau khi chiến hạm Izumo của Nhật được triển khai để bảo vệ một tàu tiếp liệu của Mỹ. Việc triển khai này, theo lời bộ trưởng Quốc Phòng Tomoni Inada, là nhằm thể hiện sự vững chắc của liên minh quân sự Mỹ-Nhật. Nhưng một số nghị sĩ và tổ chức xã hội dân sự ở Nhật đã phản đối quyết định đó, vì họ không đồng ý với chính sách của Tokyo mở rộng hoạt động quân sự ở nước ngoài.
Gần đây Trung Quốc đã cảnh cáo Hoa Kỳ và Nhật Bản là không được can thiệp vào hồ sơ Biển Đông, sau khi bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ chỉ trích các hoạt động của Bắc Kinh bồi đắp các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. - RFI
Tin Hoa Kỳ
8.
Trump nợ Mỹ, chủ nợ quốc tế ít nhất 315 triệu đôla
Tổng thống Mỹ Donald Trump nợ nước Mỹ và các chủ nợ quốc tế ít nhất là 315 triệu đôla Mỹ trong các khoản nợ cá nhân, bao gồm 130 triệu đôla nợ Ngân hàng Deutsche.
Văn phòng Đạo đức Chính phủ Hoa Kỳ công bố văn bản công khai tài chính mới nhất của Tổng thống vào cuối ngày thứ Sáu. Tài liệu 98 trang này được đăng lên website của văn phòng đạo đức.
Văn bản này cho thấy ông Trump có thu nhập hơn nửa tỉ đôla - ít nhất là 594 triệu đôla cho năm 2016 và đầu năm 2017.
Ông kiếm được 20 triệu đôla thu nhập từ khách sạn của ông ở Washington, khai trương vào tháng 9 năm ngoái, và thêm 115,9 triệu đôla từ Câu lạc bộ Golf Doral Quốc gia Trump ở thành phố Miami, bang Florida.
Nhà Trắng nói trong một thông cáo hôm thứ Sáu rằng ông Trump "hoan nghênh cơ hội tự nguyện nộp đơn công khai tài chính cá nhân của mình," và nói thêm rằng đơn này đã được "chứng nhận bởi Văn phòng Đạo đức Chính phủ tuân theo những thủ tục bình thường của văn phòng."
Tuy nhiên, Tổng thống vẫn chưa công bố hồ sơ thuế của mình. Hồ sơ thuế cung cấp một bức tranh chi tiết hơn về những hoạt động tài chính của ông. - VOA
Tin Việt Nam
9.
Xử blogger Mẹ Nấm vào ngày 29 tháng 6/Trần Thị Nga cần được điều trị bệnh
Cập nhật thông tin về hai nhà hoạt động nữ đang bị giam giữ.
Phiên xử blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa lên lịch vào ngày 29 tháng 6 tới đây. Tội danh mà cơ quan này nêu trong lịch xét xử đối với nhà hoạt động đang bị giam giữ là ‘tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Nếu phiên xử diễn ra đúng như lịch mà Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa công khai thì sau hơn 8 tháng bị giam giữ để điều tra về những cáo buộc liên quan, blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra tòa để bị luận tội và nhận án.
Bà Nguyễn thị Tuyết Lan, thân mẫu của blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho Đài Á Châu Tự do biết đến thời điểm ngày 17 tháng 6 năm 2017 con gái của bà bị giam đúng 250 ngày mà bà không được cơ quan chức năng cho biết tin gì về người bị giam giữ, cũng như không cho thăm gặp.
Theo bà Nguyễn thi Tuyết Lan thì khi được luật sư Nguyễn Khả Thành, cho biết tin về lịch xử blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thì bà thấy rằng như thế con gái bà vẫn còn sống.
Tin cho biết hai luật sư Nguyễn Hà Luân và Lê Văn Luân ở Hà Nội đã nhận được giấy chứng nhận bào chữa cho blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Trong khi đó hai luật sư thuộc Đoàn Phú Yên là Nguyễn Khả Thành và Võ An Đôn đến ngày 17 tháng 6 vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận bào chữa theo như thư yêu cầu mà blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh gửi từ trại giam ra.
Xin được nhắc lại blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một nhà hoạt động lên tiếng mạnh mẽ về nhiều vấn đề tại Việt Nam như chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa; cổ xúy cho quyền con người; chống nạn công an bạo hành, bảo vệ môi trường sạch…
Về trường hợp nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga hiện đang bị giam giữ ở Trại tạm giam Công an Tỉnh Hà Nam cũng với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 88 Bộ Luật hình sự, thì luật sư được cấp giấy chứng nhận bào chữa cho bà là Hà Huy Sơn vào ngày 17 tháng 6 có đơn đề nghị chuyển bà đến bệnh viện điều trị.
Đơn vừa nêu được làm sau ngày 16 tháng 6 khi luật sư có cuộc làm việc tại Trại tạm giam với thân chủ là bà Trần Thị Nga. Theo đó bà này bị hiện bị rách niêm mạc họng, suốt 20 ngày qua chỉ có thể ăn cháo khiến sức khỏe suy kiệt nhanh; trong khi đó điều kiện y tế và thuốc men của Trại tạm giam không bảo đảm khiến bệnh tình của bà Trần Thị Nga ngày càng trầm trọng.
Bản thân bà Trần thị Nga đã hai lần đề nghị Ban Giám thị Trại tạm giam cho đi bệnh viện chữa trị nhưng không được chấp thuận.
Theo luật sư Hà Huy Sơn thì theo luật của Việt Nam hiện nay trại trạm giam phải có trách nhiệm đưa bà Trần Thị Nga đi bệnh viện điều trị.
Nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga bị bắt vào ngày 21 tháng 1 năm 2017. Bà là người tích cực hoạt động giúp những lao động xuất khẩu bị lừa’ đặc biệt những công nhân Việt ở Đài Loan nơi bà từng sang lao động. Bà cũng tham gia hoạt động cổ xúy dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam; lên án bất công, tham nhũng, hủy hoại môi trường… - RFA
10.
Việt Nam: Trung Quốc cần hành động trách nhiệm
Bộ Ngoại giao Việt Nam mới lên tiếng như vậy sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ ra báo cáo nói rằng Bắc Kinh sắp hoàn tất việc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 15/6 nhắc lại rằng “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Bà nói tiếp rằng “mọi việc làm của nước ngoài tại khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp và không thể làm thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo này”.
Phản ứng của nữ phát ngôn viên này được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ đầu tháng này công bố một phúc trình trong đó nói rằng tính đến cuối năm 2016, Bắc Kinh đã xây dựng đến 24 nhà chứa máy bay cùng nhiều công sự trên các thực thể tranh chấp với nhiều nước, trong đó có Việt Nam, là Bãi đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn, theo AP.
Lầu Năm Góc cũng nhận định rằng Bắc Kinh có khả năng triển khai nhiều máy bay chiến đấu tới các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng ở quần đảo Trường Sa.
Về nhận định trên, bà Hằng nói: “Chúng tôi cho rằng là một quốc gia lớn ở khu vực và trên thế giới, Trung Quốc cần hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Chính quyền Bắc Kinh chưa lên tiếng phản ứng trước các phát biểu của nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam. - VOA
11.
Philippines giải cứu con tin Việt
Các binh sĩ Philippines đã cứu sống một thuyền viên Việt Nam bị các chiến binh có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo bắt cóc suốt bảy tháng qua ở miền nam nước này.
Quân đội quốc gia Đông Nam Á này được hãng tin AFP dẫn lời cho biết như vậy hôm 17/6.
Một phát ngôn viên được trích lời nói rằng anh Hoang Vo, 28 tuổi, được giải cứu hôm 16/6 sau khi một cuộc không kích vào căn cứu của nhóm Abu Sayyaf trên đảo Basilan đã phân tán những kẻ bắt cóc.
Thuyền viên người Việt này đang được chữa trị vết thương ở lưng, nhưng không rõ chấn thương như thế nào.
Ông Vo bị bắt tháng 11 năm ngoái cùng với một cùng với 5 thuyền viên khác, sau khi các chiến binh tràn lên một chiếc tàu ngoài khơi đảo Sibago ở vùng Mindanao ở miền nam.
AFP cho biết không có cách nào để kiểm chứng độc lập tường trình của quân đội.
Nhóm Abu Sayyaf đã thực hiện các vụ bắt giữ người nước ngoài và cư dân địa phương để đòi tiền chuộc.
Philippines cho biết rằng hiện vẫn còn khoảng 26 con tin vẫn bị giữ, trong đó có người Việt Nam.
Theo Reuters, Abu Sayyaf là một mối quan ngại lớn của Philippines, và không có dấu hiệu cho thấy rằng nhóm này ngưng việc bắt cóc đối với các mục tiêu thường xuyên nhất là các thủy thủ tàu viễn dương của Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
Nhóm này cũng bắt giữ các con tin phương Tây, và năm ngoái đã sát hại hai công dân Canada và một người Đức.
Chính phủ Philippines cam kết sẽ triệt tiêu Abu Sayyaf nhằm ngăn nạn hải tặc cũng như chặn Nhà nước Hồi giáo bám rễ ở khu vực bất ổn nằm ở miền nam nước này, gần Indonesia và Malaysia. - VOA
Link:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét