Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Sau 41 năm, nhà sách Tú Quỳnh chia tay đồng hương - Đằng-Giao/Người Việt

 

WESTMINSTER, California (NV) – Nhà sách Tú Quỳnh, trong khu Bolsa Mini Mall, Westminster, một trung tâm văn hóa của người gốc Việt ở Little Saigon tại Orange County từ năm 1979, đã chính thức đóng cửa vĩnh viễn từ ngày 13 Tháng Mười, 2020. Nhà sách Tú Quỳnh trong Bolsa Mini Mall, Westminster, sẽ không còn nữa. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt) “Mấy năm nay, nguồn thu nhập chính của Tú Quỳnh là từ phân phối vé ca nhạc. Nhưng từ Tháng Ba năm nay tới giờ, hoạt động ca nhạc ở vùng Little Saigon bị hoàn toàn đình trệ,” bà Phan Hoàng Yến, chủ nhân nhà sách Tú Quỳnh nói. “Tôi không muốn đóng cửa chút nào, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác.”   

<!>

Điểm hẹn của những người níu giữ văn hóa Việt

Nhìn quanh nhà sách, nơi bà lui tới hằng ngày trong suốt 41 năm, bà “Yến Tú Quỳnh” bùi ngùi: “Hai vợ chồng tôi cùng nhau mở nhà sách này, rồi ba năm trước, ông ấy qua đời. Tôi tưởng mình sẽ giữ được. Ai dè…”

Bà thở dài, không nói được hết câu. Bà than: “Dịch COVID-19 này tai hại quá, ảnh hưởng tới mọi chuyện làm ăn của mọi người.”


Vài phút cuối trong nhà sách của bà “Yến Tú Quỳnh.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Trong số thân hữu rủ nhau đến thăm bà “Yến Tú Quỳnh” lần chót tại nhà sách Tú Quỳnh có ông Tô Văn Lai – sáng lập viên trung tâm Thúy Nga, ông Tony Lâm – cựu nghị viên Westminster, ông Kỳ Phát – chủ nhiệm báo Trẻ Cali, ông Lương Văn Tỷ – giám đốc đài Tiếng Nói Việt Nam (đã đóng cửa), ông Lê Bá Chư – giám đốc trung tâm Giáng Ngọc (đã đóng cửa), nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên – giám đốc Ana Real Estate, ông Trần Quốc Bảo – chủ nhiệm báo Thế Giới Nghệ Sĩ…

Ai ai cũng không giấu được sự buồn rầu. Sau này, họ có thể gặp bà ở một nơi nào khác, nhưng không thể ở Tú Quỳnh nữa.

Ông Tony Lâm chia sẻ: “Với tôi, nhà sách Tú Quỳnh đại diện cho cả một nền văn hóa chúng ta mang theo.”

“Lúc ban đầu, nhà sách Tú Quỳnh và trung tâm băng nhạc Thanh Lan là hai nơi phát hành những bản nhạc gợi lại cho người tị nạn Cộng Sản mới đến Mỹ những hình ảnh tiêu biểu của một thời thanh bình và thịnh trị của Việt Nam Cộng Hòa,” ông kể.

“Không còn Tú Quỳnh, chúng ta phải chịu một mất mát lớn lao. Tú Quỳnh có mặt tại địa điểm hiện tại từ khi Little Saigon chưa có tên,” ông tiếp.

Một góc nhà sách Tú Quỳnh. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông Trần Quốc Bảo gọi nhà sách Tú Quỳnh là một “nhà hàng cung cấp những món ăn tinh thần cho những người yêu nhạc, yêu sách báo.”

Ông thú nhận là rất xúc động đứng trước một nơi có rất nhiều kỷ niệm trong suốt 41 năm qua, từ chuyện lựa chọn từng cuốn sách, từng dĩa nhạc đến lúc gởi sách báo, vé chương trình ca nhạc. “Từ nay, tôi phải giã từ một tổ ấm,” ông nói.

Tú Quỳnh là gạch nối, đưa về ký ức tuổi thơ

Nhiều khách hàng cũng có những kỷ niệm gắn bó với nhà sách Tú Quỳnh.

Bà Lưu Hoàng Thanh Nhẫn, ở Garden Grove, nói: “Tôi qua đây năm 1982. Hồi đó, mỗi sáng Thứ Bảy là hai chị em tôi đến đây. Chị tôi đi làm từ sáng tới khuya nên chúng tôi ít khi gặp nhau ở nhà. Cuối tuần, chúng tôi tới đây, vừa lựa sách, vừa hỏi thăm nhau, vừa bàn chuyện gởi đồ về cho gia đình ở Việt Nam.”

Từ trái, ông Tony Lâm, bà “Yến Tú Quỳnh,” ông Lương Văn Tỷ và ông Tô Văn Lai, không ai giấu được nỗi buồn. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

“Có vài lần, chúng tôi ra nhà hàng, nhưng câu chuyện, không hiểu vì sao mà trở nên ngượng ngập, lúng túng lắm. Sau cùng, chị em tôi lại quay về Tú Quỳnh và lại cảm thấy thoải mái như trước,” bà cười nhớ lại.

Chỉ vào lối đi ở trước quầy tính tiền, bà nói: “Lúc trước, ở đây là một cái thùng lớn đựng đầy băng cassette. Tuần nào tôi cũng mua vài cuốn băng nhạc và vài cuốn sách. Coi như phần thưởng cuối tuần cho mình và gia đình.”

Ông Đỗ Hoài Lâm, ở Westminster, nói: “Tú Quỳnh là thư viện của tôi. Tất cả những cuốn sách tôi đọc hồi ở Việt Nam, Tú Quỳnh có hết. Bởi vậy, Tú Quỳnh là gạch nối, đưa tôi về với ký ức tuổi thơ của những ngày xa xưa yên ấm.”

“Tôi quen bà xã tôi ở Tú Quỳnh vì chúng tôi cùng mê đọc sách và cùng thương nhớ Việt Nam,” ông kể. “Anh em bè bạn ở xa về đây, tôi đều đưa ra đây coi và ai cũng mê sách ở đây.”

Ông Nguyễn Đức Khánh, ở Garden Grove, nói: “Nếu gọi Little Saigon là quê hương thứ hai của người tị nạn thì phải gọi nhà sách Tú Quỳnh là ‘thư viện quốc gia’ mới phải.”


Một trong vài khách hàng cuối cùng của nhà sách Tú Quỳnh. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Chuyện nhà sách Tú Quỳnh phải đóng cửa vĩnh viễn làm nhiều người bùi ngùi.

Bà Kathy Trân Nguyễn, ở Westminster, thở dài: “Bài ‘Mưa Hồng’ của Trịnh Công Sơn có câu kết là, ‘…Em đi về, cầu mưa ướt áo/ Đường phượng bay, mù không lối vào/ Hàng cây lá xanh gần với nhau…’ Nếu ‘Hàng cây lá xanh gần với nhau’ là để che lại, để đóng lại những kỷ niệm một thời quyến luyến, thì chuyện Tú Quỳnh đóng cửa cũng là một chương sách Little Saigon vừa bị che kín. Nhưng có lẽ cũng mở đầu để những kỷ niệm 30 năm của tôi đối với nhà sách này sống lại trong tôi.”

Ông Jack Công Nguyễn, ở Huntington Beach, nói nhỏ: “Tôi mua cuốn sách ở đây về dạy con trai tôi đánh vần tiếng Việt. Con tôi bây giờ 34 tuổi rồi.”

Đứng ở trước tiệm, bà “Yến Tú Quỳnh” nói thật nhỏ: “Tôi xin cám ơn tất cả khách hàng, các nhà báo, các văn nghệ sĩ đã ủng hộ Tú Quỳnh trong thời gian qua.” (Đằng-Giao) [qd]

Không có nhận xét nào: