Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2020

Mẹ Đi Bỏ Ánh Trăng Rằm - KD


Mẹ đi bỏ ánh trăng rằm ,
Mẹ đi để lại lạnh tăm cuộc đời
Trần gian con thấy đơn côi ,
Tìm Mẹ đâu giữa dòng đời Mẹ ơi !!! .
Mẹ tôi sinh nhiều lần, nhưng sau cùng chỉ còn nuôi được sáu, mặc dù khi ấy mẹ tôi còn trẻ. Sau này khi được nghe nhắc lại tôi mới hiểu là vì mỗi lần sinh con, mẹ tôi luôn bị trầm trà trầm trật, nên thôi. Có đứa, mẹ tôi bị đau lên đau xuống từ khi còn mang trong bụng. Riêng về tôi, mẹ vẫn bảo: "Cu hành mợ nhiều nhất, có lúc mợ đã nghĩ cả Cu lẫn mợ cùng đi luôn. Cũng may nhà dạo đó có tiền, mợ lo chạy thang, chạy thuốc, kiêng khem, nằm nghỉ, nên mới giữ được". Có lẽ vì vậy khi được sinh ra, tôi vặt vẹo bịnh hoài. Lúc nào u em cũng thủ sẵn chai dầu Nhị Thiên Đường, để cứ hơi thấy tôi hắt hơi sổ mũi là bôi miết vào cổ, hai bên thái dương. Khi tôi lên 4 tuổi, không biết nguyên do nào, bỗng dưng tôi bị chứng đau mũi. Suốt ngày máu mũi cứ tuôn ra ầm ầm, mùi hôi không chịu nổi. Mẹ phải bảo u em đem cái ghế bố ra trước nhà cho tôi nằm nhìn lên ngọn me xanh.
<!>
Mẹ lo chạy đủ thầy, đủ chỗ, ai chỉ đâu theo đó để chữa trị cho căn bệnh của tôi, nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh. Có lúc mẹ đã thất vọng, bỏ mặc cho bệnh đến đâu hay đó. Thế rồi chẳng rõ tại sao mà bệnh hết, tôi mới bắt đầu được cho đi học như mọi người. Lúc đó thì anh chị em tôi cũng chỉ còn lại bốn thay vì sáu. Hai đứa em đẹp trai nhất nhà lẳng lặng rủ nhau đi, khiến mẹ tôi nhớ thương khóc sưng cả mắt.

Bà chị cả của tôi đẹp như cô công chúa. Sẵn nhà có tiền, nên mẹ tôi sắm sanh đủ mốt cho chị. Kiểu áo nào cũng có, tóc tai uốn dợn hết mốt này sang mốt khác. Thuở ấy đâu đã có tiệm uốn tóc như bây giờ, nên muốn làm tóc xoăn như uốn, mẹ phải hơ đôi đũa sắt gắp than cho nóng rồi quấn vào tóc chị cho xoăn lại. Đây là cả một nghệ thuật vì hơ non thì tóc không xoăn mà hơ già quá thì tóc bị cháy khét. Mẹ tôi nuôi rất nhiều hi vọng ở chị, trong tâm lúc nào cũng nghĩ là về sau chị sẽ thay mẹ lo lắng, chăm sóc đàn em. Đùng cái năm chị tôi lên mười tám, đột nhiên chị trốn nhà. Ai đó rủ rê chị đem giấu dưới ghe miệt Cầu Ông Lãnh, định đưa đi xa. Mẹ tôi dò biết được, đến làm um lên, họ mới chịu thả ra. Vậy rồi mẹ vẫn không giữ được chân chị, và lần kế tiếp chị lại trốn đi, mẹ không làm sao tìm lại được. Thế là thêm một lần mẹ khóc cạn nước mắt.

Mẹ buồn, mẹ theo bạn đi lễ chùa. Các bà bạn của mẹ sắm sanh ra hầu đồng, rủ rê mẹ, nhưng mẹ chỉ đi theo mà không trình đồng như họ. Mẹ bảo số mẹ không có căn hầu cửa phủ như họ. Mỗi lần đi lễ, mẹ thường dắt ba anh em tôi theo. Mẹ cứ đẩy chúng tôi lên ngồi phía trước chiếu gần chỗ đồng hầu và cung văn. Nên khi đồng nhập, anh em chúng tôi thường được ban lộc cho nhiều nhất. Mẹ lại lấy số tử vi cho từng đứa và cất kỹ trong nhà. Mỗi năm vào dịp Tết, mẹ lại đem ra xem khắp lượt, để hiểu xem năm tới đây con nào của mẹ xui hên ra sao. Không biết thầy xem sao bấm quẻ thế nào mà cứ nhất định là sau này mẹ sẽ được nhờ thằng em kế tôi nhất. Cho nên của đáng tội, mẹ ít có sự chăm chú đến tôi. Bao nhiêu tình thương mẹ dồn vào thằng em đó, khiến nó đâm quấy mẹ lằng nhằng.

Lớn mười một tuổi rồi mà ngồi đâu cũng đòi sờ tí mẹ. Tôi thường phản đối la rầy nó, nhưng mẹ gạt đỡ đi. Mẹ bảo: Đứa nào lớn bao nhiêu thì vẫn là con mợ. Cu không thích sờ tíi thì để mặc em. Dào, thuở nhỏ đứa nào chẳng rúc vào vú mẹ, bây giờ lớn lớn một chút thì làm bộ chê ỏng chê eo. Mặc em, cho nó thích". Dạo ấy, bố thường vắng nhà nên mẹ càng thương chiều em tợn. Còn với tôi, mẹ có hơi đối xử khắt khe hơn. Tôi chỉ lớn hơn em 2 năm, nên nào đã thấu hiểu được lòng tổn thương của mẹ, cứ nhơn nhơn thoải mái cười đùa.

Trước mẹ chỉ mắng chí chát, sau rồi bị ăn roi vọt liên miên. Tôi chẳng có lỗi lớn lao hay hỗn hào gì, chỉ có mỗi cái tội là chiều nào cũng ra đứng trước nhà. Cứ thế mẹ gọi vào phết cho roi nào roi ấy thật lực. Trăm lần như một, mẹ đều chì chiết: "Sao mà giống cha mày thế". Thì ra sự vắng mặt của bố là nguyên do làm cho mẹ giận.

Rồi vì tôi là đứa giống bố nhất nhà, giống từ cái gáy, tướng đi cho đến cái khịt mũi, ho khan, nên phải chịu đòn đau. Có lần mẹ giận quá, đánh tôi rất dữ, rồi còn xích cả chân tôi vào cột nhà. Nhưng khi nào hễ mẹ chỉ xích chân và không cột vào đâu là tôi cứ vừa ôm vòng xích, vừa lò cò ra sân nghịch với lũ bạn. Tôi chả biết thẹn gì cả và mẹ cũng chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm cho tật lì lợm của tôi. Ấy vậy nhưng của đáng tội, nào mẹ có ghét bỏ gì tôi. Có lần tôi đi ngủ mà mẹ vẫn chưa tha mở khóa xích, cứ thế tôi mang theo cả xích chân vào giường. Rồi trong bóng đêm mơ màng tôi đã nghe mẹ khóc thút thít và mở khóa xích chân ra. Tôi những muốn choàng dậy ôm lấy mẹ xin tha thứ. Nhưng rồi tôi lại vẫn nằm im để nhận được thêm lòng yêu thương của mẹ lâu hơn, bõ những lúc buồn tủi một mình.

Năm em tôi lên 13 tuổi, đang đi học yên lành, bỗng kêu đau bụng lăn lộn. Mẹ cho em nghỉ học. Thường ngày em vẫn hay nhâm nhi viên đường thẻ, nên nhà cứ nghĩ là đau bụng vì đường. Nhưng qua mấy ngày em vẫn không bớt, mà còn đau nặng lên. Mẹ phải cho em đi khám. Bác sĩ đoán em bị ruột thừa, giữ nằm bệnh viện chờ mổ. Được vài ngày càng thấy em lăn lộn dữ hơn, bác sĩ khuyên mẹ đưa em vào điều trị tại St Paul. Em được các sơ chăm sóc,bác sĩ chuyên môn theo dõi và quyết định mổ liền. Khi mũi dao vừa được đưa vào thì khám phá ra em bị ung thư ruột rất nặng.

Qua cuộc giải phẫu, bác sĩ cho biết nếu sau 72 tiếng không có biến chứng gì xảy ra thì em mới hi vọng qua khỏi. Em được đưa xuống phòng nằm, cả nhà phập phồng lo sợ cho em. Tôi cùng vào nhà thương chăm sóc em với mẹ. Cả đêm cứ thấy mẹ ngồi bên lẫm rẩm cầu xin Phật Bà phù hộ cho em khỏi bệnh. Qua được 2 ngày và 1 đêm thấy em êm êm, mẹ đã mừng. Chỉ còn vài giờ nữa là qua cái hạn định 72 tiếng. Bỗng nửa đêm, tôi đang nằm dưới đất ngủ, mẹ cũng đang chập chờn trên ghế cạnh giường em thì nghe em hét lên. Chỗ băng vết mổ bật máu vì do em giãy giụa. Hai tay em chờn vờn, mẹ hét lên đau đớn. Số phần em coi như hết. Giữa đêm Saigon đang ngủ thì ở trong một góc bệnh viện St Paul, em đã từ giã ra đi. Mẹ bối rối không biết làm gì nữa.

Bà sơ đến xin mẹ cho em được rửa tội lúc lâm chung. Mẹ cũng gật đầu cho rồi. Thế là phút sau cùng em đã thành con cái Chúa, dù gia đình hoàn toàn theo Phật. Quãng đường đưa em từ chỗ nằm xuống nhà xác sao dài và im vắng quá. Hai mẹ con lẽo đẽo theo cáng em mà lòng như vữa ra. Chôn cất em vào đất rồi, mẹ như người ngẩn ngơ. Đêm nào mẹ cũng gào khóc, gọi em. Mẹ cứ nghĩ là em chết chưa tới số, nên lễ chùa nào mẹ cũng bi thiết cầu xin được em về báo mộng cho biết về nỗi chết oan hay ưng của em. Rằm tháng 7, chùa hay có lễ lên đồng để người sống hỏi han về người chết. Mẹ nhờ người ngồi hộ. Khi đồng nhập về, mẹ vờ như người quen xin đồng giãi bày xem cái chết của em ra sao.

Đồng bảo mẹ chính là mẹ ruột của hồn, rồi đồng vanh vách chỉ từng anh em của hồn đang ngồi ở những nơi đâu. Có một điều lạ lùng là đồng dặn thêm mẹ: "Mợ về quẳng cái cặp đi học của con cất trên đầu tủ đi để đừng thấy mà khóc thương, con không hóa kiếp được". Cái cặp này nguyên khi em mất đi, mẹ đã cất lên đó cũng không nhớ đến nữa. Thế là hôm sau về, mẹ bỏ ngay cái cặp đi; nhưng lòng thương nhớ em thì mẹ chưa bỏ được.

Hằng đêm mẹ vẫn khóc gào gọi em. Trong đêm khuya, tiếng mẹ nghe càng ai oán thêm nhiều hơn. Nỗi buồn vì bố vắng nhà, cộng thêm nỗi xót xa vì con gái hư hỏng, đứa con trai hi vọng nhờ cậy được thì lăn ra chết, nên mẹ càng ngày càng như cái cây héo vì thiếu nước. Cho đến một ngày thì mẹ gục. Mẹ thổ huyết và bị lao phổi. Thuốc men chữa trị làm sao cất đi được nỗi buồn phiền của mẹ nên bệnh càng lúc càng tăng. Mẹ cứ giục tôi lấy vợ để bà kịp thấy mặt cháu trước khi nhắm mắt, nhưng nhà túng quá ăn còn chẳng đủ lấy tiền đâu ra mà tính chuyện cưới vợ cho con. Mẹ đã phải cho thuê bớt hàng ba nhà cho người mở tiệm may. Gian trong mẹ cũng cho thuê nốt làm chỗ gửi hàng của những người bán ở chợ để lấy tiền sinh
sống.

Dạo đó tôi phải ngủ nhờ trên quầy cắt vải của hiệu may. Sáng ra đã phải thức dậy từ ba, bốn giờ mở cửa để người đến lấy các bồ, sọt đưa ra chợ. Bệnh thì thuộc loại tiêu tốn nhiều mà tiền thu vào thì vừa đủ chi cho ngày ăn hai bữa nên lần hồi mẹ phải nhường thêm cho hiệu may mướn chỗ rộng thêm. Đến khi không gượng được nữa mẹ phải tính chuyện gọi sang nhà, người thuê may giở quẻ không chịu dọn đi. Thế là mẹ lại phải điều đình, ngã giá, cò kè thêm bớt mãi, chịu bồi thường cho họ một món tiền lớn, họ mới bằng lòng cho mẹ sang nhà. Những tranh chấp, kiện tụng và những trận cãi vã nhau làm cho món tiền sang nhà rồi cũng trở nên manh mún đi. Mẹ dọn ra với hai bàn tay trắng, có bao nhiêu lo trả các món nợ vay điều trị bệnh từ trước đến giờ, còn lại chỉ đủ ăn gượng cầm hơi.

Cũng may dạo ấy tôi được bà dì nhận bảo lãnh lên Đà Lạt tìm việc. Hồi đó cao nguyên còn là đất hoàng triều cương thổ, ai muốn xin lên phải chờ công an điều tra ít là 3 tháng rồi có được chấp thuận hay không. Nhờ chú tôi lúc đó đang ở lính Ngự Lâm Quân, nên việc xin đi của tôi cũng có chiều thuận lợi. Mười chín tuổi, tôi bỏ học dở dang lên Đà Lạt đi làm. Lại cũng nhờ có ông bác lấy vợ bên đạo giới thiệu, tôi được nhận vào làm thư ký văn phòng cho một trường tư công giáo. Công việc của tôi lo giữ sổ sách, cuối tuần cộng phiếu điểm của học sinh. Một lần, cô giáo lớp 4 thình lình nghỉ bệnh, nhà trường không muốn cho học trò về nên tạm đưa tôi điền vào thay. Không ngờ tôi làm việc được, và cũng nhân học sinh lớp 4 quá đông, nhà trường đã phân thành hai lớp và giao cho tôi đứng hẳn một lớp.

Làm việc cho nhà trường được khoảng 4 năm thì một hôm mẹ tôi từ Saigon đột ngột lên thăm. Tôi đi dạy về đã thấy mẹ tôi ngồi trong phòng chờ. Tôi ngạc nhiên hỏi thì mẹ bảo: "Mợ nhớ Cu nên mợ lên thăm, ở chơi với Cu ít lâu". Những ngày sống cạnh mẹ, tôi thấy dạo này mẹ không còn than khóc em nữa, nhưng lại có những đêm mẹ ngồi dậy lẩm nhẩm nói một mình: "Mày có biết tao lo cho mày nhất nhà không, vậy mà mày nỡ bỏ tao mà đi. Bao nhiêu hi vọng đặt vào mày đều tan thành bèo bọt hết".

Tôi biết mẹ vẫn còn hận chị tôi. Giá lúc đó biết chị ở đâu, tôi sẽ không từ nan cất công đi lôi chị về cho bằng được để mẹ tôi đỡ khổ. Song cánh chim đã bay xa thì biết đâu nẻo mà tìm. Thương cho mẹ cứ chìm trong đắm đuối, bóng hạc gầy càng lúc càng héo hon. Có đêm thấy mẹ ngẩn ngơ, tôi đã nghĩ một ngày sắp xa mẹ mà tôi phải đón nhận. Tôi trách chị tôi, tôi buồn bố, tôi thương em gái giờ phải đi ở đợ, làm con nuôi cho người ta.

Tôi cũng thương chính tôi bất lực, không làm gì giúp cho me.. Có lần tôi đã nghĩ lẩn thẩn giá gì mẹ nhắm mắt được để đời mẹ đỡ khổ đau, thì tôi cũng nên để mẹ sớm chia ly. Vậy mà số mẹ vẫn không được yên thân. Miệng lưỡi thế gian vẫn đeo theo mẹ với tiếng gieo là mẹ phải lòng ông cung văn nào đó. Mẹ nghe được, mẹ chỉ cười vì mẹ biết chắc rằng ai mà dám gồng mình rước cái thân ốm còm ốm cõi, bệnh hoạn của mẹ lúc này nữa. Mẹ vẫn tự an ủi: "Đàn bà tuổi Thân cực lắm. Phương chi mợ lại cầm can chữ Mậu ở đầu. Canh cô, Mậu quả, lắm tiếng thị phị Âu cũng là số kiếp của mợ".

Mẹ ở với tôi đúng 6 tháng thì đòi về. Mẹ được em tôi sắp xếp cho nằm nhờ ở hàng ba phòng khám bệnh, nơi em làm việc. Mẹ nằm đó lủi thủi một mình, đôi khi bắt em phải ngồi cạnh chuyện trò với mẹ. Vì sợ em bỏ đi, nên mẹ cứ giữ chặt lấy tay em, khiến em rất sợ.

Hằng ngày mẹ cứ khư khư ôm lấy bao nhiêu lo lắng, khổ tâm. Mẹ thấy các con mẹ chưa đứa nào ra sao cả. Mẹ muốn các con yên phận trước khi mẹ có phải chia tay. Nhưng ước vọng nhỏ nhoi đó muôn đời mẹ không thực hiện được. Có thể vì sự quẫn trí đó làm cho tâm tư mẹ lúc nào cũng không ổn. Mẹ càng ngày càng trở nên ngớ ngẩn nhiều hơn, chưa đến nỗi xé quần, xé áo hay điên dại làm liều. Nhưng chủ nhà nhận nuôi em vẫn sợ, phải gửi mẹ vào dưỡng trí viện. Tôi nhận tin òa
lên khóc, càng thương mẹ lận đận, lao đao.

Ngày vào nhà thương Chợ Quán thăm mẹ, thấy bóng mẹ đứng trong phòng có rào chắn, nước mắt tôi tuôn như suối. Tôi xin phép cho mẹ ra ngoài, y tá chấp thuận ngay. Mẹ ngồi bên tôi, một hai cứ khẳng quyết: "Mợ không điên. Cu cố xin cho Mợ về". Nhưng về đâu bây giờ, thưa mẹ? Chính thân con vẫn còn lông bông ở cách xa mẹ hơn 300 cây số đường trường, còn em thì vẫn còn phải đi làm con nuôi nơi người khác. Thôi xin đành, mẹ ạ. Suốt đời con sẽ không quên nỗi bất hiếu hôm nay.

Đến giờ chia tay, tôi đã phải dối mẹ là đi mua quà rồi trở lại đón mẹ về, mẹ mới chịu trở vào phòng. Nhưng mẹ biết ngay, nên mẹ vùng vằng gọi tôi trở lại. Tôi đã phải nằm bò dài theo hàng dâm bụt để trốn đi cho mẹ đừng thổn thức. Không ngờ lần thăm đó là lần cuối mẹ con tôi bên nhau. Mẹ tôi mất đi từ dưỡng trí viện ít tuần sau. Không có nơi quàn di thân, bà con phải thuê nhà vĩnh biệt của chùa để làm nơi mẹ nghỉ. Hôm đưa ma, tôi không về dự được. Chỉ sau khi mọi việc xong xuôi, em tôi mới báo tin.

Tôi khóc suốt mấy ngày, bỏ đi lang thang khắp các đường phố Đà Lạt sau những giờ làm việc. Có hôm tôi đi đến tận 4, 5 giờ sáng vẫn không về nhà. Người tôi gầy rộc đi, mắt có hồi kèm nhèm như người đau mắt nặng. Đêm nào cũng mơ thấy mẹ về, không trách mắng gì, chỉ xoa xoa đầu tôi mà khóc.

Lạy Mẹ. Đã hơn nửa thế kỷ rồi mẹ con cách biệt nhau. Sao con vẫn nghĩ mẹ đang đi thăm nơi nào đó rồi lại trở về. Thân xác mẹ đã hơn một lần được cải táng, đem thiêu đi và tro gửi vào tháp chùa Vĩnh Nghiêm. Con nghĩ ở gần cửa thiền, hằng ngày mẹ sẽ nghe kinh kệ, anh linh mẹ sẽ sớm siêu thoát hơn. Nhưng hơn 50 năm qua, con vẫn còn bé bỏng như ngày còn bên mẹ. Con vẫn thích giữ cái tên Cu ngày nào mẹ đã dành gọi con.

Bây giờ Cu đã có gia đình, có con, có cháu, nhưng nghĩ đến công lao của Mợ, Cu vẫn thấy Cu thiếu sót bổn phận vô cùng. Mẹ ơi, đôi khi con vẫn còn mơ gặp lại Mẹ và mỗi lần như thế con vẫn nức lên những tiếng khóc đau thương. Con ước gì bây giờ Mẹ vẫn còn trên cõi đời này để đôi khi được bé lại, làm nũng với mẹ như xưa. Ước gì con vẫn hư để được mẹ dạy dỗ khắt khe, bởi vì nếu không thế, chắc gì hôm nay con đã được trưởng thành, phải không Mẹ của con? Mợ ơi! Có lúc nào Mợ còn nhớ đến Cu không?

Bao năm côi cút trên đời
Mẹ như bóng hạc suốt đời theo con

Không có nhận xét nào: