Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

Những người tù cuối cùng – Phạm Gia Đại - By Hoàng Nhất Phương

nhung-nguoi-tu-cuoi-cung
Mở đầu quyển hồi ký “Những Người Tù Cuối Cùng,” tác giả Phạm Gia Ðại viết:
“Suốt bao nhiêu năm, nhưng tôi vẫn không sao quên được những ngày tháng cuối cùng của Sài Gòn, mà tôi đã sống trong đó. Những ngày thành phố lâm trọng bệnh đi vào cơn hấp hối, như người đang khỏe mạnh bỗng chốc vướng vào chứng nan y, nhưng Sài Gòn vẫn anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, rồi mới chịu buông xuôi bó tay, trước định mệnh uất nghẹn thương đau. Tôi cũng không thể nào quên nổi, vì đâu mà cả chế độ của một quốc gia hùng mạnh như Việt Nam Cộng Hòa lúc đó, phát triển ngang hàng hay hơn nếu so sánh với Thái Lan, Phi Luật Tân, Ðại Hàn, hay Ðài Loan, đã phút chốc bị tan tác như xác pháo. Vì đâu mà nguyên một chế độ, theo chân nhau vào tù trong bàng hoàng và tủi hận…
<!> 
Tôi theo mẹ tôi leo lên lầu. Căn nhà số năm ba bảy này có một tầng lầu nhìn ra con đường Trương Minh Giảng, Quận Ba, Sài Gòn. Tôi đẩy nhẹ cánh cửa để có một cái nhìn khái quát những xáo trộn ồn ào, mà mười mấy năm nay tôi chưa từng bao giờ thấy xảy ra trên con phố này. Những khuôn mặt ngơ ngác của dân chúng, người ôm giỏ người xách va-li vừa đi vừa chạy. Thành phố đang trong cơn náo loạn, vì từ hơn hai chục năm nay, dù là chiến tranh bộc phát nhiều nơi trên lãnh thổ Miền Nam, nhưng Sài Gòn vẫn bình yên; và bây giờ lần đầu tiên Sài Gòn – thủ đô của chế độ Việt Nam Cộng Hòa – đang lâm nguy trong những giây phút cuối.” [Trang 9&10]
Lời mở đầu của tác giả cho thấy bối cảnh Sài Gòn từ 41 năm về trước, đã biến động ngoài sự tiên liệu của người dân. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chưa đến bốn mươi tám giờ, đã có sự thay đổi bất thường. Ông Dương Văn Minh vừa làm tổng thống thay thế nhà chí sĩ Trần Văn Hương, đọc thông điệp đầu hàng, báo hiệu sự cáo chung của Miền Nam Việt Nam, mảnh đất yêu chuộng hòa bình, đang phát triển, phồn vinh, thịnh vượng, và đầy nhân bản. Rất nhiều nơi, những chiến sĩ anh dũng vẫn không chịu buông súng đầu hàng. Chẳng hạn như Trại Nhảy Dù Hoàng Hoa Thám, Trại Nhảy Dù Nguyễn Trung Hiếu…Trung Ðoàn Biệt Kích Dù ở đây không chịu đầu hàng. Nhiều người ngồi bên nhau, can trường mở lựu đạn tự sát… Những hình ảnh như vậy, những câu chuyện như vậy, được ghi lại rất rõ trong hồi ký “Những Người Tù Cuối Cùng.”
Bên cạnh sự khủng hoảng sau khi chế độ Việt Nam Cộng Hòa kết thúc, các tù nhân chính trị như tác giả Phạm Gia Ðại còn phải chịu những ngày tháng năm cơ hàn, khi bị giam giữ trong trại học tập – mà thực chất là nhà tù cộng sản. Họ không những phải chịu đói cơm rách áo, mà còn bị ngược đãi, bị tra tấn. Rất nhiều người bị bắn chết trong nhà tù, vì phản đối cán bộ đối xử tàn nhẫn với tù nhân. Rất nhiều người chết vì đau ốm, nhưng không được điều trị. Nhớ lại thời  giam tù tội gian khổ, tác giả Phạm Gia Ðại chia sẻ: “Có nhiều người đã hỏi tôi là lý do nào, động cơ nào đã giúp cho tôi sống sót được, sau bao nhiêu năm tháng chịu muôn vàn khó khăn thiếu thốn, đày ải khổ nhục trong ngục tù cộng sản? Câu hỏi đó tôi không thể nào diễn đạt lại được thật đầy đủ, trong một câu trả lời. Bởi vì không chỉ có một lý do, một động cơ, mà có rất nhiều yếu tố giúp cho những người tù cuối cùng tồn tại. Chính ngay chúng tôi, những người tù, khi bước chân ra khỏi trại giam, cũng phân vân tự hỏi: Tại sao mình vẫn còn sống? Một trong những yếu tố căn bản  và vô cùng quan trọng là yếu tố gia đình, bao gồm vợ con, bố mẹ, anh chị em, họ hàng. Những người đã cưu mang, đến thăm, tiếp tế các nhu yếu phẩm, thuốc men, tiền bạc cho người tù.” [Trang 232 & 232]
Tác giả Phạm Gia Ðại sinh năm 1945 tại Nam Ðịnh. Ông là học sinh Trường Chu Văn An năm 1965; là sinh viên Ðại Học Văn Khoa năm 1970; và là nhân viên của Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ từ năm 1970 đến năm 1975. Ông bị tù tập trung trong trại giam Cộng Sản 17 năm, từ năm 1975 đến năm 1992. Ông và gia đình sang Hoa Kỳ, định cư tại Tiểu Bang California từ năm 1993. Ông là diễn giả tại Ðại Học UCI, Miền Nam California, về Chiến Tranh và Văn Hóa Việt Nam trong suốt 15 năm qua.
“Những Người Tù Cuối Cùng” dày 494 trang, in tại Protect Printing, California, do tác giả phát hành năm 2011. Ðây là quyển hồi ký ghi lại giai đoạn khủng hoảng, biến động tột cùng của Miền Nam Việt Nam; để chia sẻ nỗi buồn thiên thu khi tưởng nhớ những anh hùng vị quốc vong thân trong Tháng Tư năm 1975, các quân nhân, các quan chức hành chánh bị giam cầm dưới chế độ hà khắc của nhà cầm quyền Hà Nội, sau ngày Thủ Ðô Sài Gòn thất thủ.
HNP

Không có nhận xét nào: